Thứ 6, 22/11/2024, 09:05[GMT+7]

Pháp, Thụy Điển nới lỏng các quy định phòng dịch COVID-19

Thứ 6, 21/01/2022 | 17:54:56
1,201 lượt xem
Pháp sẽ nới lỏng quy định làm việc tại nhà từ đầu tháng 2 tới và cho phép các câu lạc bộ giải trí ban đêm mở cửa trở lại 2 tuần sau đó; trong khi Thụy Điển đã quyết định nới lỏng quy định cách ly.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp.

Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 20/1 cho biết Pháp sẽ nới lỏng quy định làm việc tại nhà từ đầu tháng 2 tới và cho phép các câu lạc bộ giải trí ban đêm mở cửa trở lại 2 tuần sau đó, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang bắt đầu cải thiện.

Giới hạn số người được phép vào các cơ sở thể thao và giải trí cũng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 2/2 tới, đồng thời từ thời điểm này không còn bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời. Sau đó 2 tuần, từ ngày 16/2, người dân sẽ được phép mang đồ ăn vặt vào các rạp chiếu phim.

Những quy định dịch tễ tại trường học, trong đó có yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, có thể được nới lỏng sau kỳ nghỉ Đông.

Tuy nhiên, thẻ thông hành vaccine - chứng nhận đã tiêm chủng phải xuất trình khi vào các cơ sở công cộng như nhà hàng, quán càphê, rạp chiếu phim và tàu đường dài, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 24/1 tới như kế hoạch đã đề ra. Thẻ thông hành vaccine có thể được hủy bỏ sau đó nếu tình hình dịch bệnh giảm đáng kể.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào mức độ áp lực đối với các bệnh viện do đại dịch COVID-19. Việc áp dụng thẻ thông hành vaccine dù đã được Quốc hội Pháp thông qua nhưng vẫn cần được Tòa án Hiến pháp "bật đèn xanh."

Thủ tướng Castex cũng khuyến khích các bậc phụ huynh đưa con em từ 5-11 tuổi đi tiêm chủng, và trẻ em từ 12-17 tuổi hiện có thể tiêm mũi tăng cường.

Thủ tướng Castex cho rằng làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta gây ra tại Pháp đang giảm rõ rệt ở khắp nơi, trong khi làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron cũng bắt đầu "chững lại" ở nhiều khu vực, những nơi xuất hiện biến thể này đầu tiên vào cuối tháng 12/2021. Ngày 20/1, Pháp ghi nhận hơn 425.000 ca nhiễm mới.

Giới khoa học Pháp cho rằng mức độ lây nhiễm trong làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại Pháp sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến giữa tháng 3, nhưng có thể kiểm soát được.

Thụy Điển ngày 20/1 đã quyết định nới lỏng quy định cách ly nhằm tránh nguy cơ sụp đổ các ngành dịch vụ thiết yếu, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan trên cả nước, gây ra tình trạng thiếu nhân viên.

Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển cho biết theo quy định mới, thời gian cách ly đối với những người có người thân trong gia đình mắc COVID-19 giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày. Tuy nhiên, những người đã tiêm 3 liều vaccine hoặc đã nhiễm và khỏi bệnh trong vòng 3 tháng trước đó, là nhân viên trong các ngành dịch vụ thiết yếu sẽ không phải cách ly.

Một số lĩnh vực tại Thụy Điển đang phải chật vật giải quyết bài toán thiếu nhân viên vì nhiều lao động đã mắc COVID-19 hoặc phải thực hiện cách ly 7 ngày do có người thân trong gia đình nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cảnh sát Thụy Điển ngày 20/1 cho biết 10% lực lượng cảnh sát nước này đã phải nghỉ làm. Trong khi đó, theo Cơ quan Y tế công cộng, các trường học và công ty vận tải cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân viên.

Ngoài ra, Cơ quan Y tế công cộng khuyến nghị giới chức y tế khu vực ưu tiên xét nghiệm cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như nhân viên y tế hoặc những người không thể làm việc tại nhà.

Các biện pháp hạn chế khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh tại Thụy Điển vẫn được duy trì, như làm việc từ xa, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng.

Tương tự như nhiều quốc gia châu Âu khác, biến thể Omicron đã khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt tại Thụy Điển. Riêng ngày 19/1 nước này đã ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm mới. Hiện Thụy Điển đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,7 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 15.600 ca tử vong./.

Theo vietnamplus.vn