Thứ 5, 16/01/2025, 17:03[GMT+7]

Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên nông dân

Thứ 4, 31/01/2024 | 14:26:58
4,432 lượt xem
Những năm qua, các cấp hội nông dân tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giúp hội viên, nông dân nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Vũ Huy Khu, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để làm tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, nông dân, hàng năm, các cấp hội cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho hội viên, góp phần nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm. Tổ chức hội đã liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Đối với các lớp đào tạo nghề tổ chức tại địa phương có nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm cũng như kinh nghiệm sản xuất. Kết quả trong 5 năm 2018 - 2023, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 22.900 lượt hội viên tham gia; tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt 60%. Cùng với đó, Hội đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. 

Đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế, hội nông dân các cấp đã vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân đổi mới tư duy, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Tổ chức trên 11.700 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất cho trên 1 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia. Cùng với đó, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế tại gia đình. Qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Xã Vân Trường (Tiền Hải) vốn có thế mạnh về sản xuất cây màu với diện tích hàng năm là 252ha. Nhờ làm tốt công tác đào tạo, hướng dẫn nông dân các kỹ thuật trồng, chăm bón, sử dụng các loại thuốc sinh học trong việc trồng màu, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao năng suất. 

“Gia đình tôi duy trì diện tích trồng cây màu khoảng 2 mẫu với các loại nông sản theo mùa như: dưa lê, bầu, bí, khoai tây… Vụ khoai tây năm nay, gia đình dự kiến thu hoạch được khoảng 4 - 5 tạ củ/sào, cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ứng dụng tốt kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch được khoảng 7 - 8 tạ khoai tây/sào” - ông Phạm Văn Tuấn, thôn Bác Trạch Đông chia sẻ.

Dù chỉ bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp từ năm 2020 nhưng anh Vũ Huy Khu, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đã nhanh chóng phát triển mô hình với diện tích 6.000m2 và có thể tự kiểm soát các vấn đề dịch bệnh của đàn vật nuôi. 

Anh Khu chia sẻ: Hiện tại gia đình tôi duy trì nuôi 200 con lợi thịt, lợn nái và trên 2.000 con ngan thương phẩm. Tôi rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề chăn nuôi thú y do địa phương tổ chức, nhờ vậy trang trại luôn bảo đảm vệ sinh, không bị dịch bệnh. Trung bình mỗi năm tôi cung cấp ra thị trường trên 30 tấn lợn thịt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi phối hợp với các đơn vị phát triển mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình mới này dự kiến sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Vân Trường (Tiền Hải) thu hoạch khoai tây.

Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tốt thế mạnh của địa phương, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Cùng với đó, Hội đã đẩy mạnh khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề để tư vấn, vận động nông dân học nghề. 5 năm qua, Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức 61 lớp dạy nghề cho trên 2.400 lượt hội viên, nông dân; phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức 65 lớp tập huấn về bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho trên 2.100 lượt hội viên, nông dân. 

Tiếp tục làm quan tâm, làm tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân, các cấp hội nông dân cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân, từ đó định hướng những ngành nghề phù hợp. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên, nông dân có nhu cầu. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống… nhằm đạt năng suất, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nguyễn Triệu