Thứ 5, 09/05/2024, 03:33[GMT+7]

Giá trị trường tồn của bài văn bia đình Cư Nhân

Thứ 2, 09/05/2022 | 08:44:45
3,702 lượt xem
Trong kho tàng di sản Hán Nôm của Việt Nam, văn bia có vị trí đặc biệt quan trọng. Hệ thống văn bia của tỉnh Thái Bình có rất nhiều bài văn bia có giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, trong đó có khá nhiều bài ngợi ca cảnh vật, truyền thống của một làng mang giá trị giáo dục tình yêu quê hương. Bài văn bia được khắc dựng vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1737) tại đình Cư Nhân, xã Đông Địa Linh, nay thuộc thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) là một di sản có giá trị độc đáo.

Ảnh: Quang Viện

Đây là một bài văn bia có giá trị về nhiều mặt. Ngoài nội dung chính là việc ghi lại quá trình làm đình của làng theo như thông lệ của nhiều văn bia khác ở các đình làng thì giá trị trường tồn của bài văn bia đình Cư Nhân là những lời giáo huấn mang đậm chất nhân văn, khuyên nhủ người làng những lề lối đối nhân xử thế theo đúng thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. 

Toàn văn bài văn bia này đã được lược dịch như sau: “Xã Đông Địa Linh xưa kia là thôn La Ngạn thuộc xã Địa Linh. Tôi vâng mệnh các bậc hoàng kỳ, kỳ lão, lão nhiêu trong làng mà nói rằng: “Ngôi công đình cũ của ta trên một gò đất cao, có cây cối quanh năm xanh tốt, xung quanh có dòng nước chảy. Từ ấy trở về trước nhiều năm, nền văn hóa phát đạt, nhân tài đến tụ tập. 

Người theo học nhiều nhưng hiểu biết về truyền thống còn ít. Để thuận tiện cho việc học hành thi cử, nâng cao sự hiểu biết và cải thiện việc sinh hoạt văn hóa cho dân, cần phải chia xã ra làm hai đơn vị hành chính riêng. Làng ta ở về phía Đông xã Địa Linh bèn lấy chữ Đông đặt ở trên chữ Địa Linh đặt tên cho làng ta là xã Đông Địa Linh”. Sau khi lập xã, để phục vụ cho việc học tập, tụ họp, hội hè sinh hoạt, trước hết ta xây dựng một ngôi đình trên đường thông từ trước cửa Thánh miếu (miếu thờ thành hoàng làng này là Phạm Bôi, khai quốc công thần triều Lê). Ngôi đình xây dựng tiết kiệm nhưng uy nghi chắc chắn, phù hợp với tình hình và khả năng về mọi mặt, cấu trúc sơ sài, các bậc lên xuống, nền đình, tường vách đều bằng đất, lần thứ nhất vẫn chưa kín đáo, lần thứ hai mới được gọn gàng. Thế mà dân làng ta rất phấn khởi, hàng năm học hành, hội hè, ca hát được tập trung hết ở đấy.

Thời kỳ đất nước được thái bình đã lâu mà ngôi đình làng ta ngay bên cạnh đường vẫn bằng gỗ tạp và tre, tường vách đất, lợp cỏ trông rất đơn bạc, khó coi. Người người trong làng ai cũng rất băn khoăn trăn trở. Đến năm Nhâm Thìn triều vua Vĩnh Thịnh (1712), các bậc quan viên chức sắc trong làng cùng đồng mưu bàn bạc về việc sửa đình và đã thống nhất rằng: “Không quản ngại gian lao vất vả. Không làm trái những điều đã quy ước. Không để lãng phí những vật nhỏ. Không để mất mát hao phí những gì dân đã đóng góp. Nói năng đúng lúc, không ngang trái. Làm việc đúng thì không dây dưa chậm trễ”. Bàn bạc với dân gom góp được số tiền nhỏ, sang thôn An Ấp, huyện Quỳnh Côi mua được một cái nhà ở của tư gia, ba gian hai chái làm bằng gỗ thiết (lim) trên rừng, có chạm trổ chim muông, trúc mộc, hoa lá bay bướm nhiều vẻ đẹp, với thời giá là một nghìn một trăm quan tiền. Nhà được dỡ xuống lấy dây bó thành từng bó chuyển xuống thuyền. Thuyền chuyển đi từ phía Tây thuận dòng nước xuôi thẳng xuống phương nam về đến tận đầu làng. Ngôi nhà được chuyển về làng. Nam phụ lão ấu trong làng ra xem tấp nập đông vui. Người soi đèn đuốc, người múc nước rửa, người lấy vỏ cây lau chùi. Khách vãng lai đến xem rất đông. Người qua lại không ai là không ca ngợi công việc làm này của làng ta là chính nghĩa, mở mang tiến bộ cho con người và cảnh vật…

Đến năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu (1736), cụ Ngụy Năng Xưởng, Tri huyện Từ Liêm đã về nghỉ hưu cùng các quan viên trong xã… cùng nhau bàn bạc việc sửa đình và nhất trí rằng: “Xây dựng đình đẹp đẽ và rộng rãi nhưng khuôn khổ đẹp đẽ và hoành tráng phải tùy thuộc vào khả năng vốn liếng. Muốn đẹp ở chỗ này, phải có cái rộng ở chỗ kia. Phải động viên khen ngợi mọi người cố gắng góp tài, góp sức. Chúng ta quyết chí đem công sức ra tính toán quy hoạch, kỹ thuật cấu trúc một ngôi nhà lớn; mở rộng bề mặt của khu vực công trình, có vườn hoa cây cảnh và có dòng nước chảy nhằm tăng thêm vẻ đẹp để lại cho các thế hệ đời sau, đó là việc làm rất hay, rất tốt”. Lại theo như lệ cũ, mở cuộc lạc quyên được số tiền là hai trăm quan. Tìm xuống xã Quang Lang, huyện Thụy Anh (nay thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) mua một cái nhà ở, lấy dây bó thành bè kéo về làng, rồi lấy xe công chở về vào tháng Giêng và bắt tay vào xây dựng ngay. Các cửa được ghép tốt để gió không lùa vào được. Công trình được bố trí ngang dọc, trên dưới, trong ngoài rất đường bệ, hài hòa hợp lý… Các chỗ thờ, chỗ trang trí, chỗ tế tự, chỗ ngồi cho các ngôi thứ, lứa tuổi, chỗ ca múa hát đều rõ ràng. Đã làm xong, kín đáo rồi thì cung tên bắn cũng không lọt vào được. Tiếp đó đã chuyển đất vườn xung quanh để mở rộng phạm vi, làm cho đình làng ta có quy mô hoành tráng, cảnh quan đẹp. Nhân đó đặt tên là đình Cư Nhân.

Đình đặt tên là Cư Nhân có ý nghĩa rất sâu xa. Nghĩa là muốn chỉ cho đời sau coi cái tên đó mà nhớ tới nghĩa của tên đình vậy. Nghĩa chữ nhân là ôn hòa, từ ái để con cháu ta thấy rõ luôn luôn nhớ nhìn vào bức hoành đồ đó mà tu dưỡng cái đức để làm những việc sau đây:

Phàm bất cứ lúc nào trong chốn hương lý, tức là trong xóm làng ta có việc đang cần cứu giúp, ta phải vận động tổ chức ngay việc cứu giúp lẫn nhau. Có việc rất cấp đang cần tương trợ tương bảo, ta phải tổ chức ngay việc tương trợ tương bảo lẫn nhau. Không được cậy có sức mạnh mà bắt nạt, đè nén người yếu. Không được cậy giàu có mà thôn tính của người nghèo. Không nên cờ bạc, lừa gạt, ăn uống rượu chè bê tha, ô danh bại sản. Không nên kèn cựa tranh hơi tức khí kiện tụng lẫn nhau, gây thù gây oán. Làm cha phải hiền từ, làm con phải hiếu thảo. Làm anh phải nhường nhịn hòa nhã, làm em phải kính trọng lễ phép. Làm chồng phải ăn ở cư xử có đạo nghĩa, làm vợ phải nghe theo những điều hay lẽ phải. Người nhỏ tuổi phải kính trọng người lớn tuổi, người lớn tuổi phải yêu mến hiền từ, khoan dung độ lượng với người nhỏ tuổi. 

Không được cậy giàu có, hiểu rộng, học cao mà kiêu căng, tự phụ khinh người. Càng giàu có, học rộng tài cao càng phải khiêm tốn và giữ lễ. Không vì nghèo túng khó khăn vất vả mà nịnh hót luồn cúi; dù khó khăn, thiếu thốn cũng phải giữ cho trong sáng, cố gắng vươn lên và tự vui vẻ. Thấy người làm điều thiện phải kính trọng, chớ thấy vậy mà ghen tị, kèn cựa chẳng khác nào cầm viên ngọc mà quẳng vào bùn. Thấy người làm điều bất thiện thì phải can ngăn, chớ kích động làm cho hành động xấu tăng lên, chẳng khác nào mang dầu mà đổ vào lửa. Làm như vậy là có lý, có nhân, dần dần sẽ trở thành thói quen, thành thuần phong mỹ tục của làng ta vậy. Suy cho cùng, thờ vua, thờ các bậc huynh trưởng, xử sự với quảng đại quần chúng, nói rõ hơn là đối nhân xử thế ở đời cũng không ngoài những điều đã nói ở trên.

Con cháu ta ơi! Cần phải thấy rõ đây là bức hoành đồ cần phải xem và noi theo. Đáng lo ngại là thế hệ đời sau không chịu xem, không chịu nghe, không chịu nhìn vào sự thực, tự ý làm theo một cách khác mà cứ cho là hơn vậy”.

Có lẽ, văn bia đình Cư Nhân là một bài văn bia có giá trị trường tồn vào bậc nhất trong kho tàng di sản Hán Nôm của Việt Nam. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống sâu sắc mà dễ hiểu, hoàn toàn không mang tính giáo điều như những bài văn bia cổ thường hay nhắc tới những khuôn mẫu đạo đức của Nho giáo. Cho đến nay và cả mai sau nữa, việc vận dụng những lời khuyên nhủ về đạo làm người của bài văn bia này vẫn còn nguyên giá trị, cần phải vận dụng, noi theo.

Nguyễn Thanh