Thứ 6, 22/11/2024, 22:17[GMT+7]

Đưa nghề về cho phụ nữ nông thôn

Thứ 3, 01/03/2022 | 07:59:32
5,853 lượt xem
“Nghề may khăn gia công, tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ may cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Đây là nghề rất phù hợp cho phụ nữ nông thôn, vừa chăm sóc gia đình vừa có việc làm ổn định, tăng thu nhập gia đình, do đó tôi mong muốn sẽ giúp được nhiều chị em có việc làm” - đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Sen, thôn Vũ Đông, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà), chủ một cơ sở may gia công điển hình của xã.

Chị Nguyễn Thị Sen, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) kiểm tra hàng trước khi xuất cho các công ty.

Từng tham gia làm công nhân tại một số công ty lớn nên chị Sen có sẵn kinh nghiệm. Nhận thấy hầu hết chị em trong xã ngoài làm ruộng chưa có việc làm thêm lúc nông nhàn để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, chị đã bàn với chồng liên kết với công ty và mở xưởng may gia công khăn để nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động trong xã. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm kinh doanh chưa có, công nhân mới tuyển tay nghề yếu, thiếu vốn đầu tư... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sai đâu sửa đấy để cho ra những sản phẩm đạt yêu cầu. Từ những lô hàng bị lỗi, kém chất lượng, đến nay sản phẩm đều bảo đảm về mẫu mã, chất lượng, có nhiều đơn đặt hàng hơn. Sau một thời gian ký được nhiều hợp đồng với số lượng sản phẩm lớn, chị tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, tuyển thêm lao động. 

Chị Sen cho biết: Cái khó nhất ban đầu là vốn, trong khi đó cơ sở vật chất cho xưởng không thể thiếu. Một chiếc máy đôi khi chỉ dùng riêng cho một công đoạn, ở một đơn hàng nhất định, giá vài chục triệu đồng cũng phải mua. Rồi có những thời điểm khăn không xuất được, tôi phải chạy vạy khắp nơi để trả lương cho công nhân đúng hẹn. Vượt qua “vạn sự khởi đầu nan” cho quá trình khởi nghiệp, hiện nay xưởng của tôi mỗi ngày xuất 5.000 - 7.000 chiếc khăn, doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng. 

Hiện xưởng của chị Sen đang tạo việc làm cho hàng chục lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Dù thu nhập không cao song phù hợp với chị em, nhất là những chị em quá tuổi lao động. 

Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Hợp Đoài, xã Hồng Lĩnh cho biết: Công việc không quá vất vả, mức thu nhập ổn định, lại được đi làm gần nhà, có thêm thời gian chăm sóc gia đình nên chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài. Chị Sen luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho mỗi lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Sen còn là thành viên tích cực trong các hoạt động của chi hội phụ nữ thôn, tuyên truyền, vận động chị em trong xưởng thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 2021, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Lĩnh và UBND huyện Hưng Hà khen thưởng. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Lĩnh cho biết: Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, cơ sở may khăn gia công của chị Nguyễn Thị Sen đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có đời sống ổn định mà không phải xa quê. Đây là mô hình điển hình của xã nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tạo cơ hội để cơ sở của chị Sen tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nông thôn. 

Những thành quả đạt được hôm nay của chị Sen thật đáng trân trọng, đã góp phần tô thắm hình ảnh đẹp của người phụ nữ, xứng đáng là tấm gương để chị em phụ nữ học tập và noi theo. 

Xưởng may gia công của chị Nguyễn Thị Sen, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ. 

Thanh Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày