Chủ nhật, 28/07/2024, 09:27[GMT+7]

Những phụ nữ “ly nông bất ly hương”

Thứ 5, 22/09/2016 | 09:43:07
874 lượt xem
Cùng với sản xuất nông nghiệp, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên duy trì nghề truyền thống, du nhập nghề mới về địa phương, qua đó đã có nhiều nữ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cơ sở may không chỉ mang lại thu nhập 40 triệu đồng/tháng cho chị Đặng Thị Hương (Chi hội Phụ nữ thôn Vũ Xá, xã Đông Phong, huyện Tiền Hải, người ngoài cùng bên trái) mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

 

Ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ (Hưng Hà) ai cũng biết tới chị Đoàn Thị Dùng, chủ cơ sở sản xuất chiếu cói, chiếu nhựa tạo việc làm cho 140 lao động (trong đó có hơn 80 phụ nữ) với thu nhập hàng tháng từ 4 - 9 triệu đồng/người. Chị Dùng kể, trước kia gia đình cũng làm chiếu cói và cấy lúa, trồng màu nhưng thu nhập không cao. Trăn trở suy nghĩ tìm cách làm giàu, năm 2007, vợ chồng chị mua hai máy dệt chiếu cói tạo việc làm cho 8 lao động làm việc trực tiếp tại xưởng và 10 lao động mang chiếu về nhà ghim, kết biên. Thời gian đầu, sản phẩm do xưởng sản xuất tiêu thụ chậm, nguồn thu không nhiều, vì vậy một mặt anh chị tìm đầu ra cho sản phẩm, mặt khác tìm mua nguyên liệu tốt và cải tiến mẫu mã, kỹ thuật để chiếu đẹp hơn, chất lượng cao hơn. Có nhiều lần chị sang Trung Quốc tìm hiểu thị trường, mua máy làm chiếu cho cơ sở và bán lại cho những hộ sản xuất có nhu cầu. Từng bước xây dựng và phát triển, năm 2012, gia đình chị mua thêm 10 máy sản xuất chiếu nhựa và đào tạo tay nghề cho 25 lao động. Khi sản phẩm bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, chị bàn với chồng huy động các nguồn vốn mua thêm 30 máy nâng tổng số máy làm chiếu của cơ sở lên 45 máy, tạo việc làm cho 140 nhân công. Mỗi tháng cơ sở xuất ra hàng vạn chiếc chiếu bán khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi trừ chi phí, tiền nhân công, mỗi tháng anh chị thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng.

 

Cũng chọn nghề truyền thống của địa phương để làm giàu, chị Ngô Thị Hồng Nhung, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tường An, xã Tân Hòa (Vũ Thư) có thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng từ làm bánh gai. Chị Nhung chia sẻ: Nếu cứ trông vào mấy sào ruộng thì rất khó làm giàu, năm 1994 chị quyết tâm tìm hiểu thị trường bánh gai. Đây vừa là phát huy nghề truyền thống của quê hương vừa tạo dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm của quê hương mà vẫn mang lợi ích kinh tế cho gia đình. Thời gian đầu, vì lo lắng sản phẩm làm ra khó có thị trường tiêu thụ, nguồn vốn gia đình không có nên chị chỉ tận dụng nguyên liệu sẵn có, người trong gia đình làm nên thu nhập không đáng là bao. Mặc dù chồng đi làm ăn xa nhưng chị vẫn “đứng mũi, chịu sào” một mình thay đổi suy nghĩ và cách làm, vay vốn đầu tư nguyên liệu, thuê thêm 7 chị em ở địa phương để làm bánh. Với quan điểm chất lượng và an toàn, chị đặc biệt chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình sản xuất, bảo quản sản phẩm. Nhờ vậy, bánh gai của gia đình chị được nhiều người tin dùng. Mỗi ngày, chị sản xuất hơn 1.000 chiếc bánh gai, mỗi tháng thu về 12 - 15 triệu đồng, thu nhập của người lao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Giải quyết việc làm cho lao động nữ tại các vùng nông thôn không có đủ điều kiện làm việc tại các công ty lớn, các khu công nghiệp hay lao động nữ lúc nông nhàn là mối quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp hội liên hiệp phụ nữ. Từ sự quan tâm đó và được tạo điều kiện, nhiều chị đã mạnh dạn mở xưởng may gia công, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ địa phương. Một trong số đó là chị Đặng Thị Hương, Chi hội Phụ nữ thôn Vũ Xá, xã Đông Phong (Tiền Hải). Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 3/2016 với 20 máy may và 15 nữ công nhân nhưng cơ sở của chị Hương hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động khi vợ chồng chị tiếp tục mở rộng xưởng may trong thời gian tới. Chị Hương cho biết: May gia công dễ học nghề, phù hợp với chị em hạn chế về học vấn, tuổi tác, sức khỏe, điều kiện gia đình không phù hợp với môi trường làm việc tại các khu công nghiệp hoặc các chị vẫn muốn tranh thủ cấy lúa, trồng rau màu, vẫn có thêm nghề mang lại thu nhập khá. Cơ sở của chị Hương hiện tại đang may đồ bảo hộ lao động cho một doanh nghiệp với số lượng lớn. Chị Quàng Thị Tuyến, hiện đang làm tại cơ sở may của chị Hương cho biết: Đa phần chị em ở trong xưởng có con nhỏ hoặc sức khỏe không đủ điều kiện làm việc ở các công ty lớn hoặc là người từ tỉnh khác về làm dâu, chúng tôi có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, bên cạnh đó chị Hương còn hỗ trợ bữa ăn trưa. Làm gần nhà, vừa tiện chăm sóc gia đình, tranh thủ cấy hái mà thu nhập cũng khá, chúng tôi rất yên tâm. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho lao động nữ địa phương, mỗi tháng xưởng may của chị Hương cho thu nhập 40 triệu đồng. Ngoài việc quán xuyến cơ sở may, chị còn phụ giúp chồng công việc của một chủ thầu xây dựng.

 

Tuy quy mô chưa lớn nhưng hiệu quả bước đầu từ việc chuyển đổi ngành nghề của chị Hương, chị Nhung, chị Dùng cùng hàng nghìn hội viên phụ nữ đang góp phần tạo việc làm cho nhiều phụ nữ, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Phương Chi

  • Từ khóa