Thứ 2, 25/11/2024, 14:46[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Doanh nghiệp may nỗ lực giữ chân người lao động

Thứ 2, 10/04/2023 | 08:19:31
7,839 lượt xem
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN lĩnh vực may mặc gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, ảnh hưởng đến duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ), thời gian qua, cùng với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, các DN may trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã tích cực phối hợp với công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ, chính sách để giữ chân NLĐ.

Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, cụm công nghiệp An Ninh (Quỳnh Phụ) tìm kiếm nguồn hàng mới, khách hàng mới, thị trường mới để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Vừa duy trì việc làm vừa lo giữ chân NLĐ

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các DN sản xuất trong lĩnh vực may mặc tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng do ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Nhiều DN trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã phải giảm đơn giá, tìm kiếm thêm mặt hàng sản xuất mới để duy trì việc làm cho NLĐ. Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai, xã An Tràng chuyên sản xuất đồng phục xuất khẩu đi Nhật Bản và châu Âu song  quý I/2023 đơn hàng của Công ty giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty, chưa bao giờ Công ty của ông cũng như các DN lĩnh vực may mặc gặp khó khăn như hiện nay. Đơn hàng giảm khiến doanh thu của Công ty giảm, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng. Chưa kể, có thời điểm hết đơn hàng, một số bộ phận phải cho NLĐ tạm thời nghỉ việc để chờ đơn hàng mới nên việc giữ chân NLĐ cũng là bài toán đặt ra với DN. Thay đổi phương thức sản xuất là giải pháp được DN đưa ra trong thời gian qua. Ngoài mặt hàng truyền thống là đồng phục xuất khẩu, DN tìm kiếm một số mặt hàng mới như hàng dệt kim, bảo hộ lao động... để duy trì sản xuất. Công ty nỗ lực duy trì đơn hàng đến hết quý II/2023.

Với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, cụm công nghiệp An Ninh, trước đây thu nhập của NLĐ luôn ở mức 7 - 8 triệu đồng/người/tháng nhưng hiện nay chỉ dao động ở mức 5 - 6 triệu đồng. 

Ông Phạm Thành Trang, quản lý sản xuất Công ty cho biết: Sản phẩm của Công ty là hàng gia công áo jacket xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ. Từ đầu năm đến nay, ngành may mặc gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Mặc dù đơn hàng giảm song Công ty luôn nỗ lực tìm nguồn hàng mới, khách hàng mới, thị trường mới để bảo đảm việc làm cho NLĐ. Hiện tại, đơn hàng của Công ty đã ký đến hết quý II/2023. Cùng với đó, Công ty luôn phối hợp với công đoàn thực hiện tốt các chế độ, chính sách để giữ chân NLĐ.

Nhiều chính sách giữ chân NLĐ

Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai có khoảng 300 lao động. Trước đây, thu nhập của NLĐ Công ty luôn duy trì từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế thế giới, Công ty phải cắt giảm đơn hàng, vì vậy việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng, thu nhập cũng giảm theo. Để NLĐ yên tâm làm việc, lãnh đạo Công ty phối hợp với tổ chức công đoàn kịp thời thực hiện các chế độ để giữ chân NLĐ. 

Chị Vũ Thị Vân Chi, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: Từ khi ngành may mặc gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Công ty có những phương án để hỗ trợ NLĐ tốt nhất trong khả năng có thể. Từ tháng 2/2023, khi chuyển đổi các mặt hàng mới, nếu NLĐ không bảo đảm thu nhập Công ty sẽ bù lương bằng mức 200.000 đồng/ngày. Đối với những công nhân phải tạm nghỉ làm, trong thời gian chờ việc Công ty sẽ hỗ trợ 50% mức lương cơ bản. Ngoài ra Công ty vẫn duy trì hỗ trợ tiền xăng xe, chế độ ngày phép, đóng BHXH và các chính sách liên quan đến đời sống của NLĐ. 

Chị Bùi Thị Tho, công nhân Công ty cho biết: Trước khó khăn chung của Công ty, chúng tôi hiểu được nỗi lo của DN khi phải chăm lo cho hàng trăm lao động. Trong thời điểm đơn hàng bị cắt giảm do nhiều yếu tố, việc duy trì việc làm và thực hiện các chế độ phù hợp giúp NLĐ chúng tôi yên tâm gắn bó với DN.

Tại Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và sản xuất Toàn Anh, theo chia sẻ của ông Phạm Thành Trang, để hạn chế thấp nhất tình trạng NLĐ dịch chuyển công việc, Công ty luôn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để tạo việc làm ổn định cho NLĐ, trả lương thỏa đáng đối với từng vị trí, bộ phận. Cùng với đó, duy trì các chế độ đãi ngộ với NLĐ như phụ cấp chuyên cần, đóng đầy đủ BHXH theo quy định, duy trì chế độ lương, thưởng...

Dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn trong năm 2023, tiếp tục ảnh hưởng đến DN, nhất là DN lĩnh vực may mặc và kéo theo sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của công nhân lao động. 

Theo bà Tăng Thị Hiệu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Phụ, bên cạnh tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, DN cần có cơ chế giữ chân NLĐ để cùng vượt qua khó khăn, thách thức. Những biện pháp giữ chân NLĐ không chỉ có tăng thu nhập cho họ mà quan trọng hơn là cách đối đãi của đơn vị và người sử dụng lao động, tạo tình cảm, sự yên tâm để họ gắn bó. Cùng với đó, DN duy trì các chế độ lương, thưởng và có cam kết lâu dài với NLĐ. Công đoàn sẽ giám sát việc thực hiện. Có như vậy, NLĐ mới gắn bó lâu dài và cống hiến hết sức mình.

Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động.


Nguyễn Cường