Thứ 5, 22/05/2025, 06:20[GMT+7]

Bất cập đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ 3, 06/09/2016 | 08:42:25
1,119 lượt xem
Sau 5 năm (2010 - 2014) triển khai Đề án 1956, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trên địa bàn tỉnh là 47.645 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 75%. Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu tại nhiều địa phương, sau khi hoàn thành khóa học, rất nhiều lao động không gắn bó được với nghề đã học.

Mặc dù được học nghề sinh vật cảnh nhưng anh Đinh Văn Tuần ở thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ vẫn phải sống bằng nghề ban đầu là làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bài 2: Học nghề mới sống bằng nghề cũ

Học nghề - không sống bằng nghề

Sau một thời gian triển khai thực hiện, không thể phủ nhận Đề án 1956 cũng như các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc đào tạo nghề cũng đã bộc lộ những bất cập không nhỏ. Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) là xã thuần nông, quanh năm người dân quen sống với đồng ruộng, chăn nuôi, thế nhưng năm 2015 xã lại là địa phương được chọn để tổ chức dạy nghề sinh vật cảnh cho lao động nông thôn. Trên thực tế, gần một năm sau khi khóa học hoàn thành, trong số 35 học viên theo học, theo khảo sát chỉ có khoảng vài ba lao động có thể sống nhờ nghề sinh vật cảnh. Cùng ông Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Văn Tuần ở thôn Tiên Cầu. Là một trong những học viên tham gia khóa học nghề sinh vật cảnh nhưng bản thân gia đình anh Tuần không có nhiều cây cảnh, chỉ khoảng 5 - 6 cây nhưng khi được Hội Sinh vật cảnh xã mời tham gia anh vẫn đăng ký. Anh cho biết: Khi đăng ký tham gia khóa học, tôi không nghĩ mình sẽ sống bằng nghề này nên trong suốt thời gian học tôi chỉ đi học được vài buổi do bận công việc gia đình. Từ trước đến nay, thu nhập chính của gia đình tôi vẫn là làm nông nghiệp kết hợp chăn nuôi, còn với cây cảnh tôi học để biết chứ thực sự không sống bằng nghề này.

Với phương châm "Dạy những nghề nông dân cần", những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến việc khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, vì vậy nhiều ngành nghề đã thu hút đông đảo lao động tham gia như cơ khí, may mặc, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp. Theo khảo sát tại một số huyện với các nghề kể trên, tỷ lệ học viên sau khi hoàn thành khóa học có việc làm ổn định chiếm trên 60%. Tuy nhiên, cũng có những nghề mở ra không mang lại hiệu quả. Lớp dạy nghề dịch vụ chăm sóc gia đình mở tại xã Nguyên Xá (Vũ Thư) khi khai giảng thu hút 38 lao động nông thôn theo học nhưng sau khi nhận chứng chỉ hầu hết những lao động này lại trở về với nghề quen thuộc là làm ruộng, chăn nuôi. Trường hợp của chị Phạm Thị Yến ở thôn Hoàng Xá là một minh chứng cho việc học nghề nhưng không sống với nghề. Trước khi đến với lớp dạy nghề dịch vụ chăm sóc gia đình, cuộc sống gia đình chị dựa chủ yếu vào nghề nấu rượu kết hợp với chăn nuôi, làm ruộng. Sau khi học nghề, cuộc sống của chị vẫn không có gì thay đổi ngoài những nghề cũ. Chị Yến chia sẻ: Tham gia học lớp dạy nghề dịch vụ chăm sóc gia đình tuy có giúp tôi thêm những kiến thức về chăm sóc sức khỏe gia đình, quản lý gia đình… nhưng đây không phải là nghề để tìm công việc mới có thu nhập.

Được học nghề sinh vật cảnh nhưng lao động nông thôn của xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) không sống bằng nghề.

Cần sớm tháo gỡ những nút thắt

Theo khảo sát tại nhiều địa phương, một trong những yếu tố dẫn đến hiệu quả học nghề chưa cao đó là vấn đề khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động chưa sát và đúng đối tượng. Hiện nay, tuy có rất nhiều nghề nếu nhìn vào danh sách từ các đề án, chương trình hỗ trợ của trung ương và tỉnh tưởng sẽ thu hút được nhiều lao động nông thôn tham gia như sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, may mặc… nhưng trên thực tế khi người học chưa có nhu cầu, nếu chỉ chạy theo số lượng điền vào danh sách cho đủ chỉ tiêu, khi đó việc học nghề sẽ không mang lại hiệu quả. Gia đình chị Mai Thị Châu ở thôn Cổ Dũng 2, xã Đông La (Đông Hưng) sống bằng nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Năm 2014, được sự vận động của các tổ chức, đoàn thể trong thôn, chị tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y. Suốt khóa học 2 tháng với 16 buổi chị chỉ đi được khoảng 6 - 7 buổi còn đa phần dành thời gian cho công việc nhà và bán thịt lợn ở chợ. Tâm sự với chúng tôi, chị Châu cho biết: Gọi là đi học nghề nhưng thực ra chỉ khi nào công việc không bận mải tôi mới đi. Nhiều khi đang học có việc tôi lại xin về. Hay như tại xã Quỳnh Trang, theo ông Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã, chỉ trong 6 năm (2010 - 2015) xã mở tới 3 lớp dạy nghề sinh vật cảnh, trong khi nhu cầu của nông dân muốn mở lớp vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y lại chưa được mở. Từ thực tế đó, có thể thấy việc giám sát, đánh giá các hoạt động dạy nghề chưa được thường xuyên. Một số địa phương, lãnh đạo chưa phát huy hết trách nhiệm, không xây dựng kế hoạch hoặc xây dựng thiếu thực tế, thiếu tính khả thi; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn một số địa phương chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm; đội ngũ quản lý dạy nghề còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên sâu, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát nên chất lượng đào tạo một số lớp chưa cao.

Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức được vai trò của công tác đào tạo nghề, thiếu nghiêm túc trong học tập, có tâm lý tham gia theo phong trào, học chiếu lệ kiểu "đánh trống ghi tên", được chăng hay chớ, trong khi đó nhiều người chưa có việc làm ổn định nhưng không đăng ký học nghề... khiến chất lượng đào tạo nghề thấp. Ngoài ra là việc thiếu sự gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo có địa chỉ và thực hiện tốt việc giải quyết việc làm sau đào tạo. Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ để khuyến khích, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia dạy nghề. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn dàn trải, chưa tập trung cũng góp phần dẫn đến hiệu quả dạy nghề chưa cao...

(còn nữa)
Nguyễn Dũng

 

  • Từ khóa