Thứ 2, 19/05/2025, 16:16[GMT+7]

Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Thứ 5, 21/01/2016 | 15:21:21
2,414 lượt xem
Vài năm trở lại đây, cụm từ “xuất khẩu lao động” đã không còn xa lạ với người dân các vùng quê. Rất nhiều gia đình nhờ có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã xây được nhà khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt giá trị, nhiều địa phương cũng từ phong trào XKLĐ đã góp phần thay đổi diện mạo xóm làng.

Nhờ xuất khẩu lao động, diện mạo nông thôn ở xã Vũ Tiến có nhiều khởi sắc.

Cách đây khoảng 10 năm, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) chỉ là một vùng quê yên bình, quanh năm người dân gắn bó với đồng ruộng, mức thu nhập thấp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, đến Vũ Tiến, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này. Những ngôi nhà cấp bốn được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang nối tiếp nhau trên các trục đường làng. Sự thay đổi một phần là nhờ phong trào XKLĐ. Ông Trần Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có gần 400 người đi XKLĐ, tập trung chủ yếu ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… với nhiều ngành nghề như giúp việc, xây dựng, cơ khí, lao động phổ thông. Mức thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/tháng đã giúp nhiều gia đình thay đổi cuộc sống.

Đến thăm gia đình anh Trần Văn Thưởng và chị Vũ Thị Sy ở thôn Nam Tiên, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước ngôi nhà ba tầng đồ sộ được anh chị xây dựng hơn 3 năm nay cùng với nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Chị Sy cho biết, trước đây, cuộc sống của anh chị gặp không ít khó khăn do không có công việc ổn định. Với mong muốn có chút vốn làm ăn, năm 2007, hai vợ chồng chị đã đi XKLĐ tại Đài Loan. Công việc của anh chị là làm cơ khí với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Chỉ sau 3 năm, anh chị đã đủ tiền trả nợ và tích góp xây nhà. Từ ngày anh chị đi XKLĐ, cuộc sống vật chất của gia đình khá lên, đời sống tinh thần được cải thiện. Bằng đồng vốn tích góp, ngoài việc xây được nhà khang trang, anh chị còn mở một cửa hàng bán điện tử, điện lạnh, điện dân dụng với thu nhập 3 triệu đồng/tháng, các con của anh chị được chăm sóc chu đáo. Hiện nay, anh Thưởng vẫn đang làm việc tại Đài Loan.

Cách gia đình chị Sy không xa là gia đình anh Trần Văn Phóng. Trước năm 2003, cuộc sống của anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, vừa nấu rượu anh vừa buôn bán đủ nghề nhưng số vốn tích góp được chẳng đáng là bao. Được người thân giới thiệu, anh làm thủ tục XKLĐ sang Hàn Quốc. Sau 8 năm với mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng, cuộc sống của anh đã thay đổi. Anh mua được ngôi nhà ba tầng khang trang ngay trục đường lớn của xã với số tiền 650 triệu đồng, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt cho gia đình. Không những có nhà, trả nợ hết số vốn vay, mua đồ dùng sinh hoạt đầy đủ mà anh còn mở được cửa hàng tạp hóa với số vốn hàng trăm triệu đồng.

Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, nhiều người đi XKLĐ về còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi của địa phương. Chỉ tính riêng trong việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, các gia đình có người thân đi XKLĐ ở Vũ Tiến đã đóng góp được hơn 400 triệu đồng xây dựng đường làng, ngõ xóm. Đến nay, 100% đường giao thông thôn xóm trong xã đã được đổ bê tông, nhiều gia đình hỗ trợ kinh phí để tu sửa và xây mới nhà thờ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tại các đường làng, ngõ xóm, đêm đến rực sáng ánh điện…

Ngoài xây nhà, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị, anh Trần Văn Phóng còn tích lũy được một số vốn lớn để mở cửa hàng tạp hóa.

Rời Vũ Tiến, chúng tôi về vùng quê biển Tiền Hải, nơi rất nhiều gia đình gắn bó với biển và giàu lên nhờ biển. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương ven biển và giáp biển như Đông Minh, Đông Long, Đông Xuyên… lại có nhiều hộ giàu lên nhờ XKLĐ. Đông Xuyên là xã có số người đi XKLĐ đông nhất huyện Tiền Hải. Theo thống kê, toàn xã có 185 người đi XKLĐ, trong đó số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc chiếm 50%. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ XKLĐ đạt gần 20 tỷ đồng, nhờ vậy, diện mạo xóm làng cũng từng ngày "thay da đổi thịt". Hàng trăm ngôi nhà cao tầng mọc lên, có những ngôi biệt thự trị giá từ 2 - 3 tỷ đồng. Cũng nhờ XKLĐ, nhiều người có vốn đã mở được doanh nghiệp, xưởng may. Hiện tại, trong 4 thôn của xã, Kênh Xuyên là thôn có số người đi xuất khẩu lao động đông nhất. Theo nhiều người dân trong thôn, trước đây, do không có việc làm, thu nhập chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng và một số nghề phụ nên cuộc sống của họ rất khó khăn. Những năm 2000, 2001, trong thôn có một vài người đi làm việc ở nước ngoài, cuộc sống của gia đình được nâng lên trông thấy. Từ đó, nhiều gia đình khác cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư cho người thân đi XKLĐ. Từ năm 2005 trở lại đây, nhiều gia đình đã coi XKLĐ là con đường giúp họ thay đổi cuộc sống.

Ông Trần Xuân Đoàn, Trưởng thôn Kênh Xuyên cho biết: Nhận thấy XKLĐ mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều gia đình có người thân đi XKLĐ những năm trước đã gửi tiền về cho gia đình hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đưa anh em, họ hàng cùng sang làm việc. Nhờ vậy, những năm gần đây, số người đi XKLĐ trong thôn ngày càng nhiều. Hiện tại, Kênh Xuyên có gần 90 người đi XKLĐ, chiếm 50% số người đi XKLĐ của toàn xã, tập trung chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nga… Nhiều gia đình có từ 3 - 4 người đã và đang đi XKLĐ, có cuộc sống sung túc như gia đình ông Nguyễn Ngọc Oanh, gia đình ông Trần Bá Kình…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm, tỉnh ta có khoảng gần 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... Nguồn ngoại hối gửi về qua ngân hàng hơn 1.500 tỷ đồng/năm. Đến cuối năm 2015, địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất là Vũ Thư (924 người), Đông Hưng (392 người), Tiền Hải (272 người)… Nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo sau khi đi XKLĐ trở về đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu, nhiều người còn trở thành nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Những kết quả tích cực từ XKLĐ đã giúp kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân của người dân tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có thể khẳng định, nếu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoạt động XKLĐ thì việc đưa người ra nước ngoài làm việc là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa