Thứ 5, 09/01/2025, 15:38[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 3)

Thứ 5, 04/05/2017 | 08:48:33
2,125 lượt xem
Trường Sa hôm nay vững mạnh toàn diện, trở thành lá chắn vững chắc bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc có sự đóng góp rất lớn của những thanh niên ưu tú sống có lý tưởng đẹp, hoài bão và tài năng. Tất cả đều chung một khát vọng xây dựng quần đảo Trường Sa vững về phòng thủ, mạnh về tấn công, quyết chiến quyết thắng.

Chiến sĩ Trường Sa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển, đảo vệ quê hương.

Bài 3: Sức trẻ ở Trường Sa

Ba con tàu mang số hiệu HQ561, HQ571 và HQ936 chở cán bộ, chiến sĩ rời quân cảng Cam Ranh tiến thẳng về phía quần đảo Trường Sa. Bất chấp những đợt sóng lừng làm chao đảo con tàu, anh em bộ đội đều háo hức được đặt chân lên các hòn đảo tiền tiêu nơi hải đảo xa xôi. 

Cánh lính trẻ chia nhau từng tốp ngồi quây tròn trên boong tàu cùng nhau hát ca với chiếc đàn ghi ta quen thuộc của người lính: “Dạt dào biển mênh mông/ Sóng vỗ nhịp thân tàu/ Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang, tràn ngập tình đất nước quê hương/ Nhìn bầu trời xanh tươi/ Tay súng ta không rời/ Lướt sóng ra khơi, rộn ràng khúc ca yêu đời…”. Lời bài hát như tiếp thêm sức mạnh giúp anh em quên đi nỗi mệt mỏi do say sóng. 

Chiến sĩ Trần Sỹ Chung quê xã Bình Nguyên (Kiến Xương) chia sẻ: Em thật hạnh phúc vì được ra đảo công tác, chỉ mong sao tàu sớm đến đảo Cô Lin để em được gặp đơn vị và nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Với em, Trường Sa là hình ảnh rất đỗi thiêng liêng từ khi em còn ngồi trên ghế nhà trường. Nay được ra công tác là niềm tự hào, mong ước của em bấy lâu nay.

Một buổi sinh nhật của chiến sĩ trẻ.

Cùng chung suy nghĩ như Chung, các cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ trên các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều mong muốn được cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh A cho biết: Hơn 90% bộ đội đảo Phan Vinh là đoàn viên, thanh niên. Những năm qua, anh em có nhận thức chính trị tốt, tư tưởng vững vàng và rất hăng say tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Chi đoàn thanh niên cùng với chi bộ, chỉ huy đơn vị triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Phan Vinh từ đảo cấp ba lên cấp một, trở thành địa bàn chiến lược vững mạnh. Nhiều anh em trẻ còn có những sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ được áp dụng vào trong công tác huấn luyện góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ, chiến thuật trong chiến đấu và giảm bớt vất vả cho bộ đội.

Ở các đảo, lực lượng thanh niên còn đi đầu trong hoạt động tăng gia sản xuất. Để cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, nhiều anh em đã tổ chức đánh bắt cá, nuôi lợn, gà, vịt và trồng rau xanh. Riêng việc trồng rau xanh trên đảo là công việc vô cùng khó khăn và tốn nhiều công sức. Anh em phải dùng tre, gỗ đóng thành hộp đựng đất trồng rau. Trong điều kiện nước ngọt khan hiếm, anh em sẵn sàng nhịn tắm để dành nước tưới cho rau, rau bị sâu phải dùng tay để bắt. Và để tránh những đợt gió, sóng biển tạt nước mặn vào vườn rau, anh em tận dụng tất cả những gì có thể để che chắn, thậm chí phải tập trung bê vườn rau chạy đến nơi khuất gió. 

Hạ sĩ Đỗ Đức Nghiêm quê xã An Bình (Kiến Xương), chiến sĩ đảo Đá Lớn B chia sẻ: Nhiều đêm, trời nổi giông, sóng biển đánh ầm ập vào đảo, anh em cuống cuồng lao ra bất chấp cái lạnh run người để di chuyển vườn rau, quyết tâm không để phong ba bão táp cướp đi nguồn rau xanh của bộ đội. 

Đại úy Vũ Đức Quỳnh, Đảo trưởng đảo Đá Lớn quê xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) cho biết: Do làm tốt công tác tăng gia nên hiện nay, bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo bảo đảm tối thiểu 1 bữa rau xanh/ngày góp phần nâng cao sức khỏe cho bộ đội.

Mỗi công dân sinh ra ở Trường Sa tiếp thêm sức mạnh cho những hòn đảo tiền tiêu phía Đông Nam Tổ quốc.

Nói tới bộ đội Trường Sa, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Anh em trẻ trên quần đảo Trường Sa luôn luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau như người trong một nhà. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ còn khéo tay trang trí, làm đẹp cảnh quan doanh trại đơn vị tạo niềm vui, hứng khởi, quên đi những vất vả trong huấn luyện và cảm thấy đảo gần với đất liền hơn.

Không chỉ có cán bộ, chiến sĩ trẻ, những năm qua, 21 hộ gia đình thanh niên xung phong ở các tỉnh, thành cũng tình nguyện ra các đảo sinh sống. Các anh, chị em đã khắc phục mọi khó khăn để trồng cây xanh, trồng rau, nuôi gà, vịt, lợn, đánh bắt cá không phải để làm giàu cho bản thân mà góp phần hỗ trợ bộ đội cải thiện đời sống. Đặc biệt, những công dân được sinh ra nơi trùng khơi, địa đầu Tổ quốc thực sự mang tới niềm hạnh phúc cho quân, dân trên quần đảo Trường Sa.

Con tàu nhổ neo đưa chúng tôi trở về đất liền, chia tay với đảo chìm, đảo nổi. Tất cả cánh phóng viên chúng tôi đều chung một cảm xúc tự hào về những người lính trẻ, những cặp vợ chồng tuổi đời mới đôi mươi vui vẻ rời chốn phồn hoa đô thị ra với đảo, những thanh niên tự nguyện ra đảo dạy chữ cho trẻ em Trường Sa. Hình ảnh những em nhỏ tung tăng dưới tán lá bàng vuông tới lớp, tiếng ê a đọc sách của các em nhỏ cứ ngân vang trong tâm trí của chúng tôi. 

Trường Sa là thế, rất trẻ như những chồi biếc mùa xuân để trường tồn đến mãi muôn đời.

(còn nữa)

Khắc Duẩn