Thứ 4, 21/05/2025, 13:31[GMT+7]

Bất cập đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ 2, 05/09/2016 | 09:25:33
1,530 lượt xem
Thái Bình có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động nông thôn hơn 990.000 người. Vì vậy, nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn rất lớn. Thời gian qua, các đề án, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả. Song cùng với những tín hiệu đáng mừng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập.

Nghề mây tre đan ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương) giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.

 

Bài 1: “Làn gió mới” đối với lao động nông thôn

 

Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), đây được xem như một “làn gió mới” đối với nhiều lao động nông thôn tại Thái Bình.

 

Thay đổi nhận thức về nghề

 

Từ chỗ chỉ quen với ruộng đồng, chăn nuôi nhỏ lẻ, việc triển khai Đề án 1956 ở nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho người nông dân được tiếp cận rất nhiều nghề: vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, đan lát, may mặc, điện dân dụng… Tuy không phải là những nghề mới nhưng với việc được học nghề miễn phí, các đối tượng là lao động nông thôn, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo… có nhiều lựa chọn để thay đổi cuộc sống. Bà Vũ Thị Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vũ Thư cho biết: Nếu không có kinh phí hỗ trợ từ 2 - 6 triệu đồng/khóa học/học viên của trung ương thì có lẽ không mấy người thuộc những đối tượng như phụ nữ, người trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất, gia đình chính sách hay người khuyết tật có tiền để học nghề. Vì vậy, tranh thủ cơ hội đến, nhiều địa phương đã tích cực tổ chức rà soát, lập danh sách lao động có nhu cầu học nghề, lập kế hoạch mở lớp đào tạo theo các chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

 

Cùng với Đề án 1956, nhiều đơn vị trong tỉnh cũng được trung ương và tỉnh hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Những năm gần đây, mỗi năm Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), Trung tâm Dạy nghề (Hội Nông dân tỉnh) đều được trung ương và tỉnh hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tổ chức các lớp tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp, dạy nghề may cho lao động nông thôn. Với bình quân 35 người/lớp, bên cạnh việc học lý thuyết, học viên còn được thực hành nên chất lượng đào tạo được nâng lên. Ông Nguyễn Duy Khắc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Quỳnh Phụ cho biết: Việc tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn phần nào giúp người nông dân thay đổi nhận thức. Nếu như trước đây thói quen của người nông dân là lao động nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì giờ đây nhiều người đã có tư tưởng mạnh dạn đầu tư nhờ những kiến thức, sự hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề vào sản xuất nghề mới. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước.

 

Ðổi thay cuộc sống nhờ nghề

 

Nhiều năm trước đây, gia đình anh Nguyễn Đình Thuân ở thôn Nội, xã Minh Khai (Vũ Thư) cấy gần 1 mẫu ruộng. Để tiết kiệm tiền cho việc thuê máy móc cày bừa, anh sắm máy cày; tuy nhiên, trong quá trình vận hành máy thường hỏng, anh phải tìm thợ để sửa mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Năm 2015, xã Minh Khai được Trung tâm Dạy nghề huyện Vũ Thư chọn mở lớp vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, anh đã đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học nghề, được tự tay tháo dỡ và lắp ráp thành thạo, anh đã sửa chữa được máy của gia đình, tự tin thuê thêm ruộng để canh tác. Vui vì được học nghề, anh Thuân cho biết: Trước đây, mỗi khi mang máy ra đồng để làm tôi chỉ lo máy hỏng bởi thực tế nhiều lần đã phải mời thợ ra tận cánh đồng để sửa. Sau học nghề, với những hỏng hóc thông thường, tôi có thể tự sửa và thay thế được, đỡ tốn kém và chủ động trong công việc đồng áng, mùa màng, việc sản xuất thuận lợi hơn nhiều. Qua tìm hiểu, trong số 35 học viên được học nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp cùng với anh Thuân, hầu hết trong số họ đều mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất và có khả năng tự sửa chữa khi hỏng. Chính điều đó đã giúp họ tự chủ trong công việc, giúp thay đổi phương thức sản xuất.

 

 

Lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại xã Phong Châu (Đông Hưng) thu hút nhiều lao động nông thôn.

 

Với bà Mai Thị Chút (thôn Cổ Dũng 2, xã Đông La, huyện Đông Hưng), sau khi được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y, việc đầu tư sản xuất trong gia đình bà có nhiều đổi thay. Bà Chút tâm sự: Ngày trước tôi chỉ chăn nuôi vài ba con gà, con lợn vì sợ dịch bệnh. Giờ đây, với kiến thức về chăn nuôi thú y, tôi đã nắm được các biểu hiện của dịch bệnh để phòng tránh, có thể tự tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nên hàng năm gia đình tôi đầu tư chăn nuôi hàng trăm con ngan, gà, vịt, hàng chục con lợn nái, lợn thịt, nhờ vậy thu nhập tăng đáng kể, cuộc sống gia đình đã có nhiều đổi thay.

 

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực cả về mặt kinh tế và xã hội như tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương.

 

Nguyễn Dũng

  • Từ khóa