Thứ 5, 21/11/2024, 23:12[GMT+7]

Xây dựng thiết chế văn hóa: Trăn trở của tổ chức công đoàn, mong mỏi của công nhân lao động Kỳ 3: Đưa nghị quyết vào thực tiễn

Thứ 7, 28/09/2024 | 13:38:57
8,160 lượt xem
Ngày 10/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng đội ngũ công nhân lao động tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nhiệm vụ được chỉ rõ là xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao nơi tập trung đông công nhân lao động để tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Từ đó hướng tới tầm nhìn đến năm 2045 đội ngũ công nhân lao động có đời sống tinh thần phong phú.

Câu lạc bộ bóng bàn Công ty Cổ phần May HNF tham gia thi đấu tại giải vô địch bóng bàn các câu lạc bộ tranh cúp Báo Thái Bình năm 2024.

Điểm sáng trong doanh nghiệp

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, từ đa dạng hình thức tuyên truyền của các cấp công đoàn, nhiều doanh nghiệp đã phát huy vai trò chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của đoàn viên, người lao động. Thông qua việc tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, xây dựng nếp sống văn hóa, các doanh nghiệp từng bước hướng tới môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn. Với hơn 1.000 đoàn viên, người lao động, Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) là một trong những doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí xây dựng sân cỏ nhân tạo với diện tích gần 2.000m2 và phòng sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Đây là doanh nghiệp tiêu biểu trong việc đầu tư thiết chế văn hóa cho đoàn viên, người lao động.

Bà Trần Thị Xoan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam thông tin: Vì thiếu địa điểm tập luyện nên dù đã được thành lập từ năm 2018 song câu lạc bộ văn nghệ và đội bóng đá nam của công nhân trong Công ty không có nhiều hoạt động. Nắm bắt nhu cầu thực tế và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, từ đề xuất của Ban Chấp hành Công đoàn, Công ty đã quyết định đầu tư kinh phí, bố trí diện tích đất phù hợp xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo đạt chuẩn và phòng sinh hoạt văn hóa văn nghệ có đầy đủ trang thiết bị máy móc, thuận thiện cho việc tổ chức các hoạt động tập luyện, giao lưu, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong Công ty. Điều đáng mừng là từ khi các thiết chế được hoàn thiện đến nay, đông đảo đoàn viên, người lao động đón nhận rất nhiệt tình, hăng say tập luyện sau giờ tan ca. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của Công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ, đời sống tinh thần của đoàn viên, người lao động được nâng lên rõ rệt.

Là một trong những thành viên tích cực của đội bóng Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hiểu chia sẻ: Chất lượng sân cỏ rất tốt, tôi thường xuyên cùng các anh em trong phân xưởng tập luyện, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Vì sân bóng ngay trong Công ty nên không tốn nhiều thời gian, công sức đi lại, cũng không phải trả chi phí cho việc sử dụng sân nên đây là điều kiện rất thuận lợi cho chúng tôi tích cực rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động, phấn đấu hoàn thành công việc được giao ngày càng tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Loan, thành viên trong đội văn nghệ của Công ty cho biết: Sau giờ tan ca, tôi duy trì 2 buổi/tuần luyện tập hát, múa dân vũ với các chị em để hoạt động của đội văn nghệ được đều đặn và luôn có sẵn những tiết mục âm nhạc phục vụ hoạt động của Công ty được tốt hơn. Có thể tiếng hát của chúng tôi chưa hay, điệu múa chưa mềm mại, chuyên nghiệp nhưng động viên tinh thần chị em rất lớn, gắn bó với nhau và yêu công việc của mình hơn.

Sân cỏ nhân tạo tại Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam tạo sân chơi cho đoàn viên, công nhân lao động.

Lan tỏa giá trị tích cực

Không chỉ có Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động thông qua việc đầu tư xây dựng sân bóng đá, bóng bàn, cầu lông... để đoàn viên, người lao động giải trí sau giờ làm việc như Công ty Cổ phần Tập đoàn may Đại Dương, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Việt Hàn (Thái Thụy)... Từ hoạt động thể thao diễn ra sôi nổi, được sự ủng hộ của ban lãnh đạo, công đoàn công ty, nhiều công nhân lao động đã tích cực tham gia các giải thể thao được tổ chức trong và ngoài tỉnh, thiết thực nâng cao chất lượng phong trào thể thao quần chúng ngày thêm phát triển, đóng góp vào cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Tại giải vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2024, 2 vận động viên đến từ câu lạc bộ bóng bàn Công ty Cổ phần May HNF, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) đã xuất sắc đạt huy chương vàng. Câu lạc bộ bóng bàn trong Công ty hiện là nơi tập luyện thường xuyên của gần 20 thành viên ở trong và ngoài Công ty tham gia, tạo sân chơi lành mạnh tại địa phương. Tại giải vô địch bóng bàn các câu lạc bộ tranh cúp Báo Thái Bình năm 2024, câu lạc bộ bóng bàn Công ty Cổ phần May HNF đạt 2 huy chương vàng các nội dung: đồng đội nam và đơn nam, huy chương đồng nội dung đôi nam, cùng ở lứa tuổi trên 41 tuổi. 

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ niềm đam mê của bản thân, tôi khuyến khích các anh em trong Công ty tích cực tập luyện thể thao, tham gia các giải đấu phù hợp ở trong và ngoài tỉnh để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phát triển bản thân được tốt hơn. Mong muốn của tôi là có thể đầu tư, mở rộng nơi tập luyện bóng bàn khang trang, đầy đủ trang thiết bị hơn, từ đó thúc đẩy phong trào thể thao của Công ty ngày thêm phát triển.

Mặc dù chưa có nơi tập luyện riêng nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp đã quan tâm, tạo điều kiện, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong công nhân lao động. Với 4 năm liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) chăm lo toàn diện cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động. 

Ông Trịnh Thanh Định, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Sức khỏe của đoàn viên, người lao động luôn được Công ty quan tâm, đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, Công đoàn và lãnh đạo Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao, mang lại sân chơi lành mạnh, bổ ích cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, với mỗi ca làm việc, khoảng hơn 2 tiếng, công nhân cần giải lao để thư giãn. Bài tập thể dục giữa giờ được duy trì giúp cơ bắp người lao động uyển chuyển, không bị mỏi cũng như tránh tác động của bệnh nghề nghiệp. Với khoảng thời gian 5 - 10 phút tập thể dục không chỉ giúp nâng cao tinh thần, sức khỏe mà còn giúp các đoàn viên, người lao động trong xưởng đoàn kết, thân thiết hơn, năng suất lao động gia tăng đáng kể. Đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện sức khỏe người lao động sau giờ làm việc.

Mỗi công ty, doanh nghiệp có một cách làm hiệu quả để từng bước cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Dù nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động là bài toán khó song với sự linh hoạt, sáng tạo, giá trị và ý nghĩa nhân văn mà các thiết chế văn hóa, thể thao mang lại cho công nhân sẽ giúp tỉnh có nguồn nhân lực lao động chất lượng tốt, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thu Trang - Tú Anh