Thứ 5, 02/05/2024, 10:24[GMT+7]

Ký ức vào ra

Thứ 2, 20/06/2022 | 08:52:28
4,899 lượt xem
Từ xa xưa, “ăn, mặc, ở và đi lại” được dân làng gọi là “tứ thiết”. Ra, vào làng là một chu trình di chuyển của những con người sống trong một ngôi làng nhất định và không gian ước lệ ấy được củng cố bằng ý thức hệ đi đôi với biểu tượng của văn hóa vật thể đó là cái cổng làng.

Cổng Hậu, làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ vẫn còn giữ được nét trầm mặc của làng cổ người Việt.

Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy phần rất quan trọng của cổng làng là vòm cổng, vòm thường xây cuốn, còn được gọi là lối cổng. Trên vòm cổng thường là mái lợp ngói, người ta có thể trú mưa, nắng ở đó. Cổng làng thường đắp chữ nổi, đại loại như: Thượng lộ bình an; Cố nhân hồi quy... Nhiều cổng làng phần trên vòm cổng còn xây vọng lầu cao hai, ba tầng mà mỗi tầng mái đều có những đầu đao cong vút như kiểu đầu đao đình, chùa cổ. Bên ngoài vòm cổng là hai trụ cổng được xây cao, thế vững chãi, trên mỗi thân trụ cổng thường đắp nổi những câu đối với nội dung nói về truyền thống tốt đẹp, cốt cách của làng.

Theo các tài liệu khảo cứu, tâm thức của mỗi người Việt sâu nặng với làng và đầu tiên là cổng làng, cổng làng có một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi sau đó là cộng đồng, gia tộc, là tình làng nghĩa xóm bền chặt. Theo quan niệm truyền thống, cổng làng được xem là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Cổng làng xuất hiện gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Người xưa quan niệm cổng làng là biểu trưng sức mạnh của làng. Vì thế mà nhà cửa trong làng có thể còn đơn sơ, cuộc sống người dân có thể còn lam lũ, khó khăn nhưng cổng làng thì phải được dựng xây bề thế, đàng hoàng. Mỗi làng có thể chỉ có một cổng duy nhất nhưng cũng có nhiều làng dựng hai cổng gồm cổng tiền và cổng hậu. Cổng tiền thường quay về phía Đông Nam, theo quan niệm dân gian, Đông Nam là hướng của mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng hướng tới sự sinh sôi, tươi tốt. Còn cổng hậu nhằm tiễn đưa những sự u sầu, không may, thường quay về hướng Tây, hướng của mặt trời lặn. Cổng làng cùng với lũy tre tạo nên một tường thành vững chắc bao bọc lấy làng, cổng làng là “vách ngăn” phòng, chống trộm cướp và địch họa. Bình dị bao bọc lấy làng, theo dõi bước chân người đi kẻ ở, chở che cuộc sống bình yên của mỗi người dân trong làng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, kiến trúc truyền thống của cổng làng thường được mô phỏng những ngôi tam quan của đình, chùa xưa. Cổng thường có một cửa chính, liền kề với cửa chính có hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn. Cũng có một số làng xây loại một lối đi và có thể xây thêm hai “cổng mã” hai bên, tức hình dáng như một lối đi nhưng xây bít đặc. Để cân đối, có khi đắp thêm trụ biểu cao ở hai bên như cổng làng. Phần rất quan trọng của cổng làng là vòm cổng, thường xây cuốn, còn được gọi là lối cổng. Trên vòm cổng thường là mái lợp ngói, người ta có thể trú mưa, nắng ở đó. Nhiều cổng làng phần trên vòm cổng còn xây vọng lâu cao hai, ba tầng mà mỗi tầng mái đều có những đầu đao cong vút như kiểu đầu đao đình, chùa cổ. Bên ngoài vòm cổng là hai trụ cổng, được xây cao vút, trên mỗi thân trụ cổng thường đắp nổi những câu đối với nội dung nói về truyền thống tốt đẹp, thanh cao của làng. 

Mặt cổng được coi trọng nhất, là nơi được đắp nổi những gờ chỉ hình con triện, đắp nổi hình hoa, lá cách điệu và ở vị trí trang trọng trên cùng đắp nổi những chữ đại tự, ghi tên làng hoặc những điển cố với nội dung súc tích thể hiện mong ước của người làng. Trải bao đời, cổng làng trở thành hình ảnh thiêng liêng, sâu xa về quê hương, xứ sở, gắn liền với cây đa, giếng nước, với ngôi chùa cổ, ngôi đình cổ của làng. Do vậy, nhiều làng quê không giàu có gì nhưng dân làng vẫn gắng tích cóp để xây ngôi cổng làng đẹp và bền vững, như xây chùa, xây đình của làng vậy. Nhờ những gắng sức bền lòng ấy nên rất nhiều làng quê đã có được ngôi cổng làng đẹp, nó như một di sản văn hóa vật thể độc đáo gửi lại cho hậu thế. Xưa kia người dân sinh sống trong quần thể khép kín của làng với cổng làng và lũy là giới hạn không gian sống. Cổng làng là điểm trấn đường vào làng, ấn định không gian sống muôn thuở, khép kín ngôi làng Việt. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực người dân đang sinh sống. Tìm hiểu “Hương ước làng Thái Bình” có nhiều làng quy định cấm ra đồng vào ban đêm để phòng ngừa nạn trộm cắp, rứt lúa. 

Làng cử trương tuần canh gác nơi cổng làng. Người đương thời sống sau cổng làng và người quá cố được an nghỉ bên ngoài cổng làng. Là nơi phân cách với cánh đồng quê, chiếc cổng làng hàng ngày “túc trực”, chờ đón người đi làm đồng về. Đây cũng là nơi đầu tiên mà những người khách lạ, quan kinh lý, người đăng khoa đỗ đạt, những con dân của làng làm ăn xa quê trở về trong dịp tết đoàn viên được đón tiếp khi về làng. Nhiều cổng làng được xem là di sản văn hóa, nghệ thuật là đỉnh cao trong kiến trúc của ngôi làng Việt, phản ánh lý tưởng và chiều sâu của văn hóa cộng đồng. Từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây. Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Cổng làng được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê.

Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì những chiếc cổng xưa cũ chứa đựng tinh thần hồn cốt làng quê Việt cũng bị xuống cấp, ủ dột và bị lãng quên, nhiều làng đã phá cổng làng đi, nhường chỗ cho con đường bê tông mới. Làng thời nay không còn không gian tĩnh khép kín mà được mở rộng lan tỏa bởi phương tiện giao thông hiện đại như xe máy, ô tô và cũng bởi lối sống vật chất thực dụng mà vì thế ý nghĩa định hình không gian làng và gắn kết cộng đồng dân cư của cổng làng đã bị thu hẹp, có làng đã mất đi. Tuy nhiên, nhiều làng, xã trong tỉnh đã đầu tư để xây dựng lại cổng làng như làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ); làng Chàng, xã Đông Dương (Đông Hưng); nhiều làng thuộc huyện Hưng Hà... nhưng hầu hết những chiếc cổng mới đều mang nét kiến trúc “lai căng” mất đi dáng vẻ thuần Việt. Có những chiếc cổng là hai cột xi măng hoặc hai cột thép dựng lên rồi gắn bảng tên cổng làng ở phía trên... Nhiều làng trong tỉnh cũng đầu tư công sức, tiền của nhưng lại dựng cổng làng thành... cổng chào! Theo các tài liệu khảo cứu, trong tổng thể kiến trúc các làng xã thuở xa xưa, từ đường làng, cổng làng, lũy tre, cây đa, bến nước, đình làng, hệ thống hồ ao, nhà dân đều có sự thống nhất trong “mối quan hệ” về tỷ lệ, không gian, màu sắc, chất liệu nhưng ngày nay khi xây dựng cổng làng, người đương thời không còn chú trọng “mối quan hệ” tối cổ xưa nữa và vì thế cổng làng “hiện đại” thiếu vắng hồn cốt làng Việt xưa.

Nhiều làng quê trên địa bàn tỉnh ta không dư giả vật chất, đời sống dân sinh không quá sung túc nhưng dân làng vẫn gắng tích cóp để xây ngôi cổng làng đẹp và bề thế như xây chùa, xây đình của làng vậy. Nhờ công lao của các bậc cao niên, sự lãnh đạo của chi bộ đảng thôn, làng, đội ngũ cán bộ thôn làng cốt cán, tâm huyết đã vận động nhân dân gắng sức bền lòng, chắt chiu công đức mà nhiều làng quê đã xây dựng được chiếc cổng làng to và đẹp mang ý nghĩa nhân văn, để lại cho đời sau như một di sản văn hóa vật thể bền vững của làng.


Quang Viện