Chủ nhật, 30/06/2024, 00:41[GMT+7]

Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy Nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động

Thứ 2, 01/12/2014 | 09:45:57
1,283 lượt xem
Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội sát sao, tích cực, Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy đã kịp thời giải quyết nguyện vọng của đoàn viên, thực sự là người bảo vệ tin cậy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công nhân may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may Vinap - 1 trong 2 đơn vị mới thành lập công đoàn cơ sở của huyện Thái Thụy năm 2014.

 

Những năm qua, tỉnh và huyện có nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển các loại hình doanh nghiệp nên mỗi năm thu hút hàng nghìn lao động. Tuy điều kiện làm việc của công nhân lao động được cải thiện nhiều nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động của một số đơn vị sản xuất kinh doanh không ổn định, nhiều công nhân lao động (CNLÐ) thiếu việc làm; mức lương tuy có tăng so với những năm trước, bình quân từ 2.800.000 - 3.500.000 đồng/người/tháng nhưng không theo kịp với biến động của giá cả thị trường. Cùng với đó, thời gian làm việc nhiều, đời sống tinh thần chưa được quan tâm thỏa đáng nên cuộc sống CNLÐ chưa ổn định. Trước những khó khăn đó, Liên đoàn Lao động huyện đã nỗ lực hết sức bảo đảm các chế độ, chính sách cho CNLÐ; đáp ứng nguyện vọng có việc làm ổn định, được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, tay nghề; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần từ đó giúp CNLÐ yên tâm làm việc.

 

Năm 2015 Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy sẽ tiếp tục tập trung triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, giám sát; phát động sâu rộng và tổ chức các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp...

(Ông Nguyễn Hữu Khuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy)

 

Liên đoàn tích cực chỉ đạo các cấp công đoàn trong huyện nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, điều kiện sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp, nhất là việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, tham gia giải quyết chế độ, chính sách, nâng cao đời sống cho CNLÐ. Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện đã tập trung hướng dẫn các đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức và hội nghị người lao động, tính đến nay đã có 95% đơn vị hành chính sự nghiệp và 2/3 đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện. Tuy vậy, việc mở hội nghị người lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, có nơi chỉ là hình thức do eo hẹp về thời gian, áp lực công việc, bản thân người lao động chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

 

Liên đoàn Lao động huyện Thái Thụy hiện có:

 

- 105 công đoàn cơ sở.

- 6.919 đoàn viên trên trên tổng số 7.048 lao động.

- 73,5% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học.

- 93% công nhân lao động biết sử dụng máy vi tính.

- Ðội ngũ công nhân lao động trực tiếp sản xuất có tuổi đời trẻ, lao động dưới 30 tuổi chiếm 37,8%.

 

Cùng với ổn định tư tưởng, bảo đảm lợi ích, để tạo động lực cho người lao động, Liên đoàn Lao động huyện tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua. Năm qua, các cấp công đoàn trong huyện đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các cơ quan, đơn vị phát động phong trào thi đua theo ngành: Công đoàn ngành Giáo dục với phong trào “Hai tốt”, “Hội giảng mùa xuân”; Công đoàn Trung tâm Y tế có phong trào thực hiện 12 điều y đức, phong trào chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công đoàn các đơn vị hành chính sự nghiệp với phong trào xây dựng người cán bộ, công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu; CNLÐ các đơn vị sản xuất kinh doanh với phong trào thi đua năng suất - chất lượng - hiệu quả... Phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ” luôn được quan tâm; 100% công đoàn cơ sở đã có các hoạt động thiết thực như tuyên truyền, treo băng biển, khẩu hiệu ở nơi làm việc, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường…

Mai Hiền

 

Ðiều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

 

1. Người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

c) Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

d) Ðơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

đ) Ðình công.

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;

b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;

c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

Luật số 10/2012/QH13 của Quốc hội: BỘ LUẬT LAO ÐỘNG

 

  • Từ khóa