Thứ 7, 23/11/2024, 03:42[GMT+7]

Đình huấn Nho gia

Thứ 2, 27/06/2022 | 08:06:55
3,484 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, thời nhà Nguyễn các vua Nguyễn từ Gia Long, Minh Mệnh đến Thiệu Trị, Tự Đức đều rất coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị trí của giáo dục truyền thống (thường gọi là Nho gia), trong đó có giáo dục và khoa cử. Nho học quốc gia được phục hồi sau khoa thi cuối cùng (1787) triều Lê - Trịnh dựa trên nội dung giáo dục và khoa cử triều Lê sơ (1427- 1527). Nhưng, biến động của lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sau khi thực dân Pháp xâm lược toàn cõi nước Nam thì giáo dục Nho học không còn là hệ thống đào tạo đội ngũ trí thức phong kiến nửa thuộc địa duy nhất.

Từ đường họ Nguyễn Kim, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư ghi danh dòng họ văn hóa và khoa bảng thời Nguyễn.

Thông qua những kết quả đạt được của các triều đại trước, giáo dục Nho học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở nước ta nói chung và nền giáo dục Nho học trên địa bàn tỉnh ta vẫn được coi là nền tảng quan trọng đào tạo đội ngũ trí thức cho xã hội phong kiến nửa thuộc địa đương thời. Từ năm 1802 đến trước năm 1890, địa phận hành chính của Thái Bình nằm trong sự kiểm soát của chính quyền hai tỉnh Hưng Yên và Nam Định, nhưng 101 vị đại khoa bảng có quê quán tương ứng với địa phận hành chính của 8 huyện, thành phố của tỉnh ta ngày nay mà thời các vương triều phong kiến trước triều Nguyễn thuộc hai tỉnh kể trên là hoàn toàn trùng khớp.

Theo các nguồn khảo luận, trước ngày thành lập tỉnh tháng 3 năm 1890 (năm 1822 là trấn Nam Định, năm 1831 là tỉnh Nam Định và tỉnh Hưng Yên) nền giáo dục của tỉnh ta nằm trong hệ thống giáo dục chung của trấn Sơn Nam Hạ, quản lý giáo dục toàn tỉnh là một viên Đốc học, dưới phủ huyện có một viên Huấn đạo. Các nguồn sử liệu ghi, vào năm 1938 do chính sách “cấm đạo” của nhà Nguyễn một số tỉnh miền núi và tỉnh Nam Định được tạm đặt chức Tổng giáo nhằm buộc những người theo đạo Gia tô phải bỏ đạo. Sách “Đại Nam thực lục” ghi: “Chọn đặt mỗi huyện một hay hai hay ba, bốn người, không phải câu nệ có học rộng, lời văn giỏi, chỉ cần người có học, hạnh kiểm tốt, biết văn lý thì cho làm, tháng cấp cho tiền quan, gạo một phương. Cũng không phải làm ra nhà học, tức là cho tùy tiện trú ngụ, dạy bảo các con em nhà dân tổng ấy và tổng lân cận”. Ngoài Đốc học, Huấn đạo, Tổng giáo cũng là một trong những chức quan thuộc hệ thống giáo dục phong kiến ở tỉnh ta thời kỳ này. Sau khi thành lập tỉnh, bên cạnh Đốc học người Việt, thực dân Pháp còn đặt một viên Đốc học người Pháp, quyền hành “trong tay” viên đốc học này. Dưới quyền Đốc học có ba Huấn đạo phụ trách ở ba khu vực. Khu vực một gồm có: Đông Quan, Thái Ninh, Thụy Anh, Phụ Dực; khu vực hai gồm có: Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân, Quỳnh Côi; khu vực ba gồm có: Kiến Xương, Tiền Hải, Thư Trì và Vũ Tiên. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi, tỉnh Nam Định (trong đó có một số xã, tổng, huyện của Thái Bình ngày nay) gồm 24 phủ, huyện; 70.898 suất đinh, có 14 trường học. Hưng Yên gồm 10 phủ, huyện; 16.730 suất đinh và có 5 trường học. “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi, sau năm 1890 số trường học của phủ, huyện thuộc nhà nước xây dựng và quản lý trên địa bàn hai tỉnh Hưng Yên và Nam Định thuộc về tỉnh Thái Bình gồm có các trường sau: “Trường học phủ Tiên Hưng ở phía Nam phủ thành, năm Thiệu Trị thứ 3, dỡ nhà học huyện Phù Cừ lấy vật liệu dựng trường này. Trường học huyện Duyên Hà ở phía Nam huyện lỵ, năm Tự Đức thứ 2, bỏ trường này và dời sang huyện Hưng Nhân, đến năm thứ 4, lại dựng ở chỗ cũ. Trường học huyện Chân Định ở phía Đông Nam phủ thành, địa phận xã Động Trung, dựng năm Gia Long thứ 7. Trường học huyện Thanh Quan ở phía Đông lỵ sở huyện, địa phận xã Cổ Hội. Trường học phủ Kiến Xương ở phía Nam phủ thành, địa phận xã Kỳ Bố, dựng năm Minh Mệnh thứ 17. Trường học huyện Quỳnh Côi ở phía Đông lỵ sở huyện, địa phận xã Quỳnh Ngọc, dựng năm Thiệu Trị thứ 3. Trường học phủ Thái Bình ở phía Đông phủ thành, địa phận xã Kênh Lũ, dựng năm Minh Mệnh thứ 17”. Theo nguồn sử liệu, dưới triều Nguyễn ở Thái Bình trung bình mỗi huyện có một trường học chữ Hán do nhà nước xây dựng. Nhưng không phải cứ có trường là thu hút được mọi tầng lớp nhân dân đến học, vì những lý do khác nhau, có thể vì “đường sá” xa xôi, có thể vì nhà nghèo mà có khá nhiều nho sinh theo học các trường tư trong làng. Sau khi thành lập tỉnh Thái Bình, với yêu cầu đào tạo đội ngũ quan chức phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, song song với việc duy trì các lớp Nho học, thực dân Pháp đã mở một số lớp học chữ quốc ngữ. Mặc dù thành lập từ năm 1890 nhưng mãi đến năm 1902 ở Thái Bình mới có trường học. Thực dân Pháp lập ra trường học ở Thái Bình chủ yếu là hai loại trường: một là trường kiêm bị và hai là trường tiểu học. Hệ thống trường kiêm bị gồm: mỗi phủ hoặc huyện có một trường từ 3 - 6 lớp: lớp nhì 1, lớp nhì 2 và lớp nhất tương đương với các lớp 3, 4, 5 ngày nay. Hệ thống trường tiểu học gồm 3 lớp: đồng ấu, dự bị, sơ đẳng”. Theo số liệu báo cáo ngày 2/5/1933 về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Thái Bình, số học sinh học trường Pháp ở tỉnh ta từ năm 1902 - 1920 tăng từ 40 lên 420 nho sinh. Quy mô giáo dục của thực dân Pháp ở tỉnh nhà hết sức nhỏ bé và chậm phát triển, chúng xây dựng trường học không nhằm mở mang dân trí mà chủ yếu đào tạo đội ngũ trí thức sau này phục vụ nhu cầu thống trị của thực dân Pháp trên địa bàn Thái Bình.

Cha ông ta xưa đã biết phát huy vai trò quan trọng của công tác khuyến học, điều quan tâm trong giáo dục truyền thống ở các làng xã là giáo dục truyền thống hiếu học của quê hương, như câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy”. Việc tổ chức đón rước những tân khoa về làng hay việc dựng bia ghi tên tuổi những người đỗ đạt trong huyện xã, khi chết được nhân dân lập đền thờ coi là phúc thần của làng, đi học không chỉ nhằm khẳng định tài năng, học vấn của mình mà còn làm rạng danh cho gia đình, dòng tộc, xóm, làng… ngược lại, gia đình, dòng tộc, xóm làng cũng có những động thái khuyến khích tinh thần học tập của con em ở địa phương mình và lân cận.

Lịch sử ghi nhận họ Bùi ở đất Hàm Châu, nay thuộc xã Tân Bình, thành phố Thái Bình do gia huấn tốt nên từng có nhiều người đỗ đạt làm quan dưới nhiều triều đại như Tướng quốc Bùi Quang Dũng công thần khai quốc thời Đinh, Bùi Quang Đạt làm quan nhiều triều. Sử cũ chép, hai anh em Tiến sĩ Phạm Thế Hiển và Phó bảng Phạm Thế Húc, quê ở Luyến Khuyết, huyện Đông Quan (nay là xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy) thành danh phải kể đến sự dạy dỗ của người cha Phạm Diệu là thầy đồ Nho học quê rất nổi tiếng. Truyền ngôn, ông là “Hậu thân thần Văn xương Đế quân”, do vậy các con ông là Phạm Thế Hiển đỗ tiến sĩ, Phạm Thế Trình đỗ phó bảng, Phạm Thế Thạc đỗ tú tài. Học trò của ông có 3 người đỗ phó bảng, 23 cử nhân, 187 tú tài. Khoa Canh Tý, ở làng Bình Cách (nay thuộc xã Đông Xá, huyện Đông Hưng) có cụ ông 84 tuổi vẫn đi thi và đỗ cử nhân, là học trò cũ của ông.

Hệ thống trường lớp do nhà Nguyễn mở ra để đào tạo trí thức Nho học cũng như trường do thực dân Pháp mở đào tạo đội ngũ “Tây học” ở đầu thế kỷ XX ở Thái Bình rất hạn chế. Có tài liệu ghi: “Thực tế cho thấy số lượng các trường thi hương, số dự thi và trúng tuyển thi hương, thi hội có thể thấy giáo dục Nho học thời Nguyễn phát triển mạnh mẽ nhất trong thời kỳ phong kiến”. Điều này chỉ có thể giải thích vai trò rất quan trọng của làng, xã, của gia đình và của dòng họ trong giáo dục Nho học thời kỳ này. Ở Thái Bình, trong khi các trường do nhà nước thực dân nửa phong kiến mở không nhiều thì các lớp học do các thầy đồ ở các làng xã mở ra thu hút đông học trò đến học. Có thể khẳng định, trường làng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống khoa cử ở địa phương.


Quang Viện