Thứ 5, 05/12/2024, 02:35[GMT+7]

Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới

Thứ 2, 07/03/2022 | 08:27:06
2,063 lượt xem
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ con Rồng cháu Tiên đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam. Đó là một nền văn hóa được xác lập, duy trì và phát triển bền vững theo nguyên lý tổng hòa các mối quan hệ: gia đình - làng - nước như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa học, Việt Nam học đã từng khẳng định. Theo nguyên lý đó thì gia đình điều chỉnh văn hóa bằng tình cảm. Làng điều chỉnh văn hóa bằng dư luận. Nhà nước điều chỉnh văn hóa bằng pháp luật. Đó là ba trụ cột tạo nên bản sắc bền vững của nền văn hóa dân tộc mà gia đình là nơi khởi nguồn của sự hình thành, định hình, bảo lưu, bồi trúc thành các giá trị văn hóa của làng, của nước.

Ảnh minh họa.

Xét về cội nguồn, có một thực tế lịch sử khách quan không thể và có lẽ cũng không nên phủ định là: Dưới thời phong kiến, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, đạo làm người, đạo nhà bị chi phối theo ý thức hệ Nho giáo quy định con người chức năng, với những ràng buộc khắt khe của “tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức”. Mặt khác, tuy ý thức hệ của giai cấp thống trị là vậy, nhưng với người dân thì không hẳn vậy. Trong truyền thống, đạo nhà, đạo làm người, cung cách ứng xử trong các mối quan hệ gia đình - làng - nước của người Việt Nam được hình thành từ trong mỗi gia đình với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… không hẳn từ sách vở mà còn chủ yếu là những lời răn dạy, truyền miệng được đúc kết trong kho tàng tục ngữ, ca dao. Ví như: Trẻ cậy cha, già cậy con; Một mẹ già bằng ba lần dậu; Anh em như thể chân tay; Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn; Chồng ta đói rách ta thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người; Áo rách phải giữ lấy lề; Đói cho sạch, rách cho thơm; Thật thà là cha quỷ quái; Cha ăn mặn, con khát nước; Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư; Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách; Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ; Tắt lửa tối đèn có nhau; Kính lão đắc thọ; Kính già, già để tuổi cho; Kính trên nhường dưới; Yêu con người, mát con mình; Làm ơn thì không nên nhớ, chịu ơn thì chớ nên quên; Tôn sư trọng đạo; Lời chào cao hơn mâm cỗ; Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng; Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…

Là một nhà văn hóa lớn và cũng là người từng tắm mình trong Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm đến giáo dục gia đình. Người đã từng chỉ rõ vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình một cách rất bình dị, dễ hiểu: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững.

Thấm nhuần và kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình và giáo dục gia đình luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc đã được đặt ra trong cương lĩnh chính trị và xuyên suốt qua nhiều văn kiện của Đảng. Ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam.

Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa ra đời từ năm 1960 đã được duy trì bền vững ở khắp các địa phương trong cả nước. Từ khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở lại đây, vai trò, vị thế gia đình và cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được Đảng và Nhà nước cùng toàn xã hội thường xuyên quan tâm hơn.

Từ quang cảnh chung về hệ giá trị gia đình của Việt Nam, nhìn vào Thái Bình có thể tự hào là mệnh mạch truyền thống của văn hóa gia đình luôn tỏa sáng ở vùng quê này. Bằng chứng là, trong lịch sử dân tộc đã xuất hiện khá nhiều những làng văn hiến, những dòng họ văn hiến ở Thái Bình. Một làng có nhiều gia đình, nhiều dòng họ văn hiến mới có thể tôn vinh là làng văn hiến. Gia phả của các dòng họ và kho tàng di sản Hán Nôm tại các từ đường dòng họ ở Thái Bình cho thấy có khá nhiều họ tộc đã được các triều đình phong kiến ban phong những mỹ tự: “Hiếu nghĩa truyền gia”, “Mỹ tục truyền gia”, “Khoa giáp truyền gia”. Dòng họ Lê ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà: “Văn hiến truyền gia”. Dòng họ Quách ở xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy: “Thi lễ truyền gia”. Dòng họ Bùi ở làng Đồng Thanh, nay thuộc xã Tân Bình, thành phố Thái Bình có lịch sử được ghi chép trong gia phả với bề dày hơn 1000 năm, đời nối đời có người hiển đạt võ công, văn nghiệp…

