Chủ nhật, 08/12/2024, 22:19[GMT+7]

Đưa nghề về làng

Thứ 2, 30/05/2022 | 09:43:27
3,587 lượt xem
Với mong muốn giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ) đã liên kết đưa mô hình đan bèo tây (bèo bồng) xuất khẩu về địa phương. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, vừa giải quyết việc làm vừa mang lại thu nhập cho các chị em trong xã.

Nghề đan bèo tây xuất khẩu mang lại nguồn thu nhập ổn định và giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn cho phụ nữ xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ).

Quỳnh Xá là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, tìm một hướng đi mới cho người dân nói chung và chị em địa phương trong những lúc nông nhàn để giúp ổn định cuộc sống luôn là băn khoăn, trăn trở của các cấp hội, đoàn thể trong xã. Xuất phát từ nguồn nhân lực dồi dào của địa phương, sau thời gian khảo sát thực tế một số nghề thủ công trong tỉnh và tham khảo nguyện vọng của hội viên, nhu cầu thị trường, Hội LHPN xã quyết định triển khai mô hình đan bèo tây xuất khẩu tới toàn bộ chị em có nhu cầu tham gia. 

Chị Mai Thị Hiên, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Mô hình đan bèo tây xuất khẩu bắt đầu từ hộ gia đình ở thôn Xuân La cách đây vài năm, lúc đầu chỉ có vài người làm, sau thấy công việc đơn giản, thu nhập ổn định nên nhiều chị em tham gia. Trước nhu cầu thực tế của chị em, Hội LHPN xã đã quyết định thành lập mô hình đan bèo tây xuất khẩu tại Chi hội Phụ nữ thôn Xuân La với mong muốn nâng cao thu nhập cho chị em và nhân dân trong xã. Sau một thời gian ra mắt, mô hình được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của hội viên và nhân dân.

Là người trực tiếp mang mô hình đan bèo tây xuất khẩu về địa phương, bà Lương Thị Dinh, thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá tâm sự: Bản thân tôi cũng ngoài 60 tuổi, công việc nặng không làm được, ngoài mấy sào ruộng của gia đình thời gian rảnh rỗi không biết làm gì. Được bạn bè giới thiệu nhận hàng làm bèo tây xuất khẩu, tôi đã nhận thử về làm và thấy công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, được cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm lại không phải bỏ vốn, thu nhập ổn định tôi quyết định nhận làm. Sau hơn 1 tháng, nhiều chị em sang nhà chơi và thử làm nên tôi nhận thêm hàng về cho mọi người cùng tham gia. Khi được Hội LHPN xã chọn làm mô hình đan bèo tây xuất khẩu, số lượng người tham gia tăng từng ngày, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp ngày càng nhiều nên chị em rất yên tâm. 

Chị Nguyễn Thị Trường, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá, một trong những thành viên tham gia mô hình chia sẻ: Khi tham gia mô hình đan bèo tây của Hội LHPN xã, các thành viên được hướng dẫn về tay nghề và lấy hàng làm không phải đặt cọc nên rất phấn khởi, nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo chị em. Nhưng để có được một sản phẩm đẹp, đạt chất lượng, người đan cũng rất cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu và tỉ mỉ trong các khâu, từ kiểu đan hạt gạo, đan mắt na, đan xương cá đến đan rối và tùy vào nhu cầu của khách hàng. Với nghề đan bèo tây xuất khẩu, tuy thu nhập không cao nhưng đây lại là nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định. Một ngày người cứng tay nghề có thể thu nhập được từ 80.000 - 100.000 đồng.

Hiện tại, số chị em tham gia mô hình trên 30 người. Không chỉ phụ nữ lớn tuổi mà cả nam giới trong các hộ gia đình cũng tham gia. 

Ông Nguyễn Văn Xuyền, thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá tâm sự: Tôi nghỉ hưu được vài năm, về nhà thời gian rảnh rỗi nhiều, thấy chị em địa phương và Hội LHPN xã thành lập mô hình đan bèo tây xuất khẩu, tôi cũng đăng ký tham gia và nhận hàng làm tại gia đình. Đây là nghề phù hợp với người có tuổi, mang lại nguồn thu ổn định trong thời gian nông nhàn nên rất được bà con trong xã quan tâm. Ngoài việc thành lập mô hình đan bèo tây xuất khẩu tại thôn Xuân La, trên cơ sở nhu cầu của chị em và người dân trong xã, Hội LHPN xã đang có chủ trương mở rộng và thành lập các mô hình đan bèo tây xuất khẩu tới các chi hội phụ nữ trong xã để giải quyết việc làm cho người lao động.

Mô hình đan bèo tây xuất khẩu được Hội LHPN xã Quỳnh Xá thành lập và triển khai nhân rộng là hướng đi mới trong việc giải quyết việc làm cho các chị em và người dân trong xã, cũng là hình thức tăng thu nhập, xây dựng tính đoàn kết của các hội viên, qua đó cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày