Thứ 7, 27/07/2024, 18:58[GMT+7]

Tập huấn máy cơ khí nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của nông dân

Thứ 6, 24/06/2016 | 09:10:46
839 lượt xem
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở dạy nghề, mỗi năm đào tạo cho hơn 14.000 lao động nông thôn. Trong đó các lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp do Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức đào tạo cho các đối tượng nông dân được các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Các học viên học thực hành trên máy.

Được chứng kiến một số lớp bế giảng của khóa tập huấn, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi đó là sự hài lòng của các học viên sau 7 ngày theo học. Tại hội trường thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng (Đông Hưng), ban chỉ đạo khóa học đã đánh giá tất cả các học viên đều nhiệt tình hăng hái tham gia thảo luận và thực hành, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi giúp cho việc trao đổi kiến thức giữa giảng viên và học viên trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các học viên đều cho rằng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp là rất cần thiết và bổ ích. Vì thế, mặc dù rất bận mải lao động sản xuất nhưng các học viên vẫn sắp xếp thời gian tham gia khóa học đông đủ. Ông Bùi Huy Việt, thôn Hùng Việt cho biết: Đây là lần thứ hai được học lớp vận hành máy cơ khí nông nghiệp, tôi thấy lớp học của Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp có đội ngũ giảng viên rất tâm huyết, có khả năng sư phạm và trình độ chuyên môn giỏi cả về lý thuyết lẫn thực hành và hết lòng truyền đạt kiến thức cho học viên.

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 28.550 máy móc các loại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Với số lượng máy cơ khí nông nghiệp nhiều, số lao động tăng cao nên nhu cầu tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp của các địa phương rất lớn. Cùng với việc giao Trung tâm tổ chức tập huấn 270 lớp từ năm 2015 - 2020, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi bằng cách giao ngân sách ngay từ đầu năm để Trung tâm tổ chức triển khai kế hoạch. Căn cứ vào điều kiện hoạt động của bà con, Trung tâm xây dựng kế hoạch để triển khai theo hai đợt trong năm, sau khi cấy vụ xuân và sau khi thu xuân làm mùa. Theo nhu cầu của người dân, Trung tâm chủ yếu dạy thực hành sửa chữa trên máy, lý thuyết chỉ học một ngày. Hiệu quả của các lớp học đã góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc rất nhiệt tình trong công tác chiêu sinh mở lớp, phân công người trực tiếp quản lý theo dõi lớp. Kết quả vui mừng nhất đó là tất cả các học viên đều đánh giá chưa có tổ chức nào giúp người nông dân học nghề và triển khai có hiệu quả như Trung tâm.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng (Đông Hưng)

Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao việc giáo viên đến tận nhà dân để sửa một số loại máy cỡ to vì không di chuyển được. Ngoài ra các học viên còn được Trung tâm hỗ trợ 200.000 đồng để thay thế các thiết bị hỏng thông thường. Trước đây địa phương đã có rất nhiều lớp học, song khóa tập huấn của Trung tâm mới thực sự có hiệu quả. Nhờ có bàn tay của người thầy, nhiều đầu máy của các hộ dân đã hoạt động trở lại, người dân biết cách tự sửa máy cho mình. Tôi mong muốn Sở Công Thương cần tăng cường mở các lớp tập huấn để người nông dân thực sự nắm bắt được cách vận hành, sửa chữa máy móc đơn giản, đồng thời nghiên cứu và giảng thêm về những loại máy có công suất lớn cho nông dân, bổ sung thêm tiết dạy về an toàn lao động và giới thiệu nơi cung cấp phụ tùng để bà con nắm bắt, mua đồ thay thế.

Ông Phan Thanh Hải, xóm 1, xã Thụy Phúc (Thái Thụy)

Đến với lớp học của Trung tâm, tôi rất hài lòng từ quy mô tổ chức, cách thức quản lý tới công tác giảng dạy của giáo viên. Do đó, tôi đã theo học hết 7 ngày mà vẫn muốn học tiếp để bổ sung thêm kiến thức. Hơn một năm nay, máy cày và máy tuốt lúa của nhà tôi không còn hoạt động được tưởng chừng sẽ gặp khó khăn khi thời vụ đang đến gần. Tuy nhiên chỉ trong buổi sáng giảng viên đã sửa chữa và bảo dưỡng để chúng hoạt động trở lại. Lớp học đã thực sự đem lại hiệu quả cho người nông dân, chúng tôi không chỉ được sửa chữa, mổ xẻ máy móc ngay tại lớp học mà còn tích lũy được nhiều kiến thức cho bản thân.

Thu Thủy

  • Từ khóa