Thứ 4, 07/08/2024, 14:18[GMT+7]

Chú trọng nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể

Chủ nhật, 19/04/2015 | 19:07:27
1,044 lượt xem
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, bền vững. Đại hội XI Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã đề ra bốn chương trình hành động, trong đó có Chương trình số 1468/Ctr-TLĐ ngày 9/10/2013 về “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”. Liên đoàn Lao động Thái Bì

Sản xuất đồ sứ dân dụng tại Công ty Cổ phần Gạch men sứ Long Hầu. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành tổng hợp và đánh giá chất lượng các bản TƯLĐTT hiện có (trong phạm vi những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn). Qua đánh giá cho thấy, có rất nhiều thỏa ước ký kết từ thời điểm hơn 10 năm trước đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung; hầu hết thỏa ước mang tính hình thức, chủ yếu sao chép lại các quy định của pháp luật về lao động, chỉ một số ít có thêm những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Trên cơ sở báo cáo đánh giá, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường đôn đốc các đơn vị tiếp tục rà soát, đồng thời tập trung ký kết lại, sửa đổi, bổ sung những bản thỏa ước thời gian ký đã quá lâu; đặc biệt tập trung vào nội dung ký kết, không đưa vào những gì luật đã quy định. Đồng chí Nguyễn Thái Dương, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh nhấn mạnh: “Nội dung TƯLĐTT phải quy định những điều có lợi hơn cho người lao động, những lợi ích sát sườn, cụ thể, cao hơn quy định của luật và không trái luật”. Theo báo cáo đánh giá về chất lượng 144 TƯLĐTT Liên đoàn Lao động tỉnh nhận được tính đến cuối tháng 6/2014 đã có nhiều điều khoản quy định về lợi ích cao hơn quy định của pháp luật như: việc làm và bảo đảm việc làm; thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, thưởng, phụ cấp; định mức lao động; an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; chế độ phúc lợi tập thể; chế độ đối với lao động nữ, con cán bộ, công nhân viên; tiền ăn ca…

 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức và kỹ năng trong tổ chức thực hiện thương lượng và ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Năm 2014, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho hơn 100 cán bộ công đoàn cơ sở, năm 2015 sẽ tiếp tục tập huấn theo kế hoạch đề ra là 2 lớp với mục tiêu toàn bộ cán bộ công đoàn chuyên trách đều được tập huấn, trong đó chú trọng khối sản xuất kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp có đông công nhân lao động, tình hình lao động phức tạp. Đánh giá kết quả bước đầu, đồng chí Nguyễn Thái Dương cho biết: “Sau tập huấn, cán bộ công đoàn chuyên trách, công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở đã nhận thức đầy đủ về bản chất của TƯLĐTT và tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT. Trên cơ sở chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cấp trên cơ sở cũng vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhất là bởi chỉ tiêu đánh giá chất lượng thương lượng và thực hiện TƯLĐTT được đưa vào tiêu chuẩn đánh giá xếp loại công đoàn vững mạnh hàng năm và xét thi đua của công đoàn cấp trên cơ sở. Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát cho thấy, số lượng đơn vị ký kết TƯLĐTT đã tăng lên”.

 

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thái Dương cũng nhận định thực trạng chung hiện nay là chất lượng ký kết và thực hiện TƯLĐTT vẫn ở mức thấp, nguyên nhân chủ quan là năng lực, trình độ của cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, công đoàn cấp trên cơ sở cập nhật kiến thức, hướng dẫn cho công đoàn cơ sở chưa đầy đủ. Công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn còn khó khăn do lực lượng này luôn biến động, hầu hết cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm. Hoạt động tập huấn theo phương pháp học tập tích cực, tuy hiệu quả cao nhưng đòi hỏi kinh phí lớn, số người tham gia hạn chế trong khi số người cần tập huấn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ còn nhiều bất cập, việc tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng đối thoại chưa cao, từ đó dẫn đến chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT chưa đạt yêu cầu. Công tác theo dõi, đôn đốc, quản lý nhà nước về TƯLĐTT chưa thường xuyên, chặt chẽ, trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về TƯLĐTT.

 

Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tập huấn cán bộ công đoàn; tổ chức các buổi đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng; đồng thời tham mưu, kiến nghị để có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực hiện TƯLĐTT cũng như những chế độ cho người lao động. Thông qua việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT, công đoàn thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên, qua đó tạo sự tin tưởng, gắn bó của người lao động với tổ chức công đoàn.

 

Mai Hiền

  • Đến cuối năm 2014 có 67,9% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện ký kết, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT
  • Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu, phân tích 144 TƯLĐTT được các đơn vị gửi về đến thời điểm 30/6/2014 của Liên đoàn Lao động tỉnh: tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước ký kết TƯLĐTT là 100%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 71%; các doanh nghiệp khác (doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần) là 50,3%. Số TƯLĐTT có chất lượng là 86, đạt 59,7%
  • Từ khóa