Thứ 7, 04/05/2024, 02:45[GMT+7]

Thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ 3, 01/02/2022 | 02:46:22
8,958 lượt xem

Sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Toyoda Gosei Thái Bình (khu công nghiệp Tiền Hải). Ảnh: Thành Tâm

Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng tinh túy cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Thái Bình, xác định đầu tư phát triển nhân lực là một trong những đột phá chiến lược, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững, ngay từ rất sớm, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách góp phần tích cực trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, nguồn nhân lực của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, đội ngũ trí thức có trình độ từ cao đẳng trở lên đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trong tỉnh có khoảng 143.000 người. Riêng nhân lực trình độ cao, trên địa bàn tỉnh có 11 giáo sư, phó giáo sư; 109 tiến sĩ; gần 2.000 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa. Nhiều người trong số đó đã được quan tâm, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng; không ít người đã phát huy được năng lực, bản lĩnh, trí tuệ đóng góp tích cực vào sự phát triển của cơ quan, địa phương, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tỉnh còn thiếu lao động kỹ thuật cao, thiếu đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn; hoạt động khoa học, công nghệ chưa tạo được sự đột phá; tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và thâm dụng lao động. Trình độ ngoại ngữ và khả năng làm việc trong môi trường hợp tác quốc tế của cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc phân công, bố trí công việc cho cán bộ, công chức ở không ít nơi chưa khoa học, chưa đúng người, đúng việc. Đã xuất hiện tình trạng huấn luyện viên, bác sĩ giỏi chuyển đi tỉnh ngoài làm việc. Đội ngũ công chức trẻ, có kiến thức, trình độ học vấn cao chậm được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tạo cơ hội để khẳng định mình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực còn bất cập, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chậm được cụ thể hóa. Mặc dù tỉnh đã có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao.

Trong thời gian tới, bám sát nhiệm vụ “đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tỉnh cần sớm giao các cơ quan chức năng phối hợp rà soát, đánh giá, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng tại tỉnh trong 5 đến 10 năm tới theo ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó, có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Đồng thời, ban hành chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các lĩnh vực mũi nhọn. Trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách, cần bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu thu hút, đào tạo với bố trí, sử dụng. Bởi trong thực tế, Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có những chính sách ưu đãi chọn, cử những cá nhân có năng lực xuất sắc đi đào tạo ở nước ngoài; thu hút những nhà khoa học có danh tiếng về nước, về địa phương làm việc song hiệu quả đem lại không như mục tiêu đề ra mà nguyên nhân chính là do họ không được bố trí công việc phù hợp.

Thứ hai, để chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cần mạnh dạn xây dựng đề án đào tạo cán bộ trẻ ở nước ngoài như nhiều tỉnh, thành phố đã làm. Trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, kinh phí thực hiện đề án có thể huy động cả hình thức xã hội hóa. Trên cơ sở tuyển chọn những học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các chuyên ngành tỉnh đang cần nhân lực, tổ chức ký hợp đồng nêu rõ trách nhiệm của hai bên, trong đó có cam kết bố trí việc làm phù hợp khi người học về nước, tỉnh sẽ sớm có được số nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ ba, đổi mới hình thức thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, theo hướng đề cao chuyên môn, nghiệp vụ. Để đạt được mục tiêu này cần mở rộng nguồn, tổ chức thi tuyển theo hai vòng. Vòng 1 do Hội đồng chuyên ngành gồm những nhà quản lý, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực; vòng thứ 2 do Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp thực hiện. Song song với đó, cần mạnh dạn triển khai hình thức giới thiệu, tiến cử người tài, bổ nhiệm những cán bộ, công chức trẻ có phẩm chất năng lực tốt, khắc phục tình trạng già hóa cán bộ lãnh đạo.

Thứ tư, mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cần tạo môi trường làm việc thật sự dân chủ, khích lệ, bảo vệ những người dám nói, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong bố trí, sử dụng nhân lực cần thấm nhuần quan điểm của Bác: “Việc dùng nhân tài, không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe”. Thay vì quán triệt chung chung, cần nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể. Có như vậy mới khuyến khích, bảo vệ những người tâm huyết, có trí tuệ và óc sáng tạo. Bên cạnh đó, để tập hợp, phát huy được trí tuệ rộng rãi hơn, cần tổ chức các diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, địa phương với trí thức, nhà khoa học tiêu biểu người Thái Bình trong và ngoài tỉnh.

Thứ năm, để bảo đảm nguồn nhân lực, nhân lực cao ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, cần phát huy sức mạnh nội sinh của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Các trường cần thiết lập, duy trì tốt mối quan hệ với cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý, dự báo nguồn nhân lực và với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh để có kế hoạch đào tạo bám sát thị trường lao động. Đồng thời, tỉnh cần có chính sách quyết liệt trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ sở đào tạo; đầu tư kinh phí, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm công tác quản lý, giảng dạy; ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ việc khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thành lập các cơ sở giáo dục tư thục chất lượng cao, có yếu tố nước ngoài tại các bậc học phổ thông ở các nơi có điều kiện. Điều này không chỉ giảm áp lực cho các trường công mà còn góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ bậc học dưới.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tin rằng nếu có chính sách phù hợp trong thu hút, đào tạo, sử dụng thì nguồn lực được gọi là “nguyên khí” này sẽ càng ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nguyễn Ngọc Dư
(Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh)