Thứ 4, 15/01/2025, 23:54[GMT+7]

Công đoàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng người dân vượt khó

Thứ 6, 25/10/2019 | 08:44:12
1,104 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời tiết làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cấp công đoàn ngành Nông nghiệp đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đơn vị, doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thách thức.

Gia đình ông Lại Hữu Hải mở rộng diện tích nhà xưởng trồng nấm sò trong thời gian chờ tái đàn lợn.

Đầu năm 2019, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan tại các địa phương trong tỉnh, gia đình ông Lại Hữu Hải, thôn Đồng Lang, xã Đông Vinh (Đông Hưng) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề. 10 con lợn nái và 50 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng của gia đình ông đều chết do dịch. Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã đến động viên, hỗ trợ vôi bột để xử lý ổ dịch và thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và làm các thủ tục cho việc hỗ trợ thiệt hại do dịch theo quy định; đồng thời hướng dẫn gia đình chuyển sang một số mô hình cho hiệu quả kinh tế trong thời gian còn dịch. 

Ông Hải tâm sự: Cuối năm 2018, gia đình tôi trồng nấm sò với diện tích nhà xưởng 150m2 kết hợp với chăn nuôi lợn. Đến nay, tất cả số lợn đều bị tiêu hủy bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù thiệt hại do dịch bệnh lớn nhưng được sự quan tâm, động viên của các ngành chức năng và chính quyền địa phương nên gia đình tôi cũng đỡ hoang mang. Trong thời gian chờ cơ quan chuyên môn cho phép tái đàn, trước mắt gia đình tôi mở rộng diện tích nhà xưởng trồng nấm lên 500m2 và chuyển sang nuôi gia cầm, khi có đủ điều kiện chúng tôi sẽ tiếp tục tái đàn và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh ta từ tháng 2/2019, từ một số địa phương sau đó lây lan ra toàn tỉnh gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng lớn tới người chăn nuôi, thiệt hại nặng nề và tác động tới cả ngành Nông nghiệp. Đứng trước khó khăn này, Công đoàn Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực tham mưu cho ngành Nông nghiệp những giải pháp để tháo gỡ tình hình đồng thời thực hiện các biện pháp chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi các bước tiếp theo để ổn định sản xuất. 

Ông Phạm Văn Lý, Chủ tịch Công đoàn Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để động viên người chăn nuôi sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, cán bộ Chi cục cùng với bộ phận chuyên môn của huyện, xã đến nắm bắt tình hình, động viên người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, hoàn thiện các thủ tục hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn chuyển sang triển khai một số mô hình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chi cục cũng triển khai một số văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới các địa phương về việc tái đàn sau khi hết dịch, trong đó nhấn mạnh những trang trại, gia trại nào muốn chăn nuôi lại phải bảo đảm an toàn vệ sinh sinh học, an toàn dịch bệnh và khi chăn nuôi phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

Tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, trước tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực nghiên cứu nhiều mô hình có tính ứng dụng cao, từ những mô hình này nông dân có thể chuyển từ trồng lúa sang canh tác mang lại hiệu quả kinh tế, có thể kể đến mô hình trồng ấu trên chân ruộng trũng. Với diện tích 1 sào đất ruộng chân trũng cho thu hoạch 5 lần/năm, mỗi lần thu hoạch từ 100 - 120kg/sào ấu, giá bán 10.000/kg. 

Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ rất nhiều địa phương nông dân bỏ ruộng nên rất hoang phí, từ thực tế đó nhà trường đã nghiên cứu những mô hình, những trang trại mẫu, những khu vườn mẫu ở mức độ vừa phải phù hợp với bà con nông dân để tăng thu nhập và từ đó người nông dân hứng thú không còn tư tưởng bỏ ruộng, tập trung vào những trang trại mẫu, vườn kiểu mẫu có hiệu quả kinh tế.

Công đoàn ngành Nông nghiệp hiện có 22 công đoàn cơ sở, trong đó có 11 đơn vị hành chính, sự nghiệp, 11 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoạt động công đoàn đã gắn với nhiệm vụ chính trị chuyên môn của đơn vị. Trong 9 tháng đầu năm dù gặp nhiều khó khăn song trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đều đạt kết quả tích cực. 

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp cho biết: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục khẳng định vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất thường ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất. Trước thực tế đó, cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp  hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; hàng năm Công đoàn ngành đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo các ngành chuyên môn có nhiều hoạt động để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trước diễn biến của thiên tai, dịch bệnh, trong đó tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao; chú trọng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả kinh tế, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.


Nguyễn Cường

  • Từ khóa