Thứ 3, 23/04/2024, 17:48[GMT+7]

Thái Thụy Bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới

Thứ 5, 24/11/2011 | 09:03:45
2,231 lượt xem
Thái Thuỵ là huyện ven biển với diện tích tự nhiên gần 25 nghìn ha, dân số khoảng 27 nghìn người. Những năm qua, Thái Thuỵ đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội. Song song với phát triển kinh tế, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ môi trường.

Người dân Thái Thụy thu gom rác. Ảnh: Thành Tâm

Ai đã từng về Thái Thuỵ vài năm trước đây hẳn không thể quên hình ảnh những bãi rác công cộng ở khắp nơi trên địa bàn thị trấn Diêm Điền, thậm chí cổng UBND huyện cũng trở thành...bãi chứa rác thải. Tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng nhanh chóng về dân số trong khi các công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường chưa được xây dựng đồng bộ là nguyên nhân làm cho môi trường của Thái Thụỵ bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Do toàn bộ nước mưa, nước thải sinh hoạt không được xử lý hoà với nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ nằm xen trong khu dân cư thoát chung vào hệ thống thoát nước và đổ vào các thuỷ vực tiếp nhận, thêm vào đó, đa số cụm dân cư tại các xã không có hệ thống thoát nước thải, việc thoát nước thải của các hộ gia đình thường xả trực tiếp ra ao, hồ, ruộng... đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặn. Hầu hết các sông chảy qua địa bàn huyện Thái Thuỵ đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ, thường xuyên bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân và mỹ quan đô thị. Chất thải công nghiệp cũng chưa được xử lý, còn để lẫn lộn giữa rác thải công nghiệp, rác xây dựng và rác sinh hoạt gây khó khăn trong việc thu gom và xử lý.

Thái Thuỵ hiện có 26 làng nghề và 02 xã nghề đang hoạt động nằm phân tán, xen kẽ trong khu dân cư. Trước đây, các làng nghề hoạt động với quy mô nhỏ nên chưa ảnh hưởng lớn đến môi trường. Từ khi các làng nghề phát triển, mở rộng sản xuất, nhưng công nghệ, thiết bị lạc hậu nên chất thải của các làng nghề đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điển hình như làng nghề Tân Sơn - Vĩnh Trà (thị trấn Diêm Điền); làng nghề Quang Lang (xã Thuỵ Hải); Vạn Xuân (xã Thuỵ Xuân); xã nghề Thuỵ Dân... Trên địa bàn huyện hiện còn  có trên 1.000 trang trại và hàng nghìn gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều nhất là các trang trại chăn nuôi lợn. Theo kết quả phân tích chất lượng nước thải ở hầu hết các trang trại đều có hàm lượng COD, BOD5, colifom...vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, như trang trại ở các xã Thuỵ Ninh, Thái Thọ...

Trước thực trạng trên, năm 2005 huyện Thái Thuỵ đã triển khai thực hiện chương trình hành động, đề án và kế hoạch công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chỉ đạo các ngành tích cực tuyên truyền Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị. Qua đó, công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến việc làm cụ thể. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được hình thành và hoạt động hiệu quả. Nhiều địa phương trong huyện đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đầu tư kinh phí, thành lập ban chỉ đạo, HTX, tổ thu gom rác thải, xử lý nguồn nước, quy hoạch, đào hố chôn lấp rác đúng quy định, hạn chế sử dụng hoá chất, phân tươi trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Nhờ đó, chất lượng môi trường bước đầu được cải thiện, hạn chế được các yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Các địa phương cũng đã xây dựng hương ước, quy ước cam kết đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Hàng năm, UBND huyện đã chủ động bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ các chương trình, mục tiêu bảo vệ môi trường như hỗ trợ mua xe để thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, cơ quan, trường học; quy hoạch bãi rác tập trung tại các xã...

Đến nay, huyện đã hỗ trợ cho các địa phương mua được 108 xe thu gom rác phục vụ công tác thu gom rác thải. Bên cạnh đó, khu xử lý rác thải sinh hoạt của thị trấn Diêm Điền và các xã phụ cận tại cánh đồng Bình Xuân xã Thuỵ Trình đã được đầu tư xây dựng và bước đầu tiến hành thu gom, xử lý được phần lớn chất thải rắn sinh hoạt của nhân dân. Về rác thải y tế, các bệnh viện đã xử lý bằng phương pháp đốt lò, riêng Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh đã đầu tư lò đốt chất thải y tế công nghệ Nhật Bản, vận hành các thông số đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp cũng được quan tâm giải quyết. Một số địa phương đã xây dựng mô hình điểm thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng góp phần hạn chế tình trạng vứt bừa bãi vỏ bao thuốc gây ô nhiễm môi trường.

Từ năm 1996 đến nay, huyện Thái Thuỵ đã trồng được trên 3.800 ha rừng ngập mặn đã khép tán. Việc khai thác rừng ngập mặn cũng được quản lý chặt chẽ hơn nên tình trạng chặt phá rừng bừa bãi đã được hạn chế. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng các trạm cấp nước sạch tập trung ở các khu vực nông thôn như trạm cấp nước xã Thuỵ Quỳnh, Thái Hưng, Thuỵ Liên, Thái Hoà...và đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp nước sạch vệ sinh môi trường phục vụ nhân dân.

Với những việc làm thiết thực và sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng nhân dân địa phương, huyện Thái Thuỵ phấn đấu trong thời gian tới công tác bảo vệ môi trường sẽ đạt được kết quả cao hơn, tạo ra môi trường phát triển bền vững góp phần vào thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

     Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày