Thứ 3, 23/07/2024, 22:38[GMT+7]

An Hiệp - Quỳnh Phụ - Thái Bình Thực trạng lao động và việc làm

Thứ 4, 15/09/2010 | 14:46:21
3,723 lượt xem
An Hiệp là xã nội đồng, nằm về phía Bắc huyện Quỳnh Phụ. Toàn xã có 1.336 hộ với 4.717 nhân khẩu phân bố thành 8 thôn hành chính; trong đó, số lao động chiếm hơn 3.000 người gồm 1.455 nam và 1.574 nữ.

Ảnh: Vũ Mạnh.

An Hiệp là xã nội đồng, nằm về phía Bắc huyện Quỳnh Phụ. Toàn xã có 1.336 hộ với 4.717 nhân khẩu phân bố thành 8 thôn hành chính; trong đó, số lao động chiếm hơn 3.000 người gồm 1.455 nam và 1.574 nữ. Mặc dù có một số nghề thủ công truyền thống, nhưng thu nhập của người dân nơi đây vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp.

Vì vậy, thời gian qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã An Hiệp luôn coi việc giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT- XH chung của địa phươngXuất phát từ đặc điểm của một xã mà quá nửa lao động làm nghề nông nên chính quyền xã chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; coi đây là giải pháp hàng đầu để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá.

Để quá trình chuyển đổi đạt kết quả cao, An Hiệp đã chỉ đạo HTX và các đoàn thể chính trị tăng cường công tác tập huấn chuyển giao KH- KT cho nông dân. Từ năm 2001 đến giữa năm 2009, xã phối hợp với các ngành chức năng mở 3 lớp IPM thu hút 165 học viên; 6 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá tra, cá ba sa và nuôi lợn; 1 lớp sơ cấp thú y cho 46 học viên.

Ngoài ra, hàng năm xã đều mở lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa và cây vụ đông tại 8/ 8 thôn. Phát động phong trào thi đua chuyển đổi giữa các thôn, các đoàn thể, lấy kết quả chuyển đổi cụ thể làm tiêu chí bình xét thi đua cuối năm. Giao UBND xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cho từng năm và ở từng đơn vị. Xây dựng một số mô hình trình diễn điểm để các hộ tham khảo và nhân ra diện rộng.

Có cơ chế khuyến khích cụ thể cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như hỗ trợ 40.000đ/ sào cho các hộ cấy giống lúa mới, hỗ trợ 40.000đ/ sào và nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra đối với các hộ trồng cây màu giống mới... Đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu ở các xứ đồng, từ năm 2004 đến giữa năm 2009, toàn xã đã cứng hoá được gần 3 km kênh mương, ngoài ra trung bình hàng năm còn đầu tư từ 30- 50 triệu đồng tu sửa hệ thống bờ vùng, bờ thửa và các cống tiêu thoát nước...

Nhờ vậy, đến nay An Hiệp đã tiếp thu được một số giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao. Điển hình như giống QTN1, từ chỗ cấy thí điểm 4 ha vào năm 2005, nay đã đưa vào cấy đại trà, hay như giống BC15 sau thời gian cấy khảo nghiệm nay đã trở thành giống lúa chủ lực cả về diện tích và hiệu quả kinh tế. Cùng với hai vụ lúa thì diện tích cây vụ đông cũng ngày càng được mở rộng từ 125 ha năm 2001, đến nay đã tăng lên gần 180 ha.

Trong đó có một số cây màu giống mới cho hiệu quả kinh tế khá, như: Ngô lai F1 năng suất 54,6 tạ/ ha, giá trị đạt 21,8 triệu đồng/ ha; bí lai F1 năng suất 194 tạ/ ha, giá trị đạt 19,4 triệu đồng/ ha; ớt đông năng suất 139 tạ/ ha, giá trị đạt 280 triệu đồng/ ha; khoai tây Hà Lan cho thu nhập khoảng 41,7 triệu đồng/ ha... Một số khu đồng trước đây chỉ cấy 2 vụ lúa, nay chuyển sang cấy 1 vụ lúa và trồng 2- 3 vụ màu, như cánh đồng Hành thôn Lam Cầu rộng 6,7 ha.

Đối với diện tích đất thấp trũng cấy lúa kém hiệu quả như cánh đồng Đông thôn Nguyên Xá 3, xã quy hoạch chuyển sang đào ao nuôi thả thuỷ sản và trồng cây ăn quả. Từ năm 2003 đến hết năm 2008, toàn xã đã có 29 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích bước đầu đạt 2,5 ha. Các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cấy lúa, ví như chuyên canh màu cho thu nhập cao gấp 2- 2,5 lần cấy lúa, mô hình cá- lúa kết hợp cao gấp 4- 4,5 lần chuyên lúa...

Cá biệt như mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Nguyễn Văn Thích cho thu nhập tới 200 triệu đồng/ ha/ năm. Bên cạnh trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua cũng có bước phát triển toàn diện góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ. Toàn xã hiện có khoảng 359 con trâu bò, gần 5.000 con lợn và trên 40.000 con gia cầm các loại.

Cùng với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, đến nay các hộ dân trong xã đã xây dựng được 12 gia trại chăn nuôi lợn với số lượng từ 30- 50 con/ lứa và 7 gia trại chăn nuôi gia cầm với số lượng từ 500- 1.000 con/ lứa. Hiện mảng nông nghiệp đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.600 lao động, chiếm 53,4% tổng số lao động của toàn xã. Phát huy thế mạnh của xã có 2 nghề thủ công truyền thống là dệt chiếu và khâu nón, thời gian qua chính quyền nơi đây đã thực thi nhiều giải pháp nhằm giữ vững và mở rộng các nghề truyền thống hiện có, đồng thời tích cực tiếp thu thêm các ngành nghề mới để tạo thêm ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.

Hiện tại toàn xã có tới 17 ngành nghề khác nhau như cơ khí, may mặc, mộc, sản xuất VLXD, làm túi nilông, đan lát, móc hộp, móc lưỡi câu, làm hương... Riêng hai nhóm nghề là dệt chiếu cói tại thôn Lam Cầu và khâu nón tại thôn Nguyên Xá đã được UBND tỉnh chính thức cấp bằng công nhận làng nghề vào các năm 2003 và 2004. Khu vực nghề và làng nghề đang thu hút khoảng 570 lao động với mức thu nhập trung bình từ 650.000đ- 1,6 triệu đồng/ người/ tháng.

Nếu tính cả các hộ kinh doanh buôn bán và làm nghề dịch vụ khác như xay xát, vận tải... thì khu vực phi nông nghiệp đang tạo việc làm cho gần 1.100 lao động, chiếm 35,8% tổng số lao động. Đó là chưa kể hàng trăm lao động đang làm ăn xa tại các thành phố lớn trong cả nước và xuất khẩu lao động ra nước ngoài, số này hiện chiếm khoảng 10,7% tổng số lao động. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng và lao động ngành nông nghiệp, tăng tương ứng với các lĩnh vực TTCN và TM- DV, xã An Hiệp đã bảo đảm tạo việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động trong độ tuổi, toàn xã cơ bản không có tình trạng thất nghiệp. Số hộ khá và giầu chiếm khoảng 25% tổng số hộ. 100% đường giao thông nông thôn được cứng hoá. Trung bình 2,5 người dân sử dụng một máy điện thoại...

Vũ Mạnh

  • Từ khóa