Thứ 6, 29/03/2024, 13:13[GMT+7]

Hội Phụ nữ xã Văn Cẩm Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên học nghề, tạo việc làm

Thứ 6, 03/02/2012 | 09:19:50
1,944 lượt xem
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010- 2015" đối với đời sống và sự phát triển của phụ nữ, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Văn Cẩm (Hưng Hà) đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về lợi ích của việc học nghề, làm nghề.

Phụ nữ với nghề dệt chiếu

Văn Cẩm vốn có nghề truyền thống mây tre đan nhưng chậm phát triển, chỉ duy trì ở 3 thôn, 2 thôn còn lại trắng nghề. Người dân vẫn cần mẫn với hai vụ lúa/năm, nên đời sống khó khăn, tỷ lệ lao động nữ thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp còn cao. Ðể cải thiện chất lượng cuộc sống, trên 1300 người trong độ tuổi lao động của xã Văn Cẩm (nữ chiếm 56,8%) phải chọn con đường đi làm ăn xa.

Nhiều hộ cả 2 vợ chồng đều ly hương, việc chăm sóc, giáo dục con cái trông cậy hoàn toàn vào ông, bà ở nhà. Vì thế, một số gia đình, vợ hoặc chồng đi làm ăn xa, khi tiền của dư dả thì cũng là lúc nhận ra con cái mình đã đi vào con đường hư hỏng, gia đình tan nát. Làm thế nào để giúp người lao động nói chung, chị em phụ nữ nói riêng "ly nông, bất ly hương" tăng thu nhập, vừa có điều kiện chăm lo, giáo dục, quản lý con cái không chỉ là băn khoăn, lo lắng của cấp ủy Ðảng, chính quyền mà còn là thách thức lớn đặt ra cho Ban Chấp hành (BCH) Hội Phụ nữ xã. Chị Mỳ, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Văn Cẩm cho chúng tôi biết: Ðể biến thách thức thành cơ hội, ngoài việc hỗ trợ giống, vốn, vật tư phân bón phát triển sản xuất, chăn nuôi, BCH Hội Phụ nữ còn tập trung hỗ trợ chị em duy trì phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới. Trước tiên, làm tốt công tác tuyên truyền, giúp chị em hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc làm nghề tại gia đình. Bên cạnh đó, Hội liên hệ với các doanh nghiệp thêu hạt cườm, mở 2 lớp dạy nghề tại 2 thôn trắng nghề.

Ðộng thái tích cực này vừa giúp ích cho chị em xã Văn Cẩm, vừa giải quyết được bài toán thiếu lao động gia công của doanh nghiệp. Chị em ở 2 thôn trắng nghề hăng hái tham gia học tập, giờ đã thạo việc, cứ xong việc đồng áng là ngày cũng như tối tranh thủ thêu hạt cườm, cố gắng làm ra những sản phẩm đạt chất lượng cao. "Vạn sự khởi đầu nan", tiếp theo, Hội phối hợp với các chủ cơ sở móc hộp sợi, dệt cước ni lon, may khăn và may túi xuất khẩu… tổ chức mở 3 lớp tại xã, 2 lớp tại thôn, cho gần 250 lao động. Ðặc biệt là năm 2010, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp Hội phụ nữ và Tổng công ty Phân bón, dầu khí hỗ trợ xã mở thêm 2 lớp dạy nghề, đưa tổng số chị em được đào tạo nghề lên trên 300 người.

Phát huy những kiến thức đã học, cùng với sự giúp đỡ của các cấp Hội, hầu hết chị em sau khi được đào tạo đều tham gia làm nghề. Vốn bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, các sản phẩm làm ra hầu hết đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm bền đẹp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đặt hàng. Một người biết nghề có thể truyền nghề cho hàng chục chị em khác, thêm vào đó là 5 doanh nghiệp nữ trong xã cũng thường xuyên tổ chức dạy nghề tại nhà cho chị em, nhận bao tiêu sản phẩm do chị em làm ra, nên Văn Cẩm hiện đã có tới 70- 75% lao động nữ tham gia phát triển nghề thủ công, với mức thu nhập bình quân 800.000- 1.500.000 đồng/ tháng. Lợi ích mà Hội Phụ nữ xã nỗ lực suốt thời gian qua đem tới cho chị em không đơn thuần là công ăn, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", khẳng định vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Do đó, chị em nhận rõ hơn quyền lợi của mình trong tổ chức Hội, hăng hái tham gia sinh hoạt, nâng tỷ lệ thu hút hội viên của Văn Cẩm lên 75% (trở thành một trong những đơn vị có tỷ lệ thu hút hội viên khá cao của huyện Hưng Hà). Trong ngôi nhà chung đó, chị em biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Có 6 chị em được giúp đỡ đã thoát nghèo.

Từ chỗ chỉ có một số ít gia đình làm nghề mây tre đan cầm chừng, thì nay người người, nhà nhà ở Văn Cẩm tham gia phát triển tới 19 loại hình ngành nghề. Tổng thu nhập từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của xã đã tăng lên tới gần 30 tỷ đồng/năm. Ðây là đóng góp không nhỏ trong GDP bình quân hàng năm của một xã xa trung tâm huyện lỵ, giao thông không thuận tiện như Văn Cẩm. Cũng chính từ khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương mình, các chị em đã háo hức tham gia học và phát triển nghề thủ công truyền thống, du nhập thêm nhiều nghề mới về địa phương, tạo việc làm ổn định cho mình, cho cả người già, trẻ em nhờ thế cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Văn Cẩm đang chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: nông nghiệp giảm, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Văn Cẩm tiếp tục khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của chị em để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp, phấn đấu giúp ngày càng nhiều chị em được đào tạo nghề, sống bằng nghề đã học, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp- nông thôn, chung tay cùng cả xã xây dựng nông thôn mới.

Đỗ Hiền

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày