Thứ 7, 27/07/2024, 23:17[GMT+7]

Chào mừng Đại hội thi đua “Tỏa sáng Trường Sơn” tỉnh Thái Bình lần thứ nhất Sáng mãi phẩm chất bộ đội Trường Sơn

Thứ 5, 05/05/2022 | 08:35:49
16,635 lượt xem
Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: Xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Ra đời tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường được khai sinh đúng ngày sinh của Bác Hồ kính yêu nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.

Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình tiếp nhận 100 chăn ấm tình thương.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt của địch, ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường gùi được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam đã tạo nên sự phát triển nhanh chóng của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và hệ thống đường Hồ Chí Minh, Đoàn 559 lớn mạnh không ngừng. Năm 1961, bộ đội Trường Sơn được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cấp sư đoàn; đến năm 1967 từ quy mô cấp sư đoàn lên quy mô cấp quân khu với những nhiệm vụ chiến lược to lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp trên một địa bàn rộng lớn gồm 11 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh của Campuchia.

Những năm 1974 - 1975, lực lượng có tới 8 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc gồm: 4 sư đoàn công binh, 2 sư đoàn ô tô vận tải, 1 sư đoàn pháo phòng không, 1 sư đoàn bộ binh và các lực lượng cấp sư đoàn, lữ đoàn: giao liên, thông tin, đường ống xăng dầu cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân vận, chuyên gia... tham gia thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

16 năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bộ đội Trường Sơn làm đường vận tải ô tô trên Trường Sơn với 5 trục dọc, 21 trục ngang dài hơn 17.000km. Sử dụng trên 2.000 xe ô tô của 2 sư đoàn 471 và 571 chở 10 lượt sư đoàn sử dụng đoàn tuấn mã 7.340 xe đã cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn chủ lực, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật và chở bổ sung 40 vạn quân hành quân bằng ô tô vào các chiến trường. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã cấp phát 4.100 tấn xăng, dầu cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Sư đoàn Pháo phòng không 377 và các đơn vị súng máy bắn rơi 2.455 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Sư đoàn bộ binh và các tiểu đoàn trực thuộc đã chiến đấu mở rộng hành lang vận tải, tiêu diệt và bắt sống hơn 17.000 tên địch. Lực lượng giao liên bộ, cơ giới và giao liên đặc biệt đã mở hơn 3.000km đường, đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội và đồng bào vào ra tuyến. Lực lượng thông tin đã làm và vận hành hơn 1.350km đường dây tải ba và hàng vạn ki-lô-mét đường dây bọc nhựa cùng lực lượng vô tuyến đã phục vụ kịp thời, giữ bí mật tuyệt đối cho chỉ huy từ trung ương tới các đơn vị, địa phương. Lực lượng đặc biệt đường ống xăng dầu “Dòng sông mang lửa” đã vượt qua sông sâu, núi cao, từ địa đầu miền Bắc vào tới Bù Gia Mập - Bình Phước cung cấp xăng dầu cho xe vận tải, xe pháo binh, xe tăng lập công. Các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, cán bộ dân chính Đảng, quân y, hậu cần, kho vận, chuyên gia, cố vấn, báo chí, văn hóa nghệ thuật cùng các lực lượng binh chủng và đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã đoàn kết một lòng “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Nam - Bắc thống nhất một nhà.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, các lực lượng ở Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hàng nghìn Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng; 82 đơn vị, 47 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 46 di tích lịch sử cách mạng ở Trường Sơn được cấp bằng di tích quốc gia đặc biệt.

Tỉnh Thái Bình có hơn 2 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ ở chiến trường Trường Sơn. Không đơn vị nào không có người Thái Bình và họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 1.384 đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, 5.330 là thương binh, 4.289 đồng chí bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin, 6 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân gồm: Vũ Tiến Đề, Phạm Văn Sức, Hà Văn Tơ, Nguyễn Văn Tân, Trương Công Đởn, Nguyễn Thị Hồng Mùi. Những người con Thái Bình làm nhiệm vụ ở chiến trường Trường Sơn tự hào đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Về với đời thường, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã đoàn kết xây dựng tổ chức hội vững mạnh, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. 15.689 hội viên luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

Các cán bộ, hội viên dù tuổi đã cao nhưng luôn là tấm gương sáng, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương; tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, quê hương và truyền thống Trường Sơn cho học sinh, sinh viên. Nhiều hội viên là cộng tác viên tích cực của Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình như: Nguyễn Thanh, Vũ Hồng Thái, Nguyễn Khúc, Thanh Loan, Chu Công Dâu. Hội hội đã có 3 tập thơ văn “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa”, có hàng trăm tác phẩm có giá trị được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản; đã hiến hàng trăm kỷ vật cho Bảo tàng Thái Bình và phối hợp triển lãm hiện vật nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.

Các hoạt động nghĩa tình được Hội chú trọng. Các hội viên cũng tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế. Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình đã huy động sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng 54 nhà tình nghĩa cho đồng đội. Nhiều hội viên tích cực phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, điển hình như: Đào Trọng Tài, Hoàng Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Hữu Bản, Phạm Thị Mỵ. Trần Thị Chung, Lương Ngọc Văn, Trần Thanh Phúc, Tạ Thị Hạnh, Nguyễn Văn Hải.

Tổ chức hội cũng tích cực giúp đỡ đồng đội ở tỉnh bạn khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đã kịp thời đến các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tặng sách vở, mì tôm và 2.000 áo ấm. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội tích cực vận động hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và vận động hội viên ủng hộ 380 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Toàn hội đã có hàng nghìn hội viên là cán bộ thôn, tổ dân phố, hàng trăm đồng chí là cán bộ các đoàn thể của xã, phường, thị trấn. Hội viên toàn tỉnh đã ủng hộ hơn 40.000m2 đất để làm đường và ủng hộ trên 1,7 tỷ đồng và hàng vạn ngày công xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình đã nỗ lực vượt khó vươn lên, hoạt động hiệu quả được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Nhờ những đóng góp tích cực trong các hoạt động, phong trào, Hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Trung ương Hội tặng 15 bằng khen, UBND tỉnh tặng 3 bằng khen; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen; được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng 5 bằng khen.

Vũ Hồng Thái
(Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình)


Cựu chiến binh Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình
Trong kháng chiến, các nữ chiến sĩ đã không quản ngại hy sinh tham gia mở đường chiến lược xuyên qua núi rừng Trường Sơn hiểm trở, dưới mưa bom bão đạn của địch cùng với các lực lượng khác làm nên những con đường chiến lược nối liền “mạch máu” giao thông, bảo đảm cho công tác vận chuyển người, vũ khí, trang thiết bị của hậu phương vào bổ sung cho chiến trường. Trở về với đời thường, nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Thái Bình nhiệt tình hưởng ứng phong trào thi đua “Tỏa sáng Trường Sơn”, nêu cao phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia phát triển kinh tế, giúp đỡ những hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hoạt động tình nghĩa như tặng sổ bảo hiểm trị giá 80 triệu đồng cho hội viên không nơi nương tựa, hỗ trợ lợn giống sinh kế cho hội viên nghèo, chăm sóc giúp đỡ hội viên ốm đau, hỗ trợ sửa chữa và làm mới được 49 căn nhà tình nghĩa, lập 26 sổ tiết kiệm tặng hội viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng chăn ấm cho 92 hội viên, nuôi dưỡng 26 hội viên nghèo mỗi tháng 500.000 đồng... Đây là những việc làm mang nghĩa cử cao đẹp, thấm đượm nghĩa tình đồng đội mà hội viên Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình dành cho nhau.

Cựu chiến binh Phạm Tiến Thập, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư hiện có 1.008 hội viên sinh hoạt tại 28 xã, thị trấn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Tỏa sáng Trường Sơn”, tổ chức hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương; vận động hơn 300 triệu đồng ủng hộ quỹ vì người nghèo, các cuộc vận động do ủy ban MTTQ các cấp phát động; hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà tình nghĩa với tổng trị giá 200 triệu đồng; tặng chăn ấm tình thương cho 22 hội viên với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng. Nhiều hội viên đã tích cực vận động người thân trong gia đình ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hiến hàng nghìn mét đất để tạo mặt bằng xây dựng các công trình nông thôn mới. Tôi mong rằng, Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình trong những năm tới sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, quan tâm hơn nữa tới hội cơ sở để phong trào thi đua “Tỏa sáng Trường Sơn” tiếp tục lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo không khí thi đua sôi nổi trong hội viên, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cựu chiến binh Hoàng Thị Bình, khu 9, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy
Nhiều năm qua, gia đình tôi thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã, phải ở trong căn nhà đã xuống cấp. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh và huyện, tôi được các đồng đội ủng hộ, giúp đỡ 120 triệu đồng để xây dựng căn nhà rộng 80m2, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Thái Thụy hỗ trợ 2 vạn gạch, ủng hộ 5 triệu đồng nên sau 2 tháng thi công, đến nay căn nhà của tôi đã hoàn thành. Từ ngày có nhà mới, cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều, tôi cảm ơn những người đồng chí, đồng đội từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã luôn quan tâm, giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn như tôi, giúp tôi và gia đình vươn lên trong cuộc sống.


Tiến Đạt