Thứ 6, 09/08/2024, 22:26[GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (KỲ 2: RA KHƠI)

Thứ 3, 22/03/2016 | 09:36:02
1,101 lượt xem
Quân cảng Cam Ranh chiều ngày đầu năm 2016 nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Bốn con tàu mang số hiệu 561, 571, 936, 996 tham gia chuyến công tác đã sẵn sàng trên cầu cảng và cùng hướng ra biển lớn. Ðúng 17 giờ, bốn con tàu lần lượt kéo những hồi còi dài chào cảng để mang hơi ấm, tình yêu của đất liền đến với Trường Sa.

Hành trình đến với Trường Sa.

 

Cảng Cam Ranh chiều ấy...

 

Nếu được hỏi về những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, khoảnh khắc đầu tiên mà tôi nhớ đến chính là giây phút chia tay trên bến cảng. Tình cảm chân thành giữa người ở, người đi khiến những người chứng kiến như tôi không khỏi chùng lòng xúc động. Dù là vợ tiễn chồng, con tiễn cha, người yêu tiễn người yêu hay đồng đội tiễn nhau..., tất cả đều quyến luyến không nỡ rời xa. Nếu như người đi giấu mọi tâm tư trong lòng, vẫy tay chào tạm biệt người thân với quyết tâm cao sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ thì người ở lại giấu đi những giọt nước mắt, cố nở nụ cười động viên người thân, bạn bè yên tâm công tác. Mặc dù đều cố dặn lòng rằng không được khóc nhưng khi tàu nổi còi sắp sửa rời bến, cảm xúc vỡ òa đã đẩy những giọt nước mắt tuôn rơi. Giữa bao cảnh tiễn đưa ấy, tôi bắt gặp hình ảnh chị Lê Thị Việt bật khóc nức nở khi chia tay chồng là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân ra công tác tại đảo. Để động viên chồng yên tâm công tác, chị cố nở nụ cười song khóe mắt vẫn đỏ hoe.

 

 

Chia tay tại cầu cảng.

 

Con tàu nối đất liền với Trường Sa

 

Sau lễ chia tay, tàu 561 đưa Đoàn công tác cùng 32 phóng viên tiến thẳng ra biển lớn để đến với Trường Sa thân yêu. Ngày đầu tiên trên tàu, tranh thủ sóng còn êm, người còn tỉnh táo, tôi cùng một số phóng viên đi tham quan, tìm hiểu về con tàu mà trước đó vẫn được nghe giới thiệu là tàu quân y hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam hiện nay. Sau khi tham quan một vòng khắp con tàu, chúng tôi lên khu vực buồng lái (cabin) và may mắn gặp Thuyền trưởng, Đại úy Hoàng Đình Duyến, được anh giới thiệu cho biết một số nét tổng thể về con tàu. 561 do Viện Khoa học và Công nghệ tàu thủy thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiết kế, Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đóng. Được hạ thủy ngày 26/4/2012 và đi vào hoạt động đầu năm 2013, 561 là một trong những tàu “con cưng”, hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tàu có tải trọng 2.070 tấn, chở được 200 người, thủy thủ đoàn cùng ê kíp y bác sĩ, có thể hoạt động liên tục 45 ngày trên biển, chịu được sóng từ cấp 8 đến cấp 10. Vận tốc hành trình lớn nhất của tàu đạt 16 hải lý/giờ. Tàu được trang bị hệ thống kết nối hoàn toàn tự động và hiện đại, hệ thống truyền hình, điện thoại kết nối vệ tinh. Là tàu bệnh viện, 561 được thiết kế, bố trí hợp lý với hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến bậc nhất gồm: phòng tiếp nhận bệnh nhân; phòng mổ vô trùng; phòng hồi sức cấp cứu; phòng hội chẩn; phòng điều trị răng, hàm, mặt; buồng chụp X-quang; buồng thiết bị giảm áp; 4 buồng điều trị bệnh nhân với 20 giường cùng kho thuốc. Trang thiết bị y tế có: máy chụp X-quang cao tần; các máy siêu âm màu đa năng; điện tim; nội soi; xét nghiệm máu 18 thông số; xét nghiệm nước tiểu; các thiết bị giảm áp, gây mê, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật... Riêng phòng mổ và phòng hội chẩn trang bị hệ thống truyền hình trực tiếp với Quân y viện 175 qua hệ thống vệ tinh Vinasat. Nhờ vậy, khi gặp các ca phẫu thuật phức tạp trong lúc đang hoạt động trên biển, đội ngũ y bác sĩ tàu 561 có thể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ đất liền để xử lý kịp thời, an toàn. Có khẳng định, với sứ mệnh cao cả cùng đặc tính lưu động, hiện đại, tàu 561 chính là một trong những động lực giúp ngư dân bám biển giữ ngư trường, giúp cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm công tác, chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

 

 

 

Khi thấy chị em chia sẻ về nỗi lo mang tên “say sóng”, Chính trị viên tàu, Thượng úy Dương Văn Đắc vui vẻ trấn an: Tàu chúng ta có trang bị thêm hệ thống vây giảm lắc, khi gặp sóng lớn tàu sẽ mở vây, độ rung lắc sẽ giảm đi rất nhiều, chị em cũng đỡ say sóng hơn. Nghe vậy, cánh phóng viên nữ cũng an tâm phần nào. Nhưng “đôi vây” chỉ mở khi có sóng to, còn với chị em sóng cấp 3, cấp 4 (đối với những người quen đi biển thì sóng cỡ này có cũng như không, không khác gì đi trong ao, hồ hay vịnh) đã đủ khiến chị em nôn ra mật xanh, mật vàng. Ngày thứ hai, sóng bắt đầu mạnh hơn, tôi cũng bắt đầu “ngấm”. Say sóng thật khó diễn tả, say sóng Trường Sa mới thấy say tàu xe vẫn chưa thấm vào đâu. Theo lịch trình, điểm dừng đầu tiên của chuyến hải trình sẽ là đảo Đá Lát, sau đó là Trường Sa - Đá Tây - Trường Sa Đông - Đá Đông. Nhưng do thời tiết bắt đầu chuyển biến xấu, sau khi xin ý kiến của sở chỉ huy trong đất liền, Trưởng đoàn công tác đã quyết định thay đổi lịch trình, theo đó tàu sẽ cập cảng đảo Trường Sa trước. Nói về sự điều chỉnh bất ngờ này, Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác cho biết: Trong số tất cả các đảo mà chúng ta sẽ đi trong chuyến hải trình này thì chỉ có đảo Trường Sa là có cầu cảng; mặt khác, khối lượng hàng hóa chuyển lên đảo cũng là nhiều nhất. Nếu không tận dụng thời tiết thuận lợi hiện tại để khi thời tiết xấu đi, chúng ta không thể cập cảng. Mọi hàng hóa, con người lúc đó đều sẽ phải vận chuyển bằng xuồng chuyển tải, tốn rất nhiều công sức, độ an toàn cũng không cao.

 

Sau hai ngày lênh đênh trên biển, vượt qua đại dương mênh mông với muôn trùng sóng dữ, chúng tôi đã được đặt chân lên đảo tiền tiêu của Tổ quốc - đảo Trường Sa - vốn vẫn được mệnh danh là trái tim, thủ đô trên biển. Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc trào dâng khi lần đầu tiên bước chân lên đảo, được chạm vào “da thịt” Trường Sa...

 

(còn nữa)

Đào Quyên

  • Từ khóa