Thứ 6, 22/11/2024, 22:10[GMT+7]

Đưa nghề về cho phụ nữ nông thôn

Thứ 6, 13/05/2022 | 08:23:46
2,837 lượt xem
Các nghề tiểu thủ công nghiệp được đưa về nông thôn bởi chính những người phụ nữ địa phương đang từng bước giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nữ lúc nông nhàn và phụ nữ trung tuổi, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình hội viên, phụ nữ.

Cơ sở mây tre đan của chị Đỗ Thị Thục, thôn Ái Quốc, xã Bình Định (Kiến Xương) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ.

Thời gian nông nhàn, bà Trần Thị Là, thôn Ái Quốc, xã Bình Định (Kiến Xương) đan các sản phẩm từ mây, tre cho cơ sở của chị Đỗ Thị Thục. Theo bà, làm nghề mây tre đan thoải mái thời gian, cứ lúc nào rảnh thì làm. “Chúng tôi tuổi đã cao thì nghề thủ công này là phù hợp với sức khỏe, thời gian mà tăng thêm thu nhập. Như tôi mỗi tháng cũng được gần 2 triệu đồng từ nghề đan” - bà Là chia sẻ.

Cùng với bà Là, cơ sở của chị Thục có gần 80 lao động, chủ yếu là phụ nữ xã Bình Định và các xã lân cận. Mặc dù mới đi vào hoạt động 3 năm nay nhưng cơ sở lúc nào cũng tấp nập sản xuất, vận chuyển hàng hóa. 

Chị Thục cho biết: Tôi muốn cho mình và phụ nữ địa phương không đủ điều kiện hoặc không thể làm việc tại các công ty có một nghề để thêm thu nhập nên đã học, truyền nghề, phân phối nguyên liệu cho mọi người cùng làm. Nhiều khi còn không đủ nguyên liệu để cung cấp theo nhu cầu làm việc.

Lựa chọn liên kết may túi không dệt xuất khẩu, chị Vũ Thị Hải Yến, thôn Tô Trang, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) có thu nhập khá cao, từng bước làm giàu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương. Chị cho biết: Thời gian đầu công việc không thuận lợi do nhiều chị em chưa thành thạo về kỹ thuật nên khi nhận vật liệu và mẫu từ công ty tôi chia ra thành nhiều công đoạn để hướng dẫn chị em may từng khâu như giáp thân, khâu miệng túi, giáp đáy, đóng quai rồi mới hoàn thiện một chiếc túi bảo đảm theo yêu cầu. Chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, những đơn hàng ngày càng nhiều, lợi nhuận thu về gần 200 triệu đồng/năm. Việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương và các xã lân cận với thu nhập từ 3 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Những cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn đang được mở ra ngày càng nhiều. Hàng năm, các cấp hội phụ nữ đều khảo sát nhu cầu phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để có phương án hỗ trợ. Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng, chủ yếu là các nghề như móc sợi, đan làn, ghế nhựa, mây, tre, làm hương, may gia công... 

Các cấp hội phụ nữ cũng đa dạng hóa hình thức dạy nghề tại cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ và tình hình phát triển kinh tế ở địa phương; đồng thời kết nối, hỗ trợ vay vốn để chị em có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tập trung giới thiệu lao động nữ có thời gian nhàn rỗi đến làm tại các cơ sở, vừa tạo việc làm cho chị em vừa hỗ trợ các cơ sở sản xuất về vấn đề thiếu hụt lao động. 

Theo chị Bùi Thị Thơm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Định (Kiến Xương): Các cơ sở sản xuất không chỉ làm giàu cho chính gia đình phụ nữ mà còn giải quyết bài toán lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập của người dân. Ngoài công việc đồng áng, người dân còn có việc làm ngay tại quê hương, điều này giúp họ chủ động hơn trong cuộc sống, có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội.

Tìm được nghề phù hợp và thu hút chị em cùng tham gia, nhiều phụ nữ trong tỉnh đã biến nghề phụ thành nghề chính, làm giàu cho gia đình trên mảnh đất quê hương đồng thời còn góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động ở các địa phương.


Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày