Thứ 4, 22/05/2024, 05:35[GMT+7]

Cổ tự cổ bi

Thứ 2, 13/06/2022 | 09:11:21
4,447 lượt xem
Các tài liệu khảo cứu cho biết, đạo Phật được truyền vào nước ta đã ngót nghìn năm. Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khởi xướng hình thành cuối thế kỷ XIII. Dấu hiệu nhận biết các ngôi chùa theo thiền phái Trúc Lâm là nhà Tổ thường có tượng thờ của một trong ba vị hoặc cả ba vị sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Điều đáng lưu ý là những bia đá thời Hậu Lê còn sót lại ở một số ngôi chùa này đã mang lại cho các nhà nghiên cứu nhiều thông tin bổ ích, góp phần tìm hiểu nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như lịch sử, địa lý, lịch sử trùng tu chùa, làm mới và tô lại tượng Phật, tên gọi của chùa qua các thời kỳ lịch sử. Đây là những di vật rất có giá trị cần được giữ gìn, bảo quản.

Bia đá nhà Lê, làng Mẽ, huyện Hưng Nhân, nay thuộc tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà mới được nhân dân công đức tôn tạo cảnh quan, góp phần bảo tồn di sản văn hóa.

Thiền phái Trúc Lâm được hình thành sau sự kiện vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành vào cuối thế kỷ XIII tại núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Vua Trần Nhân Tông lập nên một phái thiền mới, thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. 

Sử cũ ghi, trong khoảng những thế kỷ đầu sau Công nguyên nước ta đã có nhiều phái thiền như Tỳ Ni Đa Lưu Chi (năm 580), Vô Ngôn Thông phái (năm 820) và thiền phái Thảo Đường (năm 1069). Các nhà nghiên cứu lịch sử cùng chung nhận định, sự hình thành thiền phái Trúc Lâm đã hợp nhất các thiền phái có từ thế kỷ đầu sau Công nguyên, đặc biệt với sự hình thành thiền phái thống nhất là sự xuất hiện những ngôi chùa của thiền phái Trúc Lâm. Trải qua năm tháng, những ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm cũng đã biến đổi rất nhiều so với lúc ban đầu. Không còn một ngôi chùa nào của thiền phái này còn lại dấu vết kiến trúc thời Trần. Thay vào đó là các công trình kiến trúc của các thời đại sau (thời Hậu Lê và thời Nguyễn). Các di vật có niên đại thời Trần chỉ còn lại một số rất ít, chủ yếu là được làm từ chất liệu đá như khánh đá, bia đá, số còn lại có niên đại thời Hậu Lê và nhiều hơn là thời hưng thịnh của triều Nguyễn, số ít ở cuối triều Nguyễn. Những thông tin mà những bia đá, khánh đá ghi lại có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, địa lý, tôn giáo. Những nguồn sử liệu đó có thể giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, Phật giáo, địa lý, quân sự kiểm chứng lại những số liệu, sử liệu còn tồn nghi trong dân gian.

Điểm một vài ví dụ điển hình trên địa bàn tỉnh ta như nhóm bia “Thần Quang tự bi” là các bia đá khắc chữ Hán Nôm dựng các năm: Chính Hòa thứ 19 (1698) tại chùa Thần Quang, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Bia 4 mặt, khổ 1,10m x 0,52m gồm 68 dòng, khoảng 650 chữ. Người soạn Tiến sĩ Đỗ Viết Hồ. Nội dung bia ghi: “Chùa Thần Quang là nơi Không Lộ Thiền sư đắc đạo, đồng thời là nơi mà Thiền sư bỏ nhiều công sức xây dựng. Đến nay, lâu ngày chùa đã hỏng, các nhà từ thiện xuất tiền của ra sửa chữa”. Bia còn ghi diện tích và vị trí các thửa ruộng chùa Thần Quang. Bia thứ hai là Đức Long thứ 4 (1632) tại chùa Thần Quang, bia đá khắc chữ Hán hai mặt, khổ 1,70m x 1,35m gồm 100 dòng, đếm được khoảng 3.500 chữ. Bia chạm hoa văn mặt trời, rồng, hoa cách điệu, chim, thú. Người soạn Tiến sĩ Nguyễn Thực, người viết Vũ Hồng Thuyết, người khắc Nguyễn Viết Quý. Nội dung ghi lại việc gia đình cung tần Trịnh Thị Ngọc Trân đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cây hương, tiền đường, hậu đường, hành lang... chùa Thần Quang, tất cả gồm 21 dãy nhà cộng 154 gian, gia đình còn cúng ruộng cho nhà chùa. Bia đá Tự Đức Ất Sửu niên (1865), bia dựng tại chùa Thần Quang, bia 1 mặt, khổ 30cm x 44cm, không có hoa văn. Toàn văn bia khắc chữ Hán, 13 dòng với khoảng 150 chữ. Nội dung bia ghi chép về sự tích nhà sư Minh Không đời Lý chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông và được vua phong là Thái sư. Chùa thờ Thiền sư nay ở xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư là nơi trụ trì của nhà sư. Cuối văn bia khắc bài thơ Đường luật “Trạch đắc long xà” nổi tiếng của nhà sư cùng bài thơ của Lê Khắc Nghị.

Theo các tài liệu khảo cứu, Phật giáo ở miền Bắc nước ta, trong đó có Thái Bình suốt quá trình phát triển luôn hội đủ hoặc pha trộn ba tông phái chủ yếu của Phật giáo Ấn Độ là Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông. Kiến trúc chùa không có sự phân biệt kiểu kiến trúc chùa riêng cho mỗi tông phái. Sự hình thành các ngôi chùa cũng “sản sinh” ra các bia đá. Các nhà nghiên cứu Phật giáo đã đưa ra các khái niệm để gọi tên một số loại hình tự viện được hình thành trong quá trình phát triển của mình để dễ phân biệt như “Tiền thần hậu Phật” hoặc “Tiền Phật  hậu Thánh” còn lại là chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm. Tiền thần hậu Phật là loại chùa mà lúc đầu là các ngôi nhà được dựng lên để thờ các thần nông nghiệp như thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp. Nước ta vốn là nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước. Đã gọi là lúa nước thì rất cần nước cho nên con người phải thờ thần nước đã được hóa thân từ các hiện tượng thiên nhiên như sấm, chớp, mây, mưa... Khi Phật giáo du nhập vào nước ta, những năm đầu thế kỷ I người ta đã đặt các tượng Phật giáo vào các đền thờ các thần nông vốn đã có từ trước và các ngôi đền thờ thần nông đã trở thành các ngôi chùa mà sau này người ta quen gọi là chùa tiền thần hậu Phật. Tiền Phật hậu thánh là loại chùa đầu tiên thờ Phật thuần túy sau đó người ta lại thờ thêm một vị thánh (những vị thánh ở đây thường là những người thực nhưng do được học tập tu dưỡng có nhiều phép lạ, được tôn làm thánh) như: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không... Trên địa bàn tỉnh ta có chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư; chùa Lại Trì, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương; chùa Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ… Những ngôi chùa này thường được gọi là chùa tiền Phật hậu thánh… Những ngôi chùa tiền Phật hậu thánh thường có hai loại cấu trúc: Loại thứ nhất có cấu trúc phía trước là tòa tam bảo và phía sau có một công trình kiến trúc riêng biệt để thờ thánh. Chùa thuộc cấu trúc loại này nổi bật là chùa Keo Thái Bình và Keo Cổ Lễ, tỉnh Nam Định. Loại thứ hai không có một kiến trúc riêng để thờ thánh. Thánh được thờ chung với Phật trong tòa tam bảo. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và Phật giáo, những tiêu chí nêu trên được dùng để giới thiệu một số bia đá có niên đại thời Hậu Lê ở các ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm với số bia còn “minh văn” khắc trên đá sẽ mang lại nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, tập quán, thần phả, thần tích, công trạng giúp cho quá trình nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau hé mở những bí ẩn của đời sống văn hóa, kinh tế, thể chế xã hội trong lịch sử mà các bậc tiền nhân gửi gắm cho hậu thế.

Nhiều tài liệu còn lưu giữ được cho thấy những bia đá thời Hậu Lê còn lại ở các ngôi chùa thiền phái Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh ta còn không nhiều. So với các chất liệu giấy bản, giấy dó, thẻ tre, bản mộc… thì những “minh văn” được khắc trên bia đá thường có độ bền cơ học cao, tuy nhiên không hẳn cứ khắc trên đá là vĩnh cửu, bởi lẽ “Trăm năm bia đá cũng mòn”. Những tấm bia lộ thiên chắc chắn sẽ bị phong hóa bởi thời tiết nắng, mưa. Do vậy, việc sưu tầm, giữ gìn, quy tụ bia đá còn lại để có phương án bảo vệ ở các nhà bia là việc làm mang tính cấp bách.

Những thông tin mà bia đá khắc ghi còn có thể đọc được là mong manh nhưng lại rất có ích trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Lĩnh vực lịch sử “minh văn” khắc trên bia đá của một số ngôi chùa thiền phái Trúc Lâm còn cung cấp cho chúng ta những thông tin về sự thay đổi tên gọi làng xã hay về niên đại xây dựng, trùng tu chùa của địa phương ấy. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bia đá không chỉ cung cấp thông tin lĩnh vực lịch sử mà dựa vào tên gọi của bia ta có thể suy ra tên gọi của chùa. Thông thường, chùa có thể gọi nhiều tên gọi khác nhau và sự thay đổi về tên gọi có thể xảy ra ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau nhưng những ghi chép trên bia đá được khẳng định là một loại hình tư liệu lưu trữ vững bền của người xưa.

Quang Viện