Thứ 2, 19/05/2025, 23:09[GMT+7]

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ

Thứ 2, 13/07/2015 | 09:32:27
2,959 lượt xem
Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, lãnh đạo, ban chấp hành công đoàn các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp của tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt hiệu quả cao, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, sự đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị, là động lực quan trọng để cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hoạt động của cán bộ tại bộ phận một cửa liên thông UBND thành phố Thái Bình.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đều quan tâm, nghiêm túc thực hiện theo đúng trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của mình. Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, các cấp công đoàn luôn coi trọng nhiệm vụ tham gia với lãnh đạo cơ quan trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa ban chấp hành công đoàn và người đứng đầu đơn vị… được đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Cán bộ công đoàn các cấp được học tập, quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nói chung và tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng. Công đoàn Viên chức tỉnh thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao các công đoàn cơ sở tích cực, chủ động vận động, tham mưu, phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức hiểu và tích cực tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến  về các hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

Tuy nhiên, để quy chế dân chủ thực sự đi vào thực tế hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, công đoàn cơ sở cần thể hiện rõ vai trò trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức với việc đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, không chỉ ở việc được biết, được tham gia ý kiến mà còn được giám sát, kiểm tra theo đúng quy định. Các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tới cán bộ công đoàn các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ; phối hợp tốt với lãnh đạo cơ quan, đơn vị bảo đảm quy chế dân chủ được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả.

 

“Hàng năm luôn có trên 90% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, có những năm tỷ lệ đạt 100%. Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị được tổ chức đúng quy trình, quy định, nội dung bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch. Tại hội nghị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác năm tới; đóng góp ý kiến bổ sung, chỉnh sửa quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế, quy định hoạt động của cơ quan; bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức…”

 

(Đồng chí Trần Minh Nhật, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh)

 

 

Mai Hiền

  • Từ khóa