Thứ 6, 22/11/2024, 11:27[GMT+7]

Đổi mới để giữ nghề truyền thống

Thứ 4, 29/06/2022 | 08:44:01
2,921 lượt xem
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng trong chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị cao, HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến (xã Hồng Tiến, Kiến Xương) đang giúp người dân làng nghề nâng cao thu nhập và phát triển bền vững nghề truyền thống.

Sản phẩm cáy chế biến của HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Xã Hồng Tiến được thiên nhiên ban tặng vùng đất bãi bồi sông Hồng, với tổng diện tích hơn 121ha. Vùng bãi nằm gần cửa biển nên có hệ sinh thái đa dạng, nơi sinh trú của nhiều loài thủy sản quý như rươi, cáy, cua, rạm, cá môi đối, tôm rảo... Một vài năm gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nông dân đã biết khai thác thủy sản một cách khoa học, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến cho biết: Phần lớn diện tích đất bãi được quy hoạch trồng cói. Mỗi héc-ta trồng cói bà con thu hoạch bình quân 8 tấn cói khô/năm, cho giá trị 120 triệu đồng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa mà việc trồng cói còn giúp tạo ra môi trường sống tự nhiên, an toàn cho các loài thủy sản trong đó có rươi và cáy sinh trưởng, phát triển. Được tư vấn, hướng dẫn, đến nay bà con xã viên không còn tận thu, tận diệt mà đã biết thu hoạch theo thời vụ và chọn lọc những con cáy trưởng thành, không đánh bắt cáy đang sinh sản hoặc cáy nhỏ mới lớn.

Nhờ thực hiện các biện pháp canh tác, khai thác hợp lý, nguồn lợi thủy sản từ vùng đất bãi của xã Hồng Tiến ngày càng sinh sôi. Sản lượng thu hoạch thủy sản hàng năm tăng từ 15 - 20%; năm 2021 bà con thu hoạch được 100 tấn cáy, tăng gần 20 tấn và đánh bắt được 8 tấn rươi, tăng 1,5 tấn so với năm 2020, tổng giá trị đạt 17 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Sáu, thôn Nam Hòa chia sẻ: Trước đây do thiếu kiến thức và không biết bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hàng năm sản lượng thu hoạch thấp dần, bà con ai cũng lo rươi, cáy sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên, sau khi được địa phương tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật thâm canh bền vững, các loài thủy sản lại phát triển mạnh trở lại. Gia đình tôi có 5 mẫu ruộng trồng cói, mỗi năm thu hoạch được hơn 3 tạ rươi và gần 2 tấn cáy, cho thu nhập gần 350 triệu đồng.

Hồng Tiến ở địa thế vùng đất cửa sông giáp biển, con cáy sống trong môi trường nước lợ nên có độ đạm cao, thịt ngọt, thơm và mùi vị rất đặc trưng, khác hẳn với cáy ở các địa phương khác. Phát huy lợi thế đó, năm 2017 HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến tổ chức chế biến và xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mắm cáy Hồng Tiến” nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Ông Hoàng Văn Phiệt, thôn Nam Hòa cho biết: Nếu như thu hoạch và bán ngay, mỗi tấn cáy chỉ cho giá trị từ 120 - 130 triệu đồng; nhưng khi chế biến thành mắm cáy thì giá trị tăng thêm 30%, đạt từ 150 - 170 triệu đồng/tấn. Sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến được HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến quản lý quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó.

Không dừng lại ở chế biến mắm cáy, năm 2021 HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến tiếp tục nghiên cứu, cho ra mắt thị trường sản phẩm cáy tươi xay cấp đông. Sản phẩm chỉ với hai nguyên liệu chính là cáy xay nhuyễn lọc lấy thịt và nước muối ăn, không có phụ gia, không có chất bảo quản nên rất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm đã được HTX đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp mã số mã vạch thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Cáy tươi xay cấp đông là sản phẩm tiện lợi cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể, gia đình chế biến thành món canh hoặc làm nước lẩu. Với giá bán 25.000 đồng/chai 350ml, mỗi chai có thể nấu canh cho 6 người ăn, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá cả hợp lý và rất tiện dụng.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến cho biết thêm: Việc nghiên cứu, chế biến ra những sản phẩm mới giúp nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của bà con xã viên và thúc đẩy làng nghề phát triển. Hiện nay chúng tôi đã quy hoạch 50ha vùