Thứ 2, 12/08/2024, 04:16[GMT+7]

Bảo vệ môi trường ở Thái Thụy - Thái Bình Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Thứ 3, 21/09/2010 | 08:04:53
3,361 lượt xem
Thời gian qua, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở ở Thái Thụy đã vào cuộc khá tích cực, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, chỉ có nỗ lực của chính quyền vẫn chưa đủ, quan trọng hơn lúc này là cần có sự hợp tác tích cực của người dân, thay đổi thói quen sinh hoạt tuỳ tiện, chung tay góp sức để môi trường sống ngày càng xanh-sạch hơn.

Những bãi rác như thế này xuất hiện ở rất nhiều nơi. Gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Ngọc Linh

Nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác BVMT, hàng năm Thái Thụy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn Luật BVMT, văn bản của các cấp về công tác BVMT thông qua các buổi truyền thông trực tiếp, qua hệ thống loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức hội thi  tìm hiểu “pháp luật BVMT”...

Phòng Tài nguyên môi trường huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, các ngành chức năng của tỉnh đi kiểm tra, xử lý các vi phạm của các tàu thuyền khai thác cát trên sông Trà Lý. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường và một số vấn đề liên quan đến công tác BVMT của dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Diêm Điền.

Rà soát và phân loại các điểm môi trường bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra cần phải xử lý, tiêu huỷ trên địa bàn. Giải quyết các đơn thư kiến nghị của nhân dân đối với tình trạng xả nước thải và ô nhiễm mùi ở một số nhà máy chế biến hải sản, huyện cũng cử đoàn đi kiểm tra thực tế tại cơ sở, đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết dư lượng hoá chất trong nước của các nhà máy thải ra môi trường đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Mỗi năm, Thái Thụy đã trích ngân sách hỗ trợ các xã, thị trấn hàng trăm triệu đồng để mua sắm dụng cụ, vận chuyển thu gom rác thải, từng bước đưa việc thực hiện Luật BVMT  vào nền nếp. Hiện nay 100% các địa phương đều thành lập được các đội thu gom rác thải với hơn 500 người tham gia. Toàn huyện đã quy hoạch được 148 bãi thu gom, xử lý rác thải quy mô cấp xã đến thôn với tổng diện tích hơn 87.500 m2  và hiện nay đang quy hoạch thêm 66 bãi với diện tích gần 71.200m2.

Bình quân hàng tháng, mỗi gia đình đóng góp từ 2 đến 3 ngàn đồng chi trả công cho người đi thu gom rác thải. Ngoài đội thu gom chuyên, các xã, thị trấn duy trì đều đặn việc huy động nhân dân tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trước cửa nhà vào ngày 23, 24 hàng tháng.

Riêng đối với thị trấn Diêm Điền, thời gian qua không có bãi thu gom, xử lý rác thải gây bức xúc trong  nhân dân, Thái Thụy đã tiến hành xây dựng, quy hoạch bãi thu gom, xử lý rác thải cho thị trấn và một số xã phụ cận tại cánh đồng Bình Xuân, xã Thụy Trình với diện tích khoảng 7 ha theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đơn vị tư vấn đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và hiện nay chủ đầu tư đang tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị xây dựng.

Dù đã cố gắng nỗ lực rất nhiều nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường ở Thái Thụy vẫn luôn là đề tài nóng. Bức xúc nhất là tình trạng thải rác sinh hoạt bừa bãi. Bình quân mỗi ngày một người dân thải ra môi trường khoảng 0,5kg rác và 2 túi ni lon thì một ngày  môi trường của Thái Thụy phải gánh chịu khoảng 600.000 túi nilon, từ 150 đến 200 ngàn tấn rác thải sinh hoạt.

Rồi nước thải, chất thải rắn, mùi từ các làng nghề, các cơ sở chế biến hải sản, các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: rơm rạ thối, vỏ thuốc trừ sâu, nước thải, phân, thức ăn thừa từ động vật.... tất cả đều dồn đổ ra môi trường.

Tại các khu dân cư xuất hiện tràn lan nhiều loại rác thải như bao bì đóng gói, túi nilon khó phân hủy. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chưa có một bãi rác nào được quy hoạch thiết kế theo quy định, nếu có phần lớn là chỉ là các hố đổ, chôn rác.

Một số thôn, làng còn tận dụng thùng đấu bên đường giao thông để đổ rác gây ô nhiễm môi trường , mất cảnh quan môi trường nông thôn. Hơn thế thù lao cho những người đi thu gom, xử lý rác thải hiện nay ở các khu dân cư chủ yếu do các địa phương chi trả, nhưng cao nhất cũng chỉ đạt 500 ngàn đồng/người/tháng còn lại từ 150 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/người/tháng nên cũng chưa động viên khuyến khích tinh thần lao động của lực lượng này.

Đến nay, số lượng hộ gia đình dùng nhà tiêu hợp vệ sinh đã tăng lên, nhưng nhiều người dân vẫn còn thói quen dùng phân tươi bón cho rau củ, phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không chỉ gây ô nhiễm môi trường và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ  con người. Cùng với đó, tỷ lệ người dân Thái Thụy sử dụng nước máy cho sinh hoạt còn thấp, chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. 2 năm qua, huyện đã tổ chức điều tra nguồn nước ngầm, nước mặt ở 20 xã  để xác định nồng độ Asen trong nước và đã có 11 xã nằm trong mức cảnh báo.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay thì rõ ràng sự thay đổi nhận thức mỗi người dân, chung tay góp sức của cả cộng đồng trong công tác BVMT là sự cần thiết nhất. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền ở Thái Thụy cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về BVMT .

Tăng cường, kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở, các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường . Bố trí ngân sách hỗ trợ các xã, thị trấn quy hoạch các bãi đổ, chôn lấp, xử lý rác thải theo đúng quy trình kỹ thuật. Tranh thủ nguồn vốn của các dự án, vận động nhân dân đóng góp  thêm kinh phí đầu tư xây dựng các nhà máy, trạm cung cấp nước sạch phục vụ tốt hơn nhu cầu nước sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa