Thứ 7, 03/08/2024, 17:17[GMT+7]

Hiệu quả dạy nghề cho nông dân của trung tâm dạy nghề hội nông dân tỉnh

Thứ 4, 13/10/2010 | 16:44:34
3,251 lượt xem
Trong những năm gần đây, việc dạy nghề, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hội nông dân tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hoạt động dạy nghề cho nông dân của Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân tỉnh đã đạt được những kết quả phấn khởi, góp phần giải quyết bức xúc về việc làm của nông dân trong tỉnh.

Phụ nữ Hồng Tiến (Kiến Xương) với nghề móc hộp xuất khẩu.

Xác định phương châm “Cho nông dân cái cần câu còn hơn cho xâu cá” nên lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh quan tâm chỉ đạo Hội Nông dân các cấp và Trung tâm dậy nghề tăng cường phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động dạy nghề gì cho nông dân. Hàng năm Trung tâm dậy nghề nông dân đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trình với các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt tạo điều kiện cho Trung tâm dậy các nghề ngắn hạn 1 tháng, 3 tháng cho nông dân.

Từ năm 2005 đến 2010, Trung tâm đã tổ chức trực tiếp 89 lớp dạy nghề cho 4.084 hội viên nông dân, trong đó 25 lớp nghề chăn nuôi thú y cho 848 người, 10 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 423 người, 8 lớp mây tre đan cho 475 người, 5 lớp đan đệm cói cho 192 người, còn lại là các lớp dạy nghề mộc, thêu, làm chổi đót, dệt chiếu, móc hộp... Cách thức dạy nghề của Trung tâm là dạy nghề gắn với tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân.

Trước khi tổ chức dạy nghề, Trung tâm khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên và khảo sát các cơ sở có thể tạo việc làm cho người lao động sau học nghề. Hầu hết các địa phương tổ chức dạy nghề nhất là các nghề tiểu thủ công nghiệp đều có các doanh nghiệp học cơ sở tạo việc làm. Chính vì vậy 80 - 90% số người được trung tâm dạy nghề đều có việc làm và thu nhập.

Theo khảo sát của trung tâm, hiện nay thu nhập của lao động nghề mây tre đan từ 500.000 - 700.000 đ/tháng, nghề thêu 800.000 - 1.000.000 đ/tháng, nghề mộc 1.000.000 - 1.200.000 đ/tháng, nghề may công nghiệp từ 900.000 đến 1.400.000 đ/tháng. Trung tâm dạy nghề ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, như: Nghề chăn nuôi thú y ở: Hồng Phong, Song Lãng, Vũ Hội (Vũ Thư), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) Thụy Trình (Thái Thụy)... nghề may công nghiệp ở: Lô Giang (Đông Hưng), Đông Hoàng (Tiền Hải), Đông La (Đông Hưng)... nghề mây tre đan ở: Đông Tân, Đông Phong (Đông Hưng), An Bình, Vũ Thắng (Kiến Xương)... nghề đan chổi đót ở Tam Quang (Vũ Thư), nghề mộc ở Đông La, (Đông Hưng)...

Đánh giá hiệu quả của công tác dạy nghề chăn nuôi thú y, anh Phạm Văn Đáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng An (Hưng Hà) nơi Trung tâm dạy nghề chăn nuôi thú y cho 60 chủ trang trại, gia trại của xã nhận xét: “Sau khi được học nghề, kiến thức về chăn nuôi thú y của cac chủ trang trại, gia trại được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các học viên đã áp dụng kiến thức vào thực tế, nuôi lợn nhanh lớn, giảm chi phí thức ăn, không bị dịch bệnh và chăn nuôi có lãi”.

Tuy nhiên, Trung tâm dậy nghề nông dân hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn như: Biên chế nhân sự cho Trung tâm chưa có, nhà xưởng thực hành, trang thiết bị dạy nghề còn nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên còn thiếu. Rất mong các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện giải quyết những khó khăn trên để Trung tâm dậy nghề nông dân vươn lên tổ chức tốt hơn nữa trong hoạt động dạy nghề, cùng các ngành tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đặt ra.

Lê Hồng Sơn
Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa