Thứ 6, 26/04/2024, 11:25[GMT+7]

Khủng hoảng nước sạch đang cận kề?

Chủ nhật, 05/06/2022 | 17:12:01
2,480 lượt xem
Những năm trở lại đây, trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước sạch đang ngày càng bị khai thác và sử dụng một cách 'vô tội vạ' đến mức khó có thể phục hồi. Những hoạt động trên đã và đang phán 'án tử' không chỉ cho nguồn nước mà còn đe dọa sự an toàn của con người và hệ sinh thái.

Ảnh minh hoạ

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước sạch

Từ trước tới nay, nước sạch luôn giữ vai trò tối quan trọng trong đời sống sinh tồn và phát triển của con người. Nước sạch duy trì sự sống không chỉ của con người mà động, thực vật đều sẽ không tồn tại nếu thiếu nước. Không có nước sạch, kinh tế cũng không thể phát triển bởi mỗi ngành công nghiệp, mỗi loại hình sản xuất và mỗi công nghệ yêu cầu một lượng nước, loại nước khác nhau. Bởi vậy, nước sạch, đói nghèo và bệnh tật thường có mối liên quan tỷ lệ thuận với nhau.

Nước sạch giữ vai trò quan trọng là vậy nhưng con người chúng ta lại làm suy thoái, phá hủy nguồn nước sạch từng giờ, từng ngày. Đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự tham lam của con người đã dẫn đến sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch và sự suy giảm về chất lượng nguồn nước. Tất cả đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước đang ở cấp báo động đỏ, đặc biệt là khu vực châu Á – chiếc nôi của ngành công nghiệp nhà máy xí nghiệp thế kỷ 21. Việt Nam cũng không ngoại lệ, thực trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường nước nói riêng đang diễn ra ở khắp nước ta. Tại các thành phố lớn, một trong những vấn nạn tiêu biểu là tình trạng sông, hồ bị “bức tử”. Như tại Hà Nội, theo quá trình đô thị hóa, bốn dòng sông chính giữa lòng Thủ đô đang “chết” dần bởi tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Bằng chứng là, hệ thống sông hồ ở Thủ đô ngày một ô nhiễm, nước đen kịt, rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Sông, hồ bị “bức tử” tại Hà Nội.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng như hiện nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẳng định là do các nguồn nước thải trực tiếp ra sông, hồ chưa được xử lý triệt để. Từ đây dẫn tới thực trạng là hàm lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải đã vượt quá khả năng tự làm sạch của các dòng sông.

Đồng thời, ý thức của một số người dân còn hạn chế, chưa bỏ được thói quen xả rác, nước thải ra sông, hồ. Còn nhớ vào tháng 11/2016, người dân Thủ đô đã vô cùng bức xúc trước hình ảnh rất nhiều bao cao su, băng vệ sinh, bàn chải đánh răng… đã qua sử dụng nổi lềnh bềnh trên hồ Linh Đàm. Và cho đến hiện tại, tình trạng xả rác vẫn diễn ra, nhất là ở các khu vực có nhiều dân cư quanh hồ.

Không chỉ ở các thành phố lớn, nguồn nước nông thôn Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là sự tác động của nguồn nước thải do các nhà máy công nghiệp ở lưu vực các con sông.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải được thải vào môi trường, trong đó có đến 80% không qua xử lý. Lượng lớn nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý triệt để khiến nguồn nước ở nông thôn rơi vào tình trạng báo động.

Dù đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động, các nhà máy đang đứng trước nguy cơ “chết yểu” do không có nguồn nước thải vào để xử lý. Có lẽ vì sợ tốn kinh phí và do ý thức kém của các doanh nghiệp mà tình trạng lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường vẫn diễn ra.

Bên cạnh đó, cần phải kể đến sự tác động của ngành sản xuất nông nghiệp tới nguồn nước sạch. Hàng năm ngành nông nghiệp Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó canh tác lúa chiếm 65% tổng lượng phân bón tiêu thụ. Hầu hết nông dân trồng lúa sử dụng phân bón cao hơn mức khuyến cáo và chỉ khoảng 45-50% lượng phân bón sử dụng hiệu quả, còn lại bị rửa trôi. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng phân bón bị rửa trôi mang theo dư lượng thuốc khá cao gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

Ngoài những vấn nạn trên, một vài năm gần đây việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang là nguy cơ đe dọa nguồn nước sạch. Nếu như giai đoạn những năm 2000 nước ngầm khai thác chỉ từ 200 ngàn m3/ngày thì đến khoảng năm 2021 lượng nước khai thác lên 500 ngàn m3/ngày. Riêng Hà Nội và TP HCM, có tổng công suất khai thác lớn hơn (TP Hà Nội đang khai thác khoảng 1,3 triệu m3/ngày, TP HCM khoảng 600 ngàn m3/ngày).

Việc khai thác gia tăng dẫn đến xâm nhập mặn tới công trình khai thác nước ngầm. Nhiều nơi suy giảm chưa có dấu hiệu hồi phục. Ô nhiễm chất có chứa nguồn gốc Nitơ, như NH4, NO3 ở một số nơi nhất là tại khu vực phía Nam Hà Nội. Và còn kéo theo những hệ quả về đời sống, kinh tế, sức khỏe dân cư, như: gây ra tình trạng sụt lún mặt đất khi hạ thấp mức nước dẫn đến việc ngập nước trong tương lai, làm chênh lệch áp lực gây ô nhiễm trên bề mặt, nguy cơ gây ra bệnh cấp tính, mãn tính,…

Thật đáng buồn khi những thực trạng trên chưa phải là tất cả… Vẫn còn vô số những thực trạng về ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra tại nước ta mà chưa có lời giải.

Cuộc khủng hoảng cận kề

Trước thực trạng đáng báo động về ô nhiễm nguồn nước, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo lắng của họ về cuộc khủng hoảng nước sạch trong tương lai gần. Giờ đây, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiện nay không còn là vấn đề riêng của mỗi quốc gia hay từng vùng lãnh thổ, mà đang mang tính khu vực và toàn cầu.

Ngày 18/5, Hội nghị Bộ trưởng về nước và vệ sinh (SMM) năm 2022 đã khai mạc tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, với sự tham gia của trên 70 bộ trưởng các nước trên thế giới. Hội nghị bày tỏ quan ngại về an ninh nguồn nước toàn cầu, nhất là trong hơn hai năm vật lộn với dịch COVID-19 vấn đề này bị coi nhẹ.

Tại Hội nghị, theo thống kê của Liên Hợp quốc, hơn một nửa số dân toàn cầu thiếu khả năng tiếp cận môi trường vệ sinh an toàn. Trong đại dịch COVID-19, cứ mười người thì có ba người không có đủ điều kiện để vệ sinh sạch tay như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng 36%.

Đây cũng đang là vấn đề nan giải tại nước ta, dựa trên đánh giá của IWRA (Hội tài nguyên nước quốc tế), nước ta đang được xếp vào nhóm quốc gia bị thiếu nước. Lượng nước bình quân đầu người mỗi năm của người dân là 3.840m3, trong khi chỉ tiêu tối thiểu là 4.000m3/người/năm.

Cũng theo thống kê của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường thì có đến 20% dân số (hơn 17 triệu người) tại nước ta chưa từng được tiếp cận nguồn nước sạch. Những người dân này phải chấp nhận sống chung với nguồn nước ngầm, nước mưa, nước từ nhà máy lọc không an toàn. Chưa dừng lại tại đó, cứ mỗi năm các tổ chức môi trường quốc tế và trong nước vẫn tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nước ta.

Theo Bộ Y tế thì có tới một nửa trong số những căn bệnh truyền nhiễm đều có nguyên nhân từ nguồn nước, hoạt động vệ sinh cá nhân và môi trường. Trong đó, khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém (theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường). Khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước (theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Có đến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO). Khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen – hay là Arsenic vô cơ lại là một chất hóa học cực độc thường được sử dụng trong việc tạo ra các loại thuốc diệt cỏ và các loại thuốc trừ sâu (theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Bất chấp những con số báo động đỏ này vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch. Hiện tại những con số này chỉ đang chững lại hoặc tăng chậm hơn chứ chưa có dấu hiệu tụt giảm. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, rất có thể cuộc khủng hoảng nguồn nước sạch sẽ đến trong tương lai.

Bảo vệ nguồn nước sạch không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức, khu vực hoặc quốc gia nào mà là của cộng đồng, của toàn thể nhân loại. Mỗi người trong chúng ta cần kiên quyết chung tay bảo vệ nguồn nước sạch bởi đây cũng chính là bảo vệ cuộc sống con người và hệ sinh thái tự nhiên.

Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng nước các đoạn sông chảy qua nội đô thành phố như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ... đều trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động; hàm lượng amoni, coliform, phốt phát, sắt,… đều vượt quy chuẩn cho phép. Cá biệt như amoni đo được 9mg/l - 20mg/l (vượt 18 - 40 lần), coliform đo được 1,5x104 MPN/100ml - 7,5x105 MPN/100ml (vượt 2 - 100 lần).

Theo baophapluat.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày