Thứ 6, 27/12/2024, 11:07[GMT+7]

Đội Tàng thư căn cước công dân Thực hiện lời dạy của Bác “Đối với công việc, phải tận tụy”

Thứ 6, 19/04/2013 | 15:03:59
8,118 lượt xem
Công tác hồ sơ nghiệp vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác công an, vừa phục vụ yêu cầu nghiệp vụ vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Đại úy Giang Thị Hà kiểm tra căn cước công dân qua tàng thư điện tử.

Đặc thù công việc đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải thật sự cần mẫn, tỉ mỉ, thận trọng, bảo đảm độ chính xác cao trong từng khâu, từng việc; hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra. Chính vì vậy, người cán bộ làm công tác hồ sơ phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời Bác Hồ dạy: "Đối với công việc, phải tận tụy".

Đại úy Giang Thị Hà, Đội truởng Đội Tàng thư căn cước công dân, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh chia sẻ: những năm trước đây, công tác tàng thư căn cước công dân chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ phân loại vân tay, chia tờ khai chỉ bản, bổ sung vào tàng thư, tra cứu trả lời yêu cầu cấp chứng minh thư nhân dân và các yêu cầu nghiệp vụ...

Do vậy, với chức trách, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ trong Đội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; triệt để chấp hành các quy trình, chế độ công tác theo quy định của Bộ Công an và của đơn vị. Công việc của cán bộ làm công tác tàng thư căn cước công dân tuy không phải đêm hôm, nắng gió tại địa bàn, cơ sở như các lực lượng chiến đấu khác song khối lượng hồ sơ tra cứu lớn, năm sau tăng hơn năm trước (từ 7% đến 10%).

Trung bình mỗi năm, Đội tra cứu từ 120 đến 135 nghìn yêu cầu các loại. Hàng ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tra cứu từ 150 đến 200 hồ sơ chứng minh thư nhân dân (vượt chỉ tiêu của Bộ giao là 70 hồ sơ mỗi ngày). Đó là chưa kể đến các công việc khác như: tiếp nhận hồ sơ từ Phòng PC 64; chia, bổ sung, sắp xếp vào tàng thư để kịp thời phục vụ công tác tra cứu. Công việc nhiều nhưng lực lượng của Đội thường xuyên chỉ có khoảng trên dưới 10 đồng chí; trong đó 80% là cán bộ nữ đang trong độ tuổi sinh con, nuôi con nhỏ. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh về cải cách hành chính trong các lĩnh vực công tác công an, yêu cầu thời gian tra cứu chứng minh nhân dân rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, vấn đề đặt ra với Đội là phải phân công, phân nhiệm khoa học, hợp lý; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, tâm huyết với công việc của mỗi cá nhân.

Để đạt hiệu quả công việc, Đội đã đề xuất và được lãnh đạo Phòng đồng ý cho khoán chỉ tiêu công tác đối với từng cán bộ, đồng chí nào vượt chỉ tiêu có hình thức động viên, khuyến khích như: cộng điểm thi đua hàng tuần, biểu dương trước chi bộ, đơn vị, đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời. Do vậy đã tạo không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương và quyết tâm cao của toàn Đội. Nhiều đồng chí công tác lâu năm, có bề dày kinh nghiệm, mặc dù gần đến ngày nghỉ hưu song vẫn gương mẫu vừa hoàn thành công việc vừa kèm cặp những đồng nghiệp trẻ. Nhiều đồng chí có con nhỏ hoặc đang theo học tập trung nhưng khi được trưng dụng vẫn bố trí, sắp xếp công việc cá nhân để tranh thủ làm ngoài giờ, hoàn tất công việc của mình. “Hết việc chứ không hết giờ” luôn là khẩu hiệu hành động, là mục tiêu phấn đấu của toàn Đội.

Lời Bác dạy "Đối với công việc, phải tận tụy" đã được Đội Tàng thư căn cước công dân thể hiện bằng chất lượng, hiệu quả công việc; trước hết là tinh thần sáng tạo, mạnh dạn tham mưu, đề xuất những biện pháp, cách làm mới để đạt hiệu quả cao nhất. Để nâng cao chất lượng, làm cho tàng thư hồ sơ lưu trữ bảo đảm "sạch, gọn, đầy đủ, khoa học" phục vụ yêu cầu nghiệp vụ trước mắt cũng như lâu dài, Đội đã tham mưu cho lãnh đạo Phòng ra nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nghiêm túc các quy trình công tác, từng bước đưa việc chấp hành chế độ công tác hồ sơ đi vào thường xuyên, nền nếp. Lãnh đạo Phòng đã tham mưu Công an tỉnh thành lập Đoàn công tác gồm các đơn vị: PV27, PV24, PC64 tiến hành kiểm tra, xác minh các trường hợp nghi tráo người trong cấp phát chứng minh thư nhân dân. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót; xiết chặt việc thực hiện các quy trình, chế độ công tác.

Tháng 12/2012, Đội Tàng thư căn cước công dân, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh là một trong 3 đơn vị được Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Bộ Công an chọn thí điểm việc điện tử hóa tàng thư căn cước công dân, làm cơ sở để triển khai, nhân rộng trong toàn quốc. Đây là một chuyên đề nghiệp vụ lớn, đặt ra yêu cầu rất cao về tiến độ, số lượng và chất lượng công việc. Trong 3 tháng triển khai, Đội đã huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ đồng thời đề xuất trưng dụng 10 đồng chí công tác ở các đơn vị khác để tập trung thực hiện. Trên cơ sở đề xuất của Đội, cấp ủy, lãnh đạo Phòng Hồ sơ đã phát động cán bộ, chiến sĩ làm thêm ngoài giờ; chia thành 2 ca làm việc đến 22 giờ. Chỉ sau thời gian ngắn, Đội đã quét và nhập hơn 2 triệu hồ sơ chứng minh thư nhân dân vào cơ sở dữ liệu điện tử lưu trong máy vi tính.

Theo Đại tá Đinh Như Tự, Trưởng phòng Hồ sơ Công an tỉnh: thời gian qua, cán bộ chiến sĩ Đội Tàng thư căn cước công dân đã thực hiện nghiêm túc phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy", luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực, từ đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Nguyễn Tùng

  • Từ khóa