Thứ 6, 27/12/2024, 11:14[GMT+7]

Có nghề, có tương lai

Thứ 5, 30/11/2023 | 16:50:18
6,070 lượt xem
Vào đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công, nhất là trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Thực tế đã chứng minh, có những học sinh rất thành công khi chọn học nghề.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình được hướng dẫn thực hành môn Điện điều khiển.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em Phạm Quang Phong, lớp Cao đẳng điện tử K17, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình đã xác định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ chọn học nghề. Phong tâm sự: Em chọn học nghề vì phù hợp với năng lực, sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình chứ không hẳn chỉ vì em không thi đỗ đại học. Em thấy hiện nay, xã hội đang cần rất nhiều công nhân kỹ thuật và người làm việc trong các ngành nghề chuyên môn như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí. Vì vậy, em chọn học nghề để có cơ hội tìm được công việc ổn định và phù hợp khi ra trường.

Còn Nguyễn Thị Thu, lớp Cao đẳng may thời trang K17, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình chia sẻ em thấy rất nhiều anh chị sau khi tốt nghiệp đại học nhưng không xin được công việc theo đúng sở trường, nguyện vọng của bản thân. Hầu hết phải đi làm trái với chuyên môn được đào tạo, chưa kể mức lương lại không quá cao. Trong khi hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp dệt may, có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động có kỹ thuật với mức thu nhập tương đối tốt. Chính vì vậy, em chọn học nghề may ngay sau khi tốt nghiệp THPT với hy vọng sẽ được đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.

“Em thấy ở quê em có rất nhiều người dù chưa được qua đào tạo tay nghề nhưng cũng có thể dễ dàng vào làm việc tại các công ty may. Em hy vọng khi ra trường sẽ dễ dàng tìm được công việc phù hợp với mức lương tốt. Có nghề trong tay, nếu không đi làm ở đâu thì em cũng có thể tự mở cửa hàng làm ở nhà” - Nguyễn Thị Thu tâm sự.

Những năm gần đây, nhiều học sinh đã lựa chọn học các trường nghề thay vì vào đại học. Thực tế cũng cho thấy, lao động qua đào tạo nghề có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ông Phạm Hồng Khang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình cho biết: Nhà trường hiện có khoảng 2.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại 5 khoa đào tạo gồm: điện – điện tử, may thời trang, công nghệ ô tô, cơ khí và công nghệ thông tin. Bắt đầu từ năm 2021, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình thực hiện mô hình “9 + cao đẳng”, tức là học sinh tốt nghiệp THCS có thể vào học tại trường, vừa kết hợp học văn hóa với học trung cấp nghề. Sau 2 năm, các em có thể tiếp tục học liên thông lên cao đẳng nghề. Điều đó có nghĩa, chỉ mất 3 năm học, học sinh vừa tốt nghiệp văn hóa THPT, lại vừa có tấm bằng nghề trong tay.

Nhiều học sinh, sinh viên chọn học nghề may để dễ dàng tìm được việc làm khi ra trường. 

Thời gian qua, công tác liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp được Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình coi trọng và mở rộng. Nhà trường đã triển khai thực tập cho học sinh, sinh viên tại nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh như Công ty LG Display Hải Phòng, Ivory, Yazaky Thái Bình, ARTIVERSE KNIT Hưng Yên… Qua đó, góp phần gắn kết đào tạo với thị trường lao động, việc làm; nâng cao kỹ năng nghề, rèn luyện kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, giúp cho học sinh, sinh viên làm quen với môi trường sản xuất của các doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên của nhà trường trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp, được các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí từ 5-8 triệu đồng/tháng và được tiếp nhận ngay sau khi ra trường. Vì vậy, 100% học sinh, sinh viên đều có việc làm với mức lương cao và được các doanh nghiệp đánh giá tốt.

Hiện nay tại tỉnh Thái Bình, cơ hội việc làm cho người lao động đang rất rộng mở, nhất là đối với lực lượng lao động có tay nghề bởi tỉnh đang đẩy mạnh thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh ở các khu và cụm công nghiệp. Những doanh nghiệp lớn với công nghệ máy móc hiện đại là môi trường lý tưởng để lực lượng lao động có trình độ, có tay nghề phát huy năng lực và sở trường của mình. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nguồn nhân lực thì nhiều nhưng số lao động làm việc tại địa phương có tay nghề là rất ít. Nguyên nhân là do nhiều học sinh khi tốt nghiệp THPT chọn cách đi làm ngay, cho nên chưa được qua đào tạo. Một số có tay nghề thì chọn cách đi làm ở địa phương khác do mức lương tối thiểu vùng tại nơi đó cao hơn. Nguyên nhân nữa là do quy mô đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề còn hạn chế.

Theo ông Phạm Hồng Khang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình, để khắc phục tình trạng này thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thu hút và nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, có các chế độ khuyến khích, thu hút học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. Phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đẩy mạnh kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ - thiếu thợ, thừa lao động tự do”. Để các em học sinh có nghề thì  việc triển khai thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THPT cần phải được tăng cường hơn nữa. Cùng với đó là công tác thông tin, tuyên truyền, vận động học nghề tại các trường THCS, THPT cần được đẩy mạnh, để phụ huynh, học sinh nắm được những lợi ích, cơ chế, chính sách ưu tiên, từ đó lựa chọn con đường đúng đắn cho con em mình, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Chọn học đại học hay học nghề là một trong những quyết định quan trọng trong cuộc đời, phải được cân nhắc thật kỹ dựa vào khả năng, sở thích và hoàn cảnh mỗi người bởi thực tế cho thấy có nghề là có tương lai.

Đỗ Hồng Gia