Thứ 2, 23/12/2024, 01:31[GMT+7]

Bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, Trung Quốc thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Thứ 6, 11/03/2022 | 14:55:19
3,263 lượt xem
Sáng 11/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã bế mạc kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13.

Các đại biểu dự kỳ họp lần thứ 5, khóa 13 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn Trung Quốc (CPPCC) tại Bắc Kinh.

Sau gần một tuần làm việc, ngoài mục tiêu ổn định, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 Trung Quốc còn thảo luận mục tiêu tự cường về nền kinh tế trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn phức tạp và dịch bệnh.

Kỳ họp lần này đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; ngân sách trung ương và địa phương năm 2022; sửa đổi Luật tổ chức đại biểu nhân dân và chính quyền nhân dân địa phương; quyết định về số lượng đại biểu quốc hội khóa 14 tới; bầu đại biểu quốc hội ở đặc khu hành chính Hong Kong, Macau…

Ngay sau khi bế mạc phiên họp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có buổi họp báo nhấn mạnh, mục tiêu GDP khoảng 5,5% phản ánh tiến độ ổn định, tăng trưởng chất lượng cao; Những kế hoạch phát triển hiện tại cũng là dựa vào tầm nhìn dài hạn. Trung Quốc tăng chi tiêu Chính phủ để tăng trưởng ổn định.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng này là hoàn toàn có cơ sở dựa trên củng cố nền tảng cho sự phát triển lâu dài, chất lượng cao với các động cơ tăng trưởng mới như đổi mới công nghệ, hạn chế những biện pháp kích thích ngắn hạn dễ làm chệch hướng cơ cấu kinh tế. Động lực tăng trưởng mới đến từ các cụm thành phố, nền kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi xanh.

Ngân hàng Trung ương nước này ủng hộ mạnh mẽ cho phát triển xanh, nhất là tiếp tục củng cố ngôi vị hàng đầu trong đi trước phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch như ô tô điện, ô tô hybrid. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng thông báo chuyển cho Bộ Tài chính nước này hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ (trên 158 tỷ USD) để thực hiện các biện pháp ổn định nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp của Chính phủ Trung Quốc như dành những chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay có hiệu quả nhanh chóng thúc đẩy những đột phá về công nghệ then chốt, duy trì đảm bảo chuỗi công nghiệp, cung ứng nội địa. Trong đó, đáng chú ý là tăng hoàn thuế cho các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa từ 75% lên 100%.

Các chuyên gia vẫn thấy được trong các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, chiến lược xuyên suốt của nước này vẫn là tạo điều kiện để các doanh nghiệp hàng đầu thiết lập những chuỗi công nghệ và cung ứng tự chủ, nhất là từng bước tự chủ về công nghệ chip nội địa.

Theo vtv.vn