Thứ 6, 17/01/2025, 20:55[GMT+7]

Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khu vực phi chính thức

Thứ 5, 15/06/2023 | 08:40:44
2,785 lượt xem
Tình hình tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động ở khu vực phi chính thức (khu vực làm việc tự do, không có hợp đồng lao động) thời gian qua có chiều hướng giảm. Điều đó góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại khu vực phi chính thức là việc làm rất quan trọng để phòng ngừa tai nạn lao động.

Xã Vũ An (Kiến Xương) có trên 4.700 nhân khẩu, trên địa bàn xã có khá đông lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. 

Ông Nguyễn Anh Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ An cho biết: Toàn xã có gần 2.700 người đang trong độ tuổi lao động. Ngoài số lao động đang làm việc trong khu vực chính thức (khu vực làm việc có hợp đồng lao động) thì số còn lại đang trực tiếp lao động ở nhiều lĩnh vực như: may công nghiệp, thợ xây, nhôm kính, làm nghề mộc, sửa chữa điện nước... Hàng năm, mỗi khi có văn bản của cấp trên về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, chúng tôi đều triển khai phổ biến đến người dân. Thông qua hệ thống truyền thanh, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Chính vì vậy, trên địa bàn xã Vũ An nhiều năm nay không xảy ra tai nạn lao động chết người.

Là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất, anh Nguyễn Văn Duy ở thôn An Vinh, xã Vũ An luôn đặt tiêu chí an toàn lên trên hết. Anh chia sẻ: Đặc thù của nghề làm mộc phải sử dụng nhiều loại máy cắt, máy cưa nguy hiểm nên trong quá trình lao động, tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn. Với những lao động làm thuê tại xưởng, tôi luôn dặn dò, lưu ý liên tục về cách sử dụng và vận hành máy an toàn. Những chi tiết nhỏ như khi người lao động chưa bảo đảm về trang phục, quần áo không gọn gàng, có thể vướng víu vào máy, tôi thường xuyên quan sát, nhắc nhở để tránh những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Lao động làm việc khu vực phi chính thức rất rộng, người lao động làm việc ở nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau, ở mỗi vị trí công việc tiềm ẩn những mối nguy hiểm có thể gây ra tai nạn lao động khác nhau. Khu vực này chủ yếu là những cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ thợ, hộ gia đình có người lao động tự làm, không theo hợp đồng lao động nên để bảo đảm an toàn về sức khỏe cho chính mình, bản thân người lao động phải nâng cao ý thức tự giác, đề cao tính kỷ luật lao động. Cùng với đó, các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương, cơ sở phải xác định rõ trách nhiệm để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động thuộc địa bàn quản lý. 

Ông Phạm Duy Long, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư cho biết: Việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động được chúng tôi quan tâm thực hiện thường xuyên và liên tục. Cùng với đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực phi chính thức, trong đó tập trung chủ yếu việc hướng dẫn tuân thủ quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đối với những cơ sở, hộ kinh doanh cá thể sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như xe nâng, nồi hơi, vận thang, thiết bị nâng hạ tự chế...

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ tai nạn lao động, làm 88 người bị nạn. Trong đó, có 14 vụ tai nạn lao động làm chết 14 người, bị thương 74 người. Tình hình tai nạn lao động có người chết của năm 2022 được đánh giá có giảm về số vụ và số người chết so với các năm trước nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm, có hại trong lao động, sản xuất, nhất là tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức. Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động ngã cao trong thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ và một số vụ tai nạn lao động chết người và tổn thương sức khỏe người lao động trong quá trình lắp đặt, sửa chữa máy móc, thiết bị trong doanh nghiệp.

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, Sở đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức như: phối hợp cùng các huyện, thành phố rà soát, đánh giá tình hình tai nạn lao động khu vực phi chính thức để có giải pháp hỗ trợ huấn luyện; rà soát, thống kê tình hình sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động để hướng dẫn kiểm định, bảo đảm an toàn trong sử dụng; tổ chức tập huấn, huấn luyện cho chủ cơ sở, hộ kinh doanh cá thể và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo ông Tăng Quốc Sử, khó khăn nhất trong công tác quản lý cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động khu vực này là nhận thức và ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa đầy đủ; người lao động còn coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa chú ý đến bảo vệ an toàn, tính mạng của bản thân. Chưa nhận được sự quan tâm phối hợp thường xuyên từ các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, cơ sở.

Đặc thù của nghề làm mộc phải sử dụng nhiều loại máy cắt, máy cưa nguy hiểm nên anh Nguyễn Văn Duy (bên trái) thường xuyên quan sát, nhắc nhở người lao động vận hành máy an toàn.


Đỗ Hồng Gia