Thứ 6, 22/11/2024, 10:34[GMT+7]

Ukraine, Pháp và Anh nhấn mạnh ưu tiên đối thoại với Nga

Thứ 7, 29/01/2022 | 14:16:55
4,360 lượt xem
Tổng thống Ukraine cho biết đã nhất trí với nhà lãnh đạo Pháp nhằm bắt kịp tiến độ các cuộc đàm phán quốc tế nhằm giảm "leo thang" căng thẳng ở khu vực biên giới hai nước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ngày 28/1, Tổng thống Ukraine Volodymry Zelensky nhấn mạnh cần đẩy mạnh các cuộc đàm phán quốc tế nhằm giảm "leo thang" căng thẳng ở khu vực biên giới giữa nước này và Nga.

Phát biểu sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Miễn là điều kiện cho phép, chúng ta phải gặp gỡ và đàm phán." Ông cho biết thêm đã nhất trí với nhà lãnh đạo Pháp nhằm bắt kịp tiến độ các cuộc đàm phán.

Cũng trong ngày 28/1, một phụ tá cho Tổng thống Pháp cho biết trong cuộc điện đàm cùng ngày, ông Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí về sự cần thiết của việc "xuống thang" trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo quan chức này, cuộc điện đàm đã cho phép hai bên "nhất trí về sự cần thiết của việc giảm leo thăng (căng thẳng)" và "Tổng thống Putin đã bày tỏ không có kế hoạch tấn công nào và nói rằng ông muốn tiếp tục các cuộc thảo luận với Pháp và các đồng minh của chúng ta".

Quan chức này cũng cho biết thêm rằng nhà lãnh đạo Nga đã "nói rất rõ rằng ông không muốn đối đầu."

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine với việc đến thăm khu vực này trong tuần tới và sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Anh không công bố thời gian và địa điểm cụ thể của chuyến thăm dự kiến.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 28/1 cho rằng một cuộc xung đột với Nga không phải là điều "không thể tránh khỏi," đồng thời nhận định vẫn còn "không gian và thời gian" cho các nỗ lực ngoại giao.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Austin nói rằng đến thời điểm này Mỹ mới chỉ đặt quân đội vào tình trạng báo động cao chứ chưa hề có bất kỳ sự điều chuyển lực lượng cụ thể nào để phản ứng với cuộc khủng hoảng xoay quanh Ukraine.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ sự điều chuyển nào cũng nhằm mục đích quan trọng cả về chính trị và quân sự là trấn an các đồng minh tại châu Âu cũng như hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoặc phục vụ cả hai lý do.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông sẽ điều chuyển "một số lượng nhỏ" binh sỹ Mỹ tới Đông Âu và các nước thành viên NATO trong "thời gian sắp tới." Mỹ có hàng chục nghìn binh sỹ được triển khai chủ yếu ở Tây Âu.

Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét việc tăng cường một số lượng nhỏ các binh sỹ cho sườn phía Đông đang căng thẳng. Lầu Năm Góc đã huy động khoảng 8.500 binh sỹ thường trực trong trạng thái sẵn sàng được triển khai.

Những ngày gần đây, căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây leo thang khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ và cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa với bất cứ quốc gia nào.

Moskva cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ có hậu quả nghiêm trọng./.

Theo vietnamplus.vn