Thứ 6, 03/01/2025, 00:38[GMT+7]

Thanh Hóa: Thực hiện nhiều giải pháp để người dân được dùng nước sạch, hợp vệ sinh

Thứ 2, 21/02/2022 | 14:12:27
1,309 lượt xem
Nhằm đáp ứng nhu cầu và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân. Nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm và dành nhiều nguồn vốn để đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch tập trung, bể chứa nước sạch..., tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.

Một bể chứa nước sạch tại xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy).

Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững công trình nước sạch nông thôn, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, từ đó đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Từ việc quản lý, sử dụng hiệu quả công trình nước sạch nên người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Nhờ vậy, nhận thức của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc về sử dụng nước hợp vệ sinh để bảo đảm sức khỏe bản thân và gia đình được cải thiện và ngày một nâng lên.

Anh Bùi Văn Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy), cho biết: Cũng như nhiều hộ gia đình khác, trước đây, khi chưa có nước sạch nên gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan. Do chất lượng nước không đảm bảo nên rất lo lắng cho sức khỏe. Từ khi có dự án nước sạch, tôi đã đầu tư đường ống để dẫn nước về tận nhà. Được sử dụng nước sạch nên mọi người trong gia đình yên tâm hơn, sức khỏe được cải thiện.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 537 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, có 36 công trình cấp nước tự động, 501 công trình cấp nước tự chảy. Nhìn chung, các công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã, liên xã được xây dựng, lắp đặt và bố trí nhân lực quản lý, vận hành tốt nên hoạt động hiệu quả... Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,6%.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít bất cập, đó là sau một thời gian đưa vào vận hành, một số công trình nước sạch không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, cá biệt có những công trình bị bỏ hoang khiến người dân không có nước sạch để dùng, gây lãng phí nguồn vốn. Theo thống kê, ở một số công trình cấp nước tự chảy tại miền núi tuy có số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, hiệu quả không cao; nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng nhưng không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng... Hay như tại một số xã ven biển trên địa bàn huyện Nga Sơn, như: Nga Liên, Nga Tân, Nga Văn, Nga Tiến, Nga Thanh, Nga Yên vào thời điểm cuối năm 2021 xảy ra tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nguyên nhân được cho là triều cường dâng cao kèm theo thời tiết khô hạn dẫn đến xâm nhập mặn...

Để giải quyết những bất cập trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các công trình kém bền vững, không hoạt động nhằm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch nông thôn, công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ đó có ý thức bảo vệ đầu nguồn nước...

Ngoài ra, các ban, ngành liên quan cần chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng và vùng khan hiếm nước, chưa có hệ thống cấp nước. Ưu tiên đầu tư các xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Đầu tư hệ thống cấp nước sạch quy mô lớn liên xã, liên huyện đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư. Ở những vùng dân cư tập trung, khó khăn về nguồn nước cần đầu tư những công trình kết nối, tạo nguồn, dẫn nguồn ổn định; đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn phù hợp ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước...

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng các công trình nước sạch nông thôn sẽ góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân, giảm thiểu tác động của bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra.

Theo baothanhhoa.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày