Thứ 7, 20/04/2024, 19:09[GMT+7]

Đồng Nai chuyển hướng đầu tư nước sạch nông thôn

Thứ 2, 06/12/2021 | 07:59:49
453 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có hơn 80 công trình cấp nước sạch nông thôn, bao gồm cả quy mô lớn lẫn nhỏ. Tuy nhiên, quá nửa công trình đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu nước dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.

Nhân viên Công ty CP Cấp nước Gia Tân (H.Thống Nhất) kiểm tra vận hành máy. Ảnh: B.MAI

Để đạt mục tiêu 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch, đảm bảo chất lượng nước sạch cấp cho người dân và bảo vệ nguồn nước ngầm, tỉnh chủ trương chuyển từ phương thức phục vụ sang dịch vụ, từng bước xã hội hóa công tác cấp nước sinh hoạt cho người dân.

* Công trình nước sạch hoạt động chưa hiệu quả

Đồng Nai có hơn 80 công trình cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 55,2 ngàn m3/ngày đêm, công suất thực tế đạt 51%.

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, công suất của các công trình nước sạch nông thôn hiện chưa cao. Nguyên nhân là do một số công trình nước sạch nông thôn theo Chương trình 134 và 135 của Chính phủ đã xuống cấp, một số không đủ nước hoạt động vào mùa khô. Nhiều nơi người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng nước giếng khoan, dẫn đến công trình hoạt động không hết công suất, nhanh hư hỏng.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế (tăng 5% so với năm 2020). Trong điều kiện nguồn nước ngầm nhiều nơi sụt giảm, nhiễm phèn và mặn bất thường, nhu cầu nước sạch của người dân ngày càng gia tăng thì việc trông chờ vào các công trình cấp nước sạch nông thôn thôi không đủ, cần có giải pháp và đầu tư xứng đáng hơn cho nhu cầu thiết yếu về nước sạch cho người dân.

H.Nhơn Trạch có khoảng 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch nhưng nguồn nước và chất lượng không ổn định. Theo ông Lương Hữu Ích, Phó chủ tịch UBND huyện, một số xã như Phú Hữu, Đại Phước, Phú Hội, Phước Khánh, 100% người dân sử dụng nước sạch, nhưng một số khu vực tỷ lệ này còn thấp, người dân phải tự khai thác nước dưới đất bằng giếng khoan hoặc giếng đào, nguồn nước không ổn định, bị nhiễm phèn, mặn vào mùa khô. Theo lãnh đạo huyện, hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn cần phải được nâng cấp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.

Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, công trình cấp nước sạch trên địa bàn huyện vừa thiếu vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu người dân. Mới đây, công trình cấp nước liên xã Lâm San - Sông Ray - Xuân Đông - Xuân Tây được UBND tỉnh phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; hệ thống cấp nước tập trung liên xã Xuân Bảo - Bảo Bình cũng được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư năm 2021 và Ban Quản lý dự án huyện đang làm thủ tục đấu thầu. Một dự án cấp nước sạch khác về H.Cẩm Mỹ cũng mới được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Một số địa phương có ý kiến, công tác quản lý, khai thác và vận hành công trình cấp nước nông thôn còn nhiều bất cập. Người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch, giá cả hợp lý nhưng công trình thì hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, công trình thiếu nước vào mùa khô buộc người dân phải sử dụng nước từ nguồn khác hoặc khoan giếng. Chất lượng nước từ các công trình cấp nước ở nông thôn cũng là điều người dân quan tâm.

* Chuyển từ phục vụ sang dịch vụ

Nước sạch là nhu cầu cơ bản, không thể thiếu của mỗi người. Việc nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn nhằm nâng chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng là mục tiêu tỉnh đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho biết, trong 5 năm tới, đơn vị đưa ra các giải pháp phát triển nước sạch nông thôn gồm: đầu tư thêm công trình cấp nước sạch nông thôn, nâng cấp các công trình hiện hữu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình; kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ hệ thống cấp nước sạch đô thị về vùng nông thôn; siết chặt tình trạng khai thác nước ngầm, khoan giếng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để bảo đảm nguồn nước sạch, liên tục cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, cần chuyển hướng đầu tư nước sạch nông thôn; chuyển từ phương thức phục vụ sang dịch vụ, do các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, từng bước xã hội hóa công tác cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đối với các công trình cấp nước tập trung đã có, Sở NN-PTNT rà soát lại chất lượng từng công trình, công trình nào bị hư hỏng mà người dân thật sự có nhu cầu thì đề xuất biện pháp khắc phục. Các công trình sử dụng nguồn nước giếng khoan, hồ không ổn định về nguồn nước, chất lượng nước đề xuất ngưng hoạt động để giảm chi phí vận hành, quản lý.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Đề án phải đảm bảo được mục tiêu đến năm 2025, 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch với chất lượng nước an toàn. Để làm được điều này, Sở Xây dựng tính toán việc phát triển mạng lưới đường ống cấp nước vùng tỉnh Đồng Nai. Khuyến khích và tạo điều kiện các doanh nghiệp lớn mở rộng mạng lưới đưa nước sạch về nông thôn hoặc hợp tác với các HTX, doanh nghiệp tư nhân phân phối nước sạch cho người dân tránh chồng lấn về mạng lưới cấp nước sạch.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân cho biết, công ty đang cung cấp nước sạch cho một số khu công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh. Nhưng tới đây, công ty sẽ đầu tư hơn 500 tỷ đồng mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn theo 2 hình thức: công ty trực tiếp đầu tư đường ống, lắp đồng hồ nước cho nhà dân và phân phối lại nước sạch cho các đơn vị kinh doanh. Đối với trường hợp phân phối nước sạch, công ty sẽ tính toán chi phí và giảm tỷ lệ hao hụt nước ở mức thấp để người dân được sử dụng nước an toàn với mức giá phù hợp.

Theo baodongnai.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày