Chủ nhật, 24/11/2024, 20:54[GMT+7]

An toàn vệ sinh lao động khu vực phi chính thức: Còn nhiều nỗi lo

Thứ 6, 01/03/2024 | 09:20:54
7,150 lượt xem
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và bản thân người lao động ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng tình hình tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động ở khu vực phi chính thức (khu vực làm việc tự do, không có hợp đồng lao động) vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Xây dựng là công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động.

Lao động làm việc khu vực phi chính thức rất rộng, người lao động làm việc ở nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau, ở mỗi vị trí công việc tiềm ẩn những mối nguy hiểm có thể gây ra tai nạn lao động khác nhau. 

Anh Đ.V.H, một chủ thầu xây dựng tại huyện Kiến Xương chia sẻ: Tổ thợ của tôi có hơn 10 người, chủ yếu là xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ tại các xã phía Nam của huyện Kiến Xương. Làm nghề này luôn đối diện với nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động, vì vậy bản thân tôi luôn nhắc nhở anh em phải cẩn thận, nhận diện các yếu tố nguy hiểm nơi làm việc và thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong xây dựng. Tuy vậy, nhiều lúc cũng không tránh khỏi những tai nạn rủi ro. 

Là người thấm thía hơn ai hết hậu quả của tai nạn lao động, anh H cho biết cách đây vài năm tổ thợ của anh có 1 phụ hồ trong quá trình làm việc không may ngã từ giàn giáo cao xuống đất làm anh phải bồi thường một khoản chi phí rất lớn. Không những thiệt hại về kinh tế mà còn thiếu nhân lực làm việc ở những thời điểm quan trọng, kéo theo rất nhiều phiền phức.

Xã Vũ Hội (Vũ Thư) là địa phương có nhiều hộ kinh doanh cá thể ở nhiều ngành, nghề khác nhau như tổ thợ xây, nghề làm mộc, làm bún, sản xuất nhôm gia dụng. 

Bà H.T.V, chủ cơ sở sản xuất nhôm gia dụng tại xã Vũ Hội cho biết, cơ sở của gia đình bà đã hoạt động hơn 30 năm nay. Quá trình sản xuất nhôm phải sử dụng rất nhiều máy móc phức tạp, đòi hỏi người đứng máy phải thật lành nghề và tuân thủ nghiêm ngặt về ATVSLĐ như công đoạn sử dụng lò nấu tan chảy, công đoạn sử dụng máy cán ép công suất cao. Hiện gia đình bà thường xuyên có từ 12 - 15 lao động làm việc. Để bảo đảm an toàn lao động, bà thường xuyên giám sát, kiểm tra cũng như tuyên truyền, nhắc nhở người lao động trong thao tác, sử dụng máy móc, thiết bị bảo đảm an toàn lao động. Dù nhiều năm nay không để xảy ra tai nạn lao động nhưng bà V cho rằng như vậy không có nghĩa là mình được phép chủ quan, lơ là; công tác ATVSLĐ luôn phải được coi trọng và đặt lên hàng đầu thì mới bảo đảm an toàn trong sản xuất, góp phần thúc đẩy cơ sở ngày càng phát triển.

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội chia sẻ: Trên địa bàn xã có nhiều hộ kinh doanh cá thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều gia đình sản xuất những mặt hàng đòi hỏi sử dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại và phức tạp. Để nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới người sử dụng lao động và người lao động các quy định bảo đảm an toàn lao động. Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên một số hộ gia đình vẫn còn chủ quan trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ; ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động về công tác ATVSLĐ chưa đầy đủ; người lao động còn coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa chú ý đến bảo vệ an toàn, tính mạng của bản thân. Để vấn đề này được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư và cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động của địa phương, nhất là những cơ sở sản xuất, kinh doanh có người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 57 vụ tai nạn lao động, làm 61 người bị nạn, trong đó 7 vụ tai nạn lao động chết người, 6 vụ tai nạn lao động nặng; đặc biệt, có 4 vụ tai nạn có từ 2 người bị nạn trở lên. Tình hình tai nạn lao động có người chết của năm 2023 được đánh giá giảm về số vụ và số người chết so với các năm trước nhưng còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức. 

Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động ngã cao trong thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ; một số vụ tai nạn lao động chết người và tổn thương sức khỏe người lao động trong quá trình lắp đặt, sửa chữa máy móc, thiết bị trong doanh nghiệp. 

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chúng tôi đã phối hợp cùng các sở, ngành, huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (khu vực phi chính thức) xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; hỗ trợ góc bảo hộ lao động như tủ sách, trang bị bảo hộ lao động; hỗ trợ tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ quản lý, người sử dụng lao động và người làm công tác ATVSLĐ ở cơ sở và doanh nghiệp; hỗ trợ kiểm định an toàn máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Lấy dẫn chứng về vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình xây dựng nhà ở riêng lẻ xảy ra tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) cuối năm 2023 vừa qua, ông Tăng Quốc Sử cho rằng đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình hình mất an toàn lao động trong khu vực phi chính thức. Để công tác bảo đảm ATVSLĐ đạt được hiệu quả, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác chấp hành của chủ sử dụng lao động và người lao động trong quá trình làm việc.

Người lao động tại xã Vũ Hội (Vũ Thư) vận hành máy cán ép nhôm công suất cao.

Đỗ Hồng Gia