Thứ 5, 16/01/2025, 00:38[GMT+7]

Vai trò của tổ chức công đoàn trong xu thế hội nhập

Thứ 3, 31/12/2019 | 08:39:36
3,110 lượt xem
Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ) là trách nhiệm của tổ chức công đoàn; tuy nhiên, thời gian qua, tại một số doanh nghiệp, việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn chưa thực sự hiệu quả, nhiều quyền lợi của NLĐ chưa được bảo đảm. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần thể hiện rõ vai trò của mình, nhất là khi Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh trao quà cho công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Tháng 6/2019, Việt Nam phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Công ước số 98 tập trung vào 3 nội dung cơ bản: bảo vệ NLĐ và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của NLĐ không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. Thực tế ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng, tình trạng phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động còn khá phổ biến và diễn ra các nhóm hành vi cản trở thành lập, gia nhập công đoàn. Thể hiện ở các hành động như khuyến khích vật chất để NLĐ không tham gia công đoàn; gây áp lực, đe dọa cắt phúc lợi nếu NLĐ tham gia công đoàn; chuyển cán bộ công đoàn làm công việc khác, địa điểm làm việc khác nhằm gây khó khăn cho hoạt động công đoàn; đưa ra nhiều lý do trì hoãn tiến hành thương lượng tập thể với công đoàn... Vì vậy, tinh thần căn bản của Công ước số 98 là NLĐ phải được bảo vệ trước những hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ.

Thái Bình hiện có gần 7.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 453 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Thực tế đã khẳng định, nơi nào có tổ chức công đoàn thì nơi đó các quyền lợi cơ bản của NLĐ được tôn trọng. Tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP - nơi có gần 16.000 lao động, vai trò của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định. Ông Trịnh Thanh Định, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Để NLĐ bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị, thắc mắc với Công ty, Công đoàn đã lập ra những hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng. Hàng ngày có người trực tổng đài tổng hợp các ý kiến của NLĐ gửi cho tất cả các bộ phận liên quan trước khi báo cáo lãnh đạo Công ty. Vì vậy, các ý kiến, kiến nghị đều được giải quyết trong thời gian ngắn nên NLĐ rất yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với Công ty. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được chủ sử dụng lao động tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thể hiện tiếng nói của mình như Công ty MXP không nhiều. Rất nhiều công ty có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động còn mờ nhạt. Tình trạng doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vi phạm về tăng ca, làm thêm giờ, định mức lao động, an toàn vệ sinh lao động nhưng tổ chức công đoàn không phát huy được tiếng nói của mình để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Đó là nguyên nhân dẫn đến số vụ ngừng việc tập thể ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Khi quyền lợi được bảo đảm công nhân Công ty TNHH Da giầy xuất khẩu Thành Phát hăng hái lao động sản xuất.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 40 cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Các vụ đình công, ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể kể đến gần đây nhất là vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH PS Vina vào ngày 20/9/2019 tại khu công nghiệp Gia Lễ (Đông Hưng) với sự tham gia của 1.300 công nhân. Lý do công nhân tập trung ngừng việc là thời gian công nhân về muộn chưa được cải thiện, tăng ca quá nhiều kể cả ngày nghỉ, lương thấp. Từ thực tế một số vụ việc tập thể và đình công cho thấy công đoàn cơ sở vẫn còn bộc lộ một số hạn chế trong việc nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong công nhân lao động, thiếu phương pháp xử lý các kiến nghị, bức xúc của NLĐ.

Trước thực tế trên, tháng 8/2019, tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo: Làn sóng đầu tư vào tỉnh ta có xu hướng ngày càng tăng, số NLĐ cũng sẽ tăng lên trong khi số doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn chiếm tỷ lệ cao, do vậy các cấp công đoàn cần tập trung quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách nhất là những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh; đồng thời, phải nắm chắc những nội dung của Công ước số 98 để đặt ra cho tổ chức mình những mục tiêu, yêu cầu và những nhiệm vụ cụ thể với phương châm ở đâu có cơ sở công nghiệp, dịch vụ thì ở đó phải có tổ chức đại diện NLĐ là tổ chức công đoàn. Trên tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng “Đề án phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có từ 80 - 85% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ có tổ chức công đoàn. Ông Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Để tổ chức công đoàn phát triển ngày một lớn mạnh, thời gian tới Liên đoàn Lao động tỉnh giao công đoàn các huyện, thành phố, công đoàn ngành phải khảo sát thật chính xác số doanh nghiệp đang sử dụng lao động, đặc biệt từ 25 lao động trở lên và giao chỉ tiêu đến từng cá nhân cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách các công đoàn này, phấn đấu đến năm 2020 phải phát triển theo chỉ tiêu giao, đồng thời có cơ chế, khuyến khích hỗ trợ cho cán bộ công đoàn chuyên trách đi vận động.

Công nhân Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam (thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) được tạo mọi điều kiện trong quá trình lao động sản xuất.

Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, hoạt động công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, phải bảo vệ NLĐ trong quan hệ lao động và phải bảo vệ lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững.

Nguyễn Cường