Thứ 4, 24/07/2024, 20:27[GMT+7]

Chuyện “giàu”,“nghèo” của nữ công nhân

Thứ 4, 24/07/2013 | 14:39:48
2,912 lượt xem
Cuộc sống của các nữ công nhân sau khi ra khỏi cổng công ty chỉ bó hẹp trong bốn bức tường phòng trọ. Cuộc sống thiếu thốn vật chất, tinh thần là tình trạng chung của đa phần lao động nữ trong các khu công nghiệp. Phải làm tăng ca, làm thêm giờ mới có tiền trang trải cuộc sống, cho nên họ không có thời gian hưởng thụ các hoạt động văn hóa xã hội...

Cuộc sống của các nữ công nhân sau khi ra khỏi cổng công ty chỉ quẩn quanh nơi phòng trọ. Cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn vật chất, tinh thần là tình trạng chung của đa phần lao động nữ trong các khu công nghiệp.

“Giàu” áp lực công việc

 

Quàng lên vai gánh nặng gia đình, chị Nguyên - làm tại một công ty may, cho biết, lương của chị chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca từ 1 - 2 tiếng/ngày thì thu nhập hàng tháng của chị được khoảng 3,2 - 3,5 triệu đồng. Số tiền đó tạm đủ để giúp chị xoay sở tiền học, tiền ăn cho hai con nhỏ và nuôi ông chồng “ăn không ngồi rồi”. Còn chị Nga làm ở Công ty TNHH Minh Trí chia sẻ: “Lương ăn theo sản phẩm nên công nhân phải làm luôn tay không nghỉ. Có khi làm cả buổi không dám đứng lên đi vệ sinh. Nghỉ một ngày là mất thưởng chuyên cần. Vì thế nếu có ốm đau phải vào bệnh viện mới dám nghỉ, bị bệnh thông thường tôi vẫn cố gắng đi làm để bảo đảm thu nhập. Biết là vất vả, sức khỏe suy giảm nhưng vì miếng cơm, manh áo nên ai cũng phải chấp nhận, cố gắng làm thêm được đồng nào hay đồng ấy”.

 

Ðến một khu nhà trọ của công nhân ở khu Ðại Lai 2, xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình, vẻ tĩnh lặng, buồn tẻ bao trùm khắp nơi. 18 giờ 30 phút, những nữ công nhân mới lục tục kéo về. Bữa cơm tối đạm bạc với mấy miếng đậu, ít rau luộc được các “đầu bếp” nhanh chóng sắp ra. Huế, một công nhân ngành may cho biết: “Sáng đi làm từ 6 giờ, chiều 6 rưỡi, 7 giờ mới tan ca. Nhiều hôm tăng ca chúng em làm đến 8, 9 giờ tối. Về đến nhà mệt lử, ăn uống đơn giản, tắm rửa rồi đi ngủ lấy sức để mai đi làm tiếp”. Trong một cuộc đối thoại gần đây giữa công nhân lao động với lãnh đạo tỉnh, rất nhiều công nhân đã phản ánh tình trạng doanh nghiệp lấy mức sản lượng của công nhân có tay nghề cao để xây dựng định mức lao động chung cho toàn bộ người lao động. Vì thế, để có thu nhập ổn định khoảng 3 - 3,2 triệu đồng/tháng thì người công nhân, nhất là chị em nữ, phải gồng mình “chạy” theo sản lượng.

 

Hiện toàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp ở các loại hình đang hoạt động với gần 13 vạn công nhân lao động, trong đó, tỷ lệ lao động nữ chiếm 60%. Thời gian qua, do khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã tăng ca, tăng giờ làm để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Thực tế thu nhập bình quân của người lao động từ 2,5 - 2,9 triệu đồng/người/tháng là đã bao gồm cả thời gian lao động tăng ca từ 1 - 2 tiếng/ngày. Cá biệt có doanh nghiệp công nhân phải tăng ca tới 4 tiếng/ngày. Do vậy, phần lớn công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ không có thời gian giành cho bản thân, cho gia đình. Không những thế, ở nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện kỷ luật đối với người lao động có thể nói là quá khắt khe và không theo quy định của  Bộ luật Lao động cả về mức và quy trình xét kỷ luật. Ví dụ có trường hợp bảo vệ một công ty ngủ gật trong giờ làm việc liền bị công ty đó đuổi việc hay công nhân đi làm muộn 1 phút thì bị trừ vào tiền chuyên cần hoặc áp dụng hình thức phạt tiền; nữ công nhân trong thời gian nuôi con dưới 1 tuổi không được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định của Nhà nước… Bị “vắt” hết sức lao động và phải chịu ấm ức vì những điều khoản vô lý, song phần lớn công nhân lao động lại không biết kêu ai, kêu ở đâu để được bảo vệ, giải quyết những vấn đề họ quan tâm, bức xúc. 

 

Nghèo đời sống tinh thần

 

Trò chuyện với hai chị em Thúy và Vân tại nhà trọ ở khu Ðại Lai 2, xã Phú Xuân, Thúy cho biết, cô và em gái thuê trọ ở đây đã được 3 năm. Thúy năm nay 27 tuổi, có người yêu ở cùng quê lại làm cùng công ty, ở trọ cũng gần nên có điều kiện chia sẻ trong cuộc sống. “Ðược như em có thể nói là may mắn rồi” - Thúy chia sẻ. Còn Vân thì tâm sự: “Làm cả ngày quần quật, chúng em chỉ có ít thời gian vào buổi tối. Ăn cơm xong, những ai có người yêu thì cũng chỉ đi chơi loanh quanh cho mát, còn những đứa “lính phòng không” như em chỉ biết ở nhà, không xem “ké” ti vi thì ngồi tán dóc một lúc rồi đi ngủ”. Hỏi sao không đi đến các điểm vui chơi, cô thở dài: “Các điểm vui chơi ở xa nên ngại đi. Với lại, đi chơi là phải tiêu tiền, lương ba cọc, ba đồng như chúng em liệu được mấy lần đi chơi?” Vân còn bảo, chúng em gọi vui nhà trọ này là nhà “ba không”: không sách báo, không đài, không ti vi. Vả lại, làm suốt ngày tối về mệt chỉ muốn ngủ, chuyện vui chơi giải trí cũng chẳng muốn nghĩ đến, mà có nghĩ đến cũng không có điều kiện để thực hiện.

 

Cách giải trí của nữ công nhân là cùng tán dóc rồi... đi ngủ.

 

Tâm sự của Huế, Vân, Thúy là nỗi niềm chung của đa số công nhân nữ tại các khu nhà trọ hiện nay. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn chưa có nhà ở cho công nhân. Tỷ lệ công nhân phải đi thuê trọ chiếm trên 80%. Thường thì một phòng trọ có diện tích từ 12 - 16m2 được 2 - 3 người thuê ở. Chất lượng vệ sinh, an ninh ở khu nhà trọ không được bảo đảm. Ðời sống tinh thần còn thiếu thốn. Nhà văn hóa, câu lạc bộ thể dục thể thao, nhà trẻ, việc sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí… bấy lâu nay vẫn còn là niềm mơ ước của công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

 

Cuộc sống của các nữ công nhân sau khi ra khỏi cổng công ty chỉ bó hẹp trong bốn bức tường phòng trọ. Cuộc sống thiếu thốn vật chất, tinh thần là tình trạng chung của đa phần lao động nữ trong các khu công nghiệp. Phải làm tăng ca, làm thêm giờ mới có tiền trang trải cuộc sống, cho nên họ không có thời gian hưởng thụ các hoạt động văn hóa xã hội. Ðó cũng là nguyên nhân khiến cho nhận thức của họ về những vấn đề xã hội bị hạn chế. Vì vậy, sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy những tình trạng như: nam nữ công nhân sống chung trước hôn nhân; nữ công nhân sa đà vào thế giới ảo trên Internet hoặc thậm chí là đánh bài bạc, sát phạt đỏ đen... đang diễn ra khá phổ biến tại các khu nhà trọ.

 

Giải quyết “giàu”, “nghèo” – Vẫn là chuyện khó

 

Ðược biết, vài năm trở lại đây, LÐLÐ tỉnh đã triển khai và ra mắt khu nhà trọ công nhân với một số hoạt động như: định kỳ tổ chức sinh hoạt tập thể, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phối hợp với ngành văn hóa xây dựng chương trình đẩy mạnh đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu nhà trọ, bảo đảm an ninh trật tự... Tuy nhiên, do hoạt động còn đơn điệu, việc tuyên truyền chưa tốt nên chưa thu hút được công nhân. Mặt khác, số công nhân tại các khu nhà trọ liên tục thay đổi nên việc nắm bắt tình hình, nguyện vọng của công nhân là rất khó. Bên cạnh đó, vì quan niệm chuyện hôn nhân cũng như việc vui chơi giải trí là việc riêng của mỗi cá nhân nên các doanh nghiệp hầu như không quan tâm đến vấn đề này. Chủ doanh nghiệp còn cho rằng, họ thuê công nhân đến làm việc và họ trả lương, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định là đủ và không còn trách nhiệm nào hơn. Trong khi đó, tổ chức công đoàn lại chưa thể chăm lo, bao quát hết được. Do đó, vấn đề chăm lo đời sống tinh thần cho nữ công nhân ở các khu nhà trọ vẫn là chuyện khó.

Bài, ảnh: Ngọc Mai

  • Từ khóa