Từ một miền quê có bề dày truyền thống sáng tạo văn hóa, trải gần 80 năm, trên các chặng đường xây dựng và phát triển văn hóa ở thời đại mới, Thái Bình là một trong những địa phương thường có nhiều đóng góp kinh nghiệm cùng cả nước về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều tấm gương gia đình văn hóa, gia đình hiếu học tiêu biểu của Thái Bình từng được tôn vinh.

Trên thực tế, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa trong phạm vi cả nước cũng như ở Thái Bình đã thực sự góp phần vào việc giữ gìn, chấn hưng, phát triển hệ giá trị gia đình, góp phần thiết thực vào tiến trình phát triển văn hóa ở các thời kỳ, thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, cũng rất nên thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về những mặt hạn chế của cuộc vận động này. Đó chính là bệnh thành tích, bệnh hình thức trong tất cả các khâu phát động, đăng ký, bình xét, công nhận, khen thưởng… Những căn bệnh đó dường như chưa có đủ những giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Chính từ bệnh thành tích, bệnh hình thức đã làm giảm sút chất lượng, hiệu quả thiết thực của phong trào, làm vơi dần giá trị cao quý vốn có của danh hiệu gia đình văn hóa. Cũng chính hai căn bệnh cố hữu này đã dẫn đến tình trạng có những địa phương, tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thường là năm sau cao hơn năm trước, nhưng tệ nạn xã hội không những không giảm mà cũng có xu hướng năm sau gia tăng hơn năm trước.

Mặt khác, ở nhiều địa phương do chưa nhận thức thấu đáo về ý nghĩa cụ thể của từng tiêu chuẩn, tiêu chí gia đình văn hóa nên thường quá thiên lệch về việc lựa chọn những gia đình làm kinh tế giỏi để công nhận là gia đình văn hóa. 

Đương nhiên, việc khuyến khích, tôn vinh những tấm gương gia đình làm kinh tế giỏi là cần thiết và phù hợp với xu thế của thời đại, nhưng làm kinh tế giỏi chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để xem xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Trên thực tế, không thiếu những gia đình làm kinh tế giỏi nhưng khủng hoảng về kỷ cương, nếp sống, lối sống, đạo đức gia đình, vợ chồng thiếu hòa thuận, con cái không chăm ngoan, thậm chí mắc tệ nạn xã hội…
Thiết nghĩ, để phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển có chiều sâu và hiệu quả đích thực góp phần vào quá trình giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới thì trước hết phải giữ vững và phát huy cao độ tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống như hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em hòa thuận... Gia đạo (nếp nhà) cần được đặc biệt giữ gìn, coi trọng như là cốt lõi của hệ giá trị gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở lấy hệ giá trị gia đình truyền thống làm nền tảng, từ đó tiếp thụ những yếu tố tiên tiến của thời hiện đại chính là một giải pháp hữu hiệu để xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại mới.

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu mang tiêu đề: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Là người đứng đầu Đảng ta và cũng là một nhà lý luận rất am tường về truyền thống và thực trạng hiện nay của nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, sa sút trong lĩnh vực văn hóa hiện nay, đồng thời đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để chấn hưng và phát triển nền văn hóa nước nhà trong thời kỳ mới, trong đó nhiệm vụ thứ hai là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Trong báo cáo tại hội nghị này, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ra những giải pháp để khắc phục những hạn chế, phát triển văn hóa, đạo đức xã hội, trong đó có: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Để khởi động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 28/1/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Mục đích của việc ban hành Bộ tiêu chí đã nêu rõ: Xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Hẳn là, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ thu hút được sự đồng tình hưởng ứng của các giai tầng xã hội và chính hiệu quả của việc thực hiện Bộ tiêu chí này sẽ là một trong những thước đo của quá trình xây dựng, giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới của mỗi địa phương.

Nguyễn Thanh

  • Từ khóa