Thứ 6, 09/08/2024, 05:11[GMT+7]

Đông Xuyên: Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Thứ 3, 08/11/2016 | 08:21:07
5,087 lượt xem
Lực lượng đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội, nhận thức của người dân được nâng lên, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến, có tính kỷ luật cao. Từ thu nhập nhờ xuất khẩu lao động, không những đời sống gia đình được cải thiện mà còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cửa hàng điện tử, điện lạnh của anh Đặng Văn Hoài ở thôn Quý Đức, xã Đông Xuyên.

 

Từ một làng quê thuần nông, thu nhập chủ yếu dựa vào hai vụ lúa, đến nay, diện mạo xã Ðông Xuyên (Tiền Hải) đã đổi thay nhờ xuất khẩu lao động.

Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Trần Văn Phương ở thôn Kênh Xuyên cho biết: Có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ gia đình mình lại có một cơ ngơi khang trang như vậy. Trước kia, cuộc sống của gia đình ông Phương cũng nghèo khó như bao gia đình khác, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nghe tuyên truyền ở nhiều địa phương có phong trào làm giàu nhờ xuất khẩu lao động, thế là ông bàn với gia đình vay vốn của người thân, của ngân hàng để làm thủ tục sang lao động tại Hàn Quốc. Lúc đầu ông cũng băn khoăn vì khi đó ở Ðông Xuyên rất ít người đi lao động ở nước ngoài. Rồi mọi người hoài nghi không biết có thành công hay lại “tiền mất tật mang” làm ông suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Nhưng khao khát thay đổi cuộc sống nghèo khó đã giúp ông quyết tâm thử một chuyến sang Hàn Quốc vào năm 1999, đến năm 2004 ông về nước và tiếp tục làm thủ tục đi lao động tại Ðài Loan, đến năm 2007  ông mới về nước hẳn. Gần chục năm lao động ở nước ngoài không chỉ giúp gia đình ông trang trải hết nợ nần mà còn có điều kiện xây nhà, sắm đủ tiện nghi. ít vốn, ông mở cửa hàng tạp hóa nhỏ để kinh doanh hàng ngày.

Nói về nỗi vất vả, anh Ðặng Văn Hoài ở thôn Quý Ðức tâm sự: Trước kia, gia đình tôi thuộc vào diện hoàn cảnh nhất trong thôn, tôi đã phải lăn lộn với đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, bơm vá xe đạp, thông cống, bán hàng rong… Lao động vất vả nhưng cuộc sống cũng không khá hơn là mấy. Cuối năm 2003, tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng và vay của người thân hơn một trăm triệu đồng làm thủ tục sang Hàn Quốc lao động. Môi trường làm việc ở Hàn Quốc rất hiện đại, chuyên nghiệp, nếu người lao động chịu khó thì sẽ nhận được tiền công tương xứng. Chính vì thế, trải qua hơn 10 năm lao động cần cù bên xứ người, giờ đây anh Hoài đã có một cơ ngơi bề thế với cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh quy mô nhất nhì xã, có thể yên tâm với cuộc sống đầy đủ. 

Ông Phương, anh Hoài là hai trong rất nhiều trường hợp ở Ðông Xuyên làm giàu nhờ xuất khẩu lao động. Từ một làng quê thuần nông nghèo khó, giờ đây diện mạo của xã đã thay đổi nhanh chóng. Những ngôi nhà mới, khang trang mọc lên. Lực lượng đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội, nhận thức của người dân được nâng lên, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến, có tính kỷ luật cao. Từ thu nhập nhờ xuất khẩu lao động, không những đời sống gia đình được cải thiện mà còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Ðặng Xuân Ðảm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, Ðông Xuyên có 1.898 hộ với 6.449 nhân khẩu thì có 156 người đang lao động ở nước ngoài. Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi chính quyền xã luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để người dân có cơ hội đi xuất khẩu lao động.

           Duy Tùng

(Hội Nhà báo tỉnh)

  • Từ khóa

Nguyễn Điển - 6 năm trước

Mình cũng đi nước ngoài lao động sao ko đc như mấy ông này nhỉ.

Tải thêm