Thứ 5, 01/08/2024, 03:28[GMT+7]

Thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp- Động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Thứ 6, 30/10/2015 | 08:53:58
2,024 lượt xem
Là doanh nghiệp 10 năm liên tục nộp ngân sách cao nhất tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thành công hôm nay của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó có việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ.

Xí nghiệp May Thái Hà (Tổng công ty May 10) là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt Quy chế dân chủ.

"Một doanh nghiệp nếu thực hiện tốt Quy chế dân chủ thì cán bộ, người lao động luôn vui vẻ, tích cực sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần vào sự tăng trưởng và thành công của doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin, sự gắn bó lâu dài giữa người sử dụng lao động và người lao động" - ý kiến này của đồng chí Đỗ Văn Vẻ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen đã nhận được sự đồng tình của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi đánh giá về hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp 10 năm liên tục nộp ngân sách cao nhất tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thành công hôm nay của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó có việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ. Trước hết là dân chủ trong Đảng. Hàng năm, Đảng bộ Công ty công khai quy hoạch cán bộ, quy hoạch phát triển đảng viên mới; tổ chức họp bàn, giới thiệu, bỏ phiếu công khai, dân chủ, bảo đảm khách quan, công tâm, từ đó tạo dựng niềm tin trong doanh nghiệp. Ngoài ra, Công ty tổ chức công khai các nội dung người lao động được biết, được giám sát tại nơi làm việc theo quy định; tạo môi trường thuận lợi để người lao động thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến của mình vào mục tiêu, phương hướng phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính sách của người lao động; xây dựng các tiêu chí thi đua, khen thưởng rõ ràng, minh bạch; tổ chức bình bầu công khai, khen thưởng đúng người, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cũng giống như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Đảng bộ Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đặc biệt coi trọng thực hiện dân chủ trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, mỗi năm một lần, các đơn vị trực thuộc đều tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ quản lý tại đơn vị. Trong bổ nhiệm cán bộ quản lý, người lao động tại đơn vị có quyền đề cử cán bộ tiêu biểu, sau đó lấy phiếu tín nhiệm, nếu tỷ lệ tín nhiệm cao thì Tổng Giám đốc sẽ ra quyết định bổ nhiệm. Hàng năm, Tổng Giám đốc đều đối thoại trực tiếp với người lao động, giải đáp những vấn đề người lao động còn thắc mắc. Công ty thông báo công khai công tác tài chính hàng năm trên website của Công ty để tất cả mọi người biết, theo dõi… Sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý, điều hành của tập thể lãnh đạo Công ty đã củng cố thêm niềm tin của người lao động, động viên người lao động cống hiến hết mình, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đời sống của người lao động trong Công ty theo đó không ngừng được cải thiện, năm 2011 lương bình quân là 5,2 triệu đồng, đến năm 2014 tăng lên 10 triệu đồng/người/tháng.

Không thể phủ nhận hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ mang lại cho các doanh nghiệp. Ở đâu thực hiện tốt Quy chế dân chủ thì ở đó doanh nghiệp ổn định, đoàn kết, tạo ra bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong công nhân lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Vì vậy, thời gian qua, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của các cấp về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, các doanh nghiệp đã xây dựng, cụ thể hóa thành quy chế, quy định và thường xuyên bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Đến nay, 100% doanh nghiệp có tổ chức đảng đã xây dựng được quy chế thực hiện dân chủ, quy chế đối thoại, nội quy lao động. Các đơn vị thực hiện công khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các chế độ, chính sách, quy định liên quan trực tiếp đến công nhân và người lao động bằng nhiều hình thức cụ thể; tạo điều kiện để người lao động được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chế độ, chính sách; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc gắn lợi ích của người lao động với thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp đều tổ chức hội nghị công nhân viên chức, người lao động, lấy ý kiến xây dựng và tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể, rà soát bổ sung hợp đồng lao động giữa giám đốc và người lao động. Năm 2014, 58,5% công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có tổ chức công đoàn đã tổ chức hội nghị người lao động; 71% số công nhân lao động trong các doanh nghiệp được đóng bảo hiểm xã hội; 81% công nhân lao động được ký hợp đồng lao động; 67,9% doanh nghiệp thực hiện ký kết, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể. Các doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ; tiếp thu, giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người lao động, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong đơn vị, hạn chế tình trạng đình công, khiếu kiện đông người ở các khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện cho ban kiểm soát và người lao động thực hiện quyền giám sát, quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số đơn vị còn hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, chưa thực hiện các quy định về quyền cho người lao động; chưa thực sự để người lao động phát huy quyền làm chủ, thiếu quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động… Khắc phục được hạn chế này không chỉ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà quan trọng là sự thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của chủ sử dụng lao động với người lao động, từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

"Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, quyền làm chủ của cán bộ, công nhân viên và người lao động từng bước được tôn trọng và bảo đảm, các chủ doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động."

(Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh)

Đào Quyên

  • Từ khóa