Thứ 7, 23/11/2024, 03:19[GMT+7]

Đồng Nai: Bài toán nước sạch nông thôn

Thứ 6, 08/04/2022 | 13:18:54
679 lượt xem
Theo Sở NN-PTNT, hiện tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt khoảng 82%, nhưng chỉ có khoảng 13% được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung (nước máy), còn lại, người dân dùng nước giếng đào, giếng khoan (giếng dân tự khoan, công trình cấp nước sạch nông thôn) không ổn định về nguồn nước, chất lượng.

Vận chuyển đường ống thực hiện dự án đưa nước sạch về H.Cẩm Mỹ của Công ty CP Cấp nước Gia Tân. Ảnh: B.MAI

Giải pháp căn cơ hiện nay là đấu nối, đưa nước sạch đô thị về nông thôn, vừa giảm áp lực đầu tư các công trình nhỏ lẻ, giảm chi phí quản lý và vận hành, vừa giảm khai thác nước ngầm.

* Tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch thấp

Nhiều năm qua, nước sạch sinh hoạt là vấn đề nan giải của H.Cẩm Mỹ. Không phải vì địa phương không có dự án, không có nguồn nước mà kêu gọi đầu tư nước sạch nông thôn không được.

Ông Huỳnh Tấn Thìn, Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, hiện 81% hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch nhưng chưa có nước sạch đô thị, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch nông thôn được đầu tư theo Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) trước đây chỉ khoảng 12%. Còn lại người dân dùng nước giếng khoan, giếng đào.

Thống kê của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 83 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 71 công trình còn hoạt động, 12 công trình ngưng hoạt động. Khoảng 82% dân số sử dụng nước sạch theo quy chuẩn nước sạch nông thôn, trong đó khoảng 13% dân số được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị, 10% từ hệ thống cấp nước tập trung nông thôn.

Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai do Sở Xây dựng thực hiện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 85% dân số sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt, trong đó 25% dân số nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 1,7 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách hơn 900 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.

Theo ông Thìn, các năm qua, huyện kêu gọi đầu tư nhiều công trình cấp nước tập trung nông thôn về các xã: Xuân Đường, Xuân Mỹ, Thừa Đức, Xuân Quế theo hình thức xã hội hóa nhưng không được. Do đó, huyện kiến nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra hiện trạng các công trình cấp nước nông thôn trên toàn huyện, cho chủ trương sửa chữa, nâng cấp công trình hiện hữu. Cùng với đó, tỉnh cho phép chuyển dự án cấp nước sạch cho 4 xã: Lâm San, Xuân Đông, Xuân Tây và Sông Ray đầu tư bằng vốn xã hội hóa sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân.

Tương tự, tại H.Trảng Bom, Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Ngọc Nam cho biết, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị đạt khoảng 28%. Nhiều khu vực hiện người dân thiếu cả nước cấp lẫn nước ngầm để khai thác. Tới đây, huyện phối hợp với Sở NN-PTNT đầu tư hệ thống cấp nước liên xã Thanh Bình - Cây Gáo, hỗ trợ HTX Miền Đông phối hợp đưa nước sạch đô thị về các xã dọc quốc lộ 1 (Hố Nai, Bắc Sơn, Quảng Tiến, Bình Minh). Cùng với đó, huyện đôn đốc HTX Cấp nước Trảng Bom triển khai dự án cấp nước về cho 5 xã: Đông Hòa, Trung Hòa, Tây Hòa, Hưng Thịnh và Sông Trầu.

“Các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn H.Trảng Bom đã hư hỏng, xuống cấp hoặc hết nước. Một số dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ. Do đó, H.Trảng Bom kiến nghị tỉnh đầu tư công trình cấp nước tại xã Sông Thao, bổ sung thêm thiết bị lọc nước tại công trình cấp nước nông thôn xã Đồi 61 vì công trình này mới đầu tư nhưng thiết bị lọc không đảm bảo” - ông Nam cho hay.

* Đưa nước sạch đô thị về tận xã

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, thống kê năm 2021, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của tỉnh đạt khoảng 13%, từ hệ thống cấp nước sạch nông thôn khoảng 10%, thấp hơn so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung 30%).

Do đó, Sở NN-PTNT đã rà soát và đề xuất trong 5 năm tới đầu tư thêm 44 công trình cấp nước nông thôn mới, mở rộng phạm vi và bổ sung thêm thiết bị xử lý nước tại các công trình cấp nước nông thôn hiện hữu, hỗ trợ thiết bị lọc nước cho các hộ gia đình ở khu vực khó khăn về nước sạch với tổng kinh phí gần 2,8 ngàn tỷ đồng.

Theo đại diện Sở Xây dựng, trước đây UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT phụ trách nội dung cấp nước sạch cho vùng nông thôn. Mới đây, tỉnh giao về cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT làm đề án cấp nước sạch cho toàn tỉnh. Quá trình thống kê, làm việc với các địa phương, Sở Xây dựng nhận thấy giải pháp căn cơ hiện nay để giúp người dân nông thôn có nước sạch sinh hoạt ổn định, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn là mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị. Có cơ chế ưu tiên, ưu đãi nguồn vốn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước sạch nông thôn. Như vậy mới có thể đạt mục tiêu 85% hộ dân dùng nước sạch như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đặt ra cho giai đoạn 2021-2025.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, hiện cấp nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị và nước cho sản xuất công nghiệp đã được tỉnh thống nhất đưa vào đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Các chính sách ưu tiên, ưu đãi về nguồn vốn với nhà đầu tư cấp nước sạch nông thôn vẫn được duy trì.

Trên cơ sở đề án của tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư và mời gọi nhà đầu tư. Ưu tiên phối hợp với các công ty cấp nước mở tuyến nhánh đưa nước sạch đô thị về các xã. UBND các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thi công đường ống, tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch tránh tình trạng doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xong dân vẫn dùng nước giếng.

Theo baodongnai.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày