Thứ 2, 20/05/2024, 13:33[GMT+7]

Nửa triệu lao động VN đang làm việc ở nước ngoài Có thể bị bọn tội phạm lợi dụng để mua bán người

Thứ 6, 13/08/2010 | 15:07:00
1,792 lượt xem
Tại Vũng Tàu, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (UB) vừa tổ chức hội thảo “Thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Nửa triệu lao động VN hiện đang làm việc ở nước ngoài - Ảnh minh họa: hanic.com.vn

Theo UB, hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vũng lãnh thổ. Hoạt động xuất khẩu lao động đưa lại những hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn trong nước.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động cũng còn nhiều mặt tồn tại, yếu kém. Tại hội thảo, TS Phan Duy Hảo, chuyên viên Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết lao động di cư tiềm ẩn nhiều phức tạp và làm phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là tình trạng đối xử không công bằng, lạm dụng, thậm chí bóc lột lao động di cư, buộc lao động di cư làm việc trong những điều kiện tồi tệ với mức lương tối thiểu.

Di cư và lao động đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực hợp tác chung của cộng đồng quốc tế nhưng Việt Nam vẫn đang đứng ngoài một số điều ước quốc tế đa phương trực tiếp điều chỉnh vấn đề lao động di cư.

Qua thực hiện giám sát của đoàn giám sát của UB tại địa phương, bộ ngành và khảo sát ngoài nước, ông Đặng Như Lợi - phó chủ nhiệm của UB - cho biết nhiều hiện tượng tiêu cực diễn ra trên thực tế người lao động buộc phải chịu đựng, nhưng các cơ quan có thẩm quyền không quản lý được nên không thấy phản ảnh. 

Trong các báo cáo, nhiều địa phương cho biết 70-80% người lao động đi qua môi giới, tư vấn nhiều hơn doanh nghiệp tuyển trực tiếp.

Giá dịch vụ, phí môi giới tràn lan không kiểm soát được, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nhau không lành mạnh, có hiện tượng nhân viên của doanh nghiệp, chi nhánh đi tuyển dụng bán chỉ tiêu… Cũng theo ông Lợi, xuất khẩu lao động đi theo hợp đồng cá nhân là khó kiểm soát nhất và cũng bị lừa đảo nhiều nhất.

Báo cáo tại hội thảo, thạc sĩ Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội), cũng cho biết hoạt động xuất khẩu lao động có thể bị bọn tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Theo bà Nga, việc “đưa người ra nước ngoài” và “nhằm mục đích bóc lột sức lao động” là những dấu hiệu của hành vi mua bán người, nếu không có giải pháp ngăn chặn thì bọn tội phạm sẽ lợi dụng.

Bà Nga cảnh báo tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở các địa phương là điều kiện để bọn tội phạm trục lợi.

Theo Việc làm online

  • Từ khóa