Chủ nhật, 18/05/2025, 23:00[GMT+7]

Hậu xuất khẩu lao động ở Thái Bình 

Thứ 3, 10/08/2010 | 14:50:51
3,761 lượt xem

Ảnh minh họa

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ đầu năm đến nay, đã có 37.068 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thực tế qua các năm, nhờ XKLĐ, kinh tế các vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, sau khi về nước, theo một con số thống kê có đến 80% không tìm được việc làm. Đây là một sự lãng phí lớn... Trước khi đi XKLĐ ở Libi, anh Nguyễn Văn Bình ở Phù Cừ, Hưng Yên được đào tạo về thợ hàn một cách căn bản. Nhưng sau 3 năm về nước, anh cũng chỉ đi làm thuê nay đây mai đó, lúc làm thợ xây, khi bốc vác, vì không có một nơi làm việc ổn định.

Cũng như vậy, anh Trần Văn Ba, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình được đào tạo nghề may công nghiệp khi đi XKLĐ tại Nga. Tuy nhiên, sau khi về nước, anh cũng không thể phát huy được công việc của mình. Số tiền kiếm được anh dùng để xây nhà, trả nợ, và công việc hàng ngày vẫn là mấy sào ruộng.

Trong hội những người đàn ông đi XKLĐ cùng anh Ba ở xã An Ninh có 12 người thì hiện nay chỉ có 2 người chuyển nghề lái taxi ở Hà Nội, 5 người làm thợ xây, còn lại vẫn ở nhà làm ruộng. Đây là một sự lãng phí lớn vì hầu hết những lao động đi xuất khẩu đã được đào tạo nghề và có 3 năm làm việc tốt, được đánh giá cao tại nước sở tại. Nhưng khi về nước họ lại không thể tìm được việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, những tác động xấu từ XKLĐ đến tính bền vững của gia đình những năm gần đây đã được nhìn nhận thỏa đáng.

Theo nghiên cứu của tổ chức Health Birdge Canada và Trung tâm nghiên cứu phụ nữ thực hiện tại Thái Bình, một trong những tỉnh có số người đi lao động ngoài nước sớm và đông nhất cho thấy 73% gia đình ở Thái Bình có người đi làm việc nước ngoài đã tăng thu nhập, đời sống kinh tế, điều kiện nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tuy nhiên, tính bền vững của gia đình có chiều hướng giảm sút. Đài Loan là thị trường chính của tỉnh Thái Bình với 80% phụ nữ sang làm nghề giúp việc.

Tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư có hẳn một “hội những người đàn ông xa vợ” mà thành viên là những ông chồng có vợ đang lao động ở nước ngoài nhưng không phải để giúp đỡ, động viên nhau lo việc nhà mà để rượu chè, cờ bạc. Nhiều vụ mại dâm do Công an tỉnh Thái Bình triệt phá liên quan đến những ông chồng có vợ đi XKLĐ. Vì vậy, theo nghiên cứu, có 3,7% nam giới và 1,8% phụ nữ đi xuất khẩu lao động ở Thái Bình cho biết đã ly thân một thời gian sau khi về nước.

Tuy nhiên, do bài toán kinh tế của nhiều gia đình có người đi XKLĐ “chỉ cần làm 2 năm bên đó bằng 10 năm ở nhà” nên phần lớn lao động đi XKLĐ ở Thái Bình, đặc biệt là lao động nữ đi giúp việc tìm mọi cơ hội để quay trở lại tiếp tục đi XKLĐ. Số còn lại, với kinh nghiệm giúp việc thành thạo ở Đài Loan, họ lên Hà Nội làm giúp việc cho các gia đình với thu nhập từ 2-2,5triệu đồng/tháng.

Như vậy, bài toán việc làm bền vững với những người đã đi XKLĐ vẫn chưa thể giải quyết. Cuộc sống khó khăn, không có thu nhập, công việc ổn định vẫn có thể lặp lại với các lao động vùng nông thôn.

                                                                                    Theo ANTD

  • Từ khóa