Thứ 7, 23/11/2024, 19:09[GMT+7]

Xây dựng thiết chế văn hóa: Trăn trở của tổ chức công đoàn, mong mỏi của công nhân lao động Kỳ 1: Nhu cầu bức thiết của công nhân lao động

Thứ 5, 26/09/2024 | 09:03:28
4,648 lượt xem
Những năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có mặt trong tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với việc đào tạo những lớp công nhân vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, việc xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân lao động là việc làm cần thiết, là mục tiêu hướng tới của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn.

Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân Công ty TNHH Công nghệ phẩm Jinmao Thái Bình cùng các thành viên gia đình trong căn phòng trọ rộng gần 15m2.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ là nơi nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) mà còn là cầu nối quan trọng để truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương tới đội ngũ CNLĐ. Việc xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ là nhu cầu bức thiết cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

Phòng trọ - lựa chọn khả dĩ nhất của công nhân

Với những CNLĐ xa nhà, nhà trọ chính là nơi nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Thế nhưng, hiện nay phần lớn nhà trọ cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh chất lượng thấp, điều kiện sống tối thiểu vẫn chưa bảo đảm, chưa nói đến yếu tố tinh thần, đời sống văn hóa.

Hơn 2 năm nay, căn phòng trọ rộng gần 15m2 tại xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) là nơi sinh hoạt của 4 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân Công ty TNHH Công nghệ phẩm Jinmao Thái Bình. Mặc dù biết nơi ở an ninh không bảo đảm, thiếu không gian giải trí nhưng gia đình chị không còn lựa chọn nào khác. Chị Hoài chia sẻ: Diện tích phòng trọ nhỏ, bao gồm cả công trình vệ sinh và nơi nấu ăn nên rất bất tiện. Song đây là lựa chọn tốt nhất đối với gia đình tôi vì giá rẻ. Tôi rất mong muốn có được chỗ ở thoáng mát, rộng rãi hơn nhưng với mức thu nhập hiện nay thì rất khó.

Ông Trần Đức Hiền, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Công đoàn Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh hiện đang quản lý hơn 30.600 đoàn viên. Hiện nay, thu nhập bình quân của CNLĐ trong các doanh nghiệp là 6,5 triệu đồng/ người/tháng. Với mức thu nhập như trên, phần lớn CNLĐ còn nhiều khó khăn trong đời sống, đặc biệt là những người xa nhà, phải ở trọ. Hầu hết doanh nghiệp chưa xây dựng nhà ở tập thể cho CNLĐ nên có khá đông CNLĐ ở các khu công nghiệp phải thuê nhà trọ chất lượng thấp, diện tích chật hẹp. Đời sống vật chất của đoàn viên, CNLĐ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn dẫn đến đời sống tinh thần của họ cũng nghèo nàn, đơn điệu.

Công nhân lao động mong mỏi được nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH May Hualida Thái Bình.

Mong mỏi được nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần

Cũng giống như gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, dù làm việc ở thành phố nhiều năm nhưng cuộc sống của gia đình chị Phạm Thị Thịnh, công nhân Công ty TNHH May Hualida Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn. Chịu khó tăng ca nhưng thu nhập của vợ chồng chị chỉ đủ trang trải cuộc sống. Kinh tế “thiếu trước hụt sau” nên vợ chồng chị không có điều kiện, thời gian để sinh hoạt văn hóa, giải trí. 

Chị Thịnh chia sẻ: Hàng ngày vợ chồng tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Những ngày không tăng ca thì chúng tôi cũng phải dành thời gian chăm sóc con cái nên cũng không có điều kiện để sinh hoạt văn hóa. Thông thường tôi hay xem, đọc thông tin trên các trang mạng xã hội qua điện thoại trước khi đi ngủ để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc. Vào cuối tuần rảnh rỗi, tôi cũng rất muốn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nhưng phải đi xa và tốn chi phí mới có địa điểm để tập luyện thể thao, văn hóa, giải trí.

Điện thoại có kết nối internet ngày càng trở thành phương tiện giải trí duy nhất của nhiều người; anh Trần Văn Hùng, công nhân Công ty TNHH TAV cũng không phải ngoại lệ. Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn còn trĩu nặng nên việc thụ hưởng các hoạt động văn hóa, giải trí với anh còn nhiều hạn chế. Anh cho biết: Tôi thường xuyên tăng ca để kiếm thêm thu nhập nên quỹ thời gian rất hạn hẹp. Mỗi ngày đi làm về đến phòng trọ đã mệt rã rời nên tôi cũng chỉ tranh thủ “lướt” điện thoại một lúc rồi đi ngủ để có sức khỏe làm việc cho ngày hôm sau. Nếu có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí thì chủ yếu cũng là được Công đoàn và Công ty tổ chức, nhưng cũng chỉ 1 - 2 lần/năm.

Đa phần CNLĐ còn trẻ tuổi, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, vui chơi, giải trí cao. Bên cạnh đó, dù hiện nay tại các khu dân cư hầu như đều đã có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao nhưng vì khung giờ làm việc luân phiên thay đổi theo ca, kíp nên CNLĐ khó duy trì hiệu quả việc tập luyện tại đây. Không có thời gian, điều kiện nên sau khi tất bật tăng ca, hầu hết CNLĐ trở về phòng trọ, “làm bạn” với chiếc điện thoại. Từ đó dễ dẫn tới hệ quả là việc bị cuốn theo những trào lưu, thông tin trên mạng xã hội, thậm chí trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo, tín dụng đen.

Có thể khẳng định, việc xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ là nhiệm vụ cấp bách, bởi CNLĐ là một trong những lực lượng nòng cốt, tạo ra của cải vật chất, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp. Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ sẽ giúp họ ổn định sức khỏe, giúp cho mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp thêm bền vững, góp phần tạo ra nguồn lực cho xã hội.

Ông Mai Trung Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Victory Việt Nam
Việc thiếu thiết chế văn hóa không chỉ khiến đoàn viên, công nhân lao động ít có cơ hội được rèn luyện sức khỏe mà còn khó có môi trường để phát triển toàn diện. Từ đó ảnh hưởng đến đời sống của đoàn viên, công nhân lao động cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Công đoàn chú trọng tham mưu lãnh đạo Công ty tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao cho đoàn viên, công nhân lao động; đồng thời, có các phần thưởng cho tập thể, cá nhân tham gia tích cực.
Bà Hồ Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thái Thụy
Những năm qua, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện đã tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức các giải thể thao, giao lưu văn nghệ giữa công đoàn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với công đoàn các doanh nghiệp tổ chức giải thể thao cho người lao động. Từ những hoạt động văn nghệ, thể thao đó, công nhân lao động tích cực tham gia và đóng góp cho sự phát triển của phong trào, góp phần tích cực vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

(còn nữa)

Thu Trang - Tú Anh