Thứ 7, 20/04/2024, 01:25[GMT+7]

Bảo đảm an ninh nguồn nước tại Vĩnh Phúc

Thứ 6, 08/04/2022 | 19:32:46
266 lượt xem
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch tăng nhanh, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Việc đầu tư, triển khai các dự án tổng thể nhằm cải thiện chất lượng nước, chống ngập lụt, cải tạo hồ đầm, tạo điều kiện phát triển các đô thị xanh, chống ô nhiễm nguồn nước.

Đầm Vạc sẽ được nạo vét làm sạch trong thời gian tới. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Trước đây, vào mùa mưa lũ, thành phố Vĩnh Yên và một số khu vực trũng thuộc các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường thường xuyên bị ngập úng. Trận lụt lịch sử năm 2008 gây thiệt hại lên đến 43 triệu USD cho tỉnh Vĩnh Phúc, nặng nhất là thành phố Vĩnh Yên. Để phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, có khả năng giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến nước sinh hoạt, ngập lụt và ô nhiễm nguồn nước.

Bảo đảm đủ nguồn cung cấp nước sạch đến năm 2030

Mặc dù diện tích không lớn nhưng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tới 16 công ty cấp nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân. Tổng công suất cấp nước tại các đô thị đạt 134,5 nghìn m3/ngày đêm, công suất khai thác đạt 61,8m3/ngày đêm. Các đơn vị cấp nước không ngừng đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ, xây dựng và khai thác các nhà máy nước và trạm cấp nước. Để cải thiện chất lượng nước, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch, các doanh nghiệp cấp nước tăng cường cải tạo đường ống cũ, mở rộng mạng lưới ống truyền dẫn, phân phối nước đến các khu vực chưa được cấp nước.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc cho biết, Công ty quản lý hệ thống cấp nước gồm 5 nhà máy, công suất thiết kế là 77 nghìn m3/ngày đêm, công suất khai thác hơn 48 nghìn m3/ngày đêm tại thành phố Vĩnh Yên, các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường và Sông Lô.

Thời gian qua, Công ty thường xuyên rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước, trên cơ sở đó đề xuất mở rộng nguồn, vùng phục vụ. Công ty cũng chuẩn bị các giải pháp đối phó với các sự cố bất thường và các nguy cơ có thể xảy trong toàn bộ quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước.

Đáp ứng nhu cầu về nước sạch, nhiều dự án khai thác nước được xây dựng trên địa bàn tỉnh. Riêng đô thị Vĩnh Yên có đến 47 công trình khai thác nước tập trung và 52 công trình khai thác nước đơn lẻ. Hai nhà máy nước trên địa bàn là Nhà máy nước Ngô Quyền và nhà máy nước Hợp Thịnh được khai thác tại 21 giếng khoan nước ngầm với lưu lượng khai thác hơn 11 nghìn m3/ngày. Bên cạnh đó còn có 10 trạm cấp nước do các đơn vị khác vận hành, quản lý.

Theo kết quả nghiên cứu của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền bắc, nguồn nước ngầm tại đô thị Vĩnh Yên đang có nguy cơ ô nhiễm do xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề và khu chăn nuôi. Do đó cần có giải pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tại thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên để chống cạn kiệt và ô nhiễm.

Giải pháp lâu dài và bền vững

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai hai dự án rất lớn liên quan bảo đảm an ninh nguồn nước từ vốn vay nước ngoài. Trong đó, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), được triển khai từ năm 2016. Khi hoàn thành, dự án này sẽ ngăn ngừa tình trạng ngập lụt trên địa bàn 7 huyện, thành phố (trừ các huyện Lập Thạch và Sông Lô), quản lý tốt chất lượng nguồn nước mặt, thiết lập hệ thống cảnh báo lũ sớm, lắp đặt hệ thống quan trắc nguồn nước và chất lượng nước cho toàn vùng.

Dự án thứ hai là “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc” có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mục tiêu của dự án là nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc, hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II; hệ thống đấu nối nước thải cấp 3, quỹ quay vòng nước thải và vệ sinh hộ gia đình. Dự án được triển khai từ năm 2019 đến nay.

Theo ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, hai dự án trên sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt của tỉnh, bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trong nhiều năm tới. Tỉnh đang xây dựng các trạm bơm với công suất lớn để tiêu thoát nước, chống ngập lụt; nối sông Phan với sông Cà Lồ; xây dựng nhiều điểm xử lý nước thải tại những điểm dân cư đông đúc; đồng thời bảo đảm cảnh báo lũ sớm, lắp đặt các trạm đo mưa, điều khiển đóng mở cống thoát nước tự động ...

Các dự án trên giúp xử lý triệt để nước thải đô thị chảy vào đầm Vạc và sông Phan, góp phần xây dựng thành phố xanh Vĩnh Yên. Toàn bộ nước thải của thành phố Vĩnh Yên hiện nay đã được thu gom, xử lý tại các trạm xử lý nước thải và nhà máy xử lý nước thải. Thời gian tới, 60ha đầm Vạc sẽ được nạo vét để cải thiện môi trường nước. Phần còn lại của đầm Vạc sẽ được nạo vét trong một dự án khác. Như vậy, toàn bộ đầm Vạc sẽ được xử lý nước. Bên cạnh đó, một tuyến đường ven hồ tạo hành lang xanh có chu vi 3km quanh đầm Vạc sẽ được xây dựng.

Cũng trong khuôn khổ các dự án này, hồ Sáu Vó rộng hơn 200ha sẽ được xây dựng thành hồ điều hòa với tổng diện tích mặt nước lên đến 1.000ha. Dự kiến quanh hồ Sáu Vó sẽ hình thành các khu đô thị lớn. Để triển khai hai dự án trên, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài và các địa phương phải giải phóng mặt bằng 650ha. Đến nay cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt. Với tiến độ như hiện nay, các công trình thuộc hai dự án chủ đạo sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2024.

Thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt khoảng 71,4%; riêng hai thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên đạt hơn 90%. Mức cấp nước bình quân toàn tỉnh đạt 115 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 15%. Nhờ có sự đầu tư bài bản, Vĩnh Phúc sẽ bảo đảm an ninh nguồn nước trong 10 năm tới, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của lũ lụt. Việc bảo đảm nguồn nước của Vĩnh Phúc còn tác động rất tích cực đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào tỉnh.

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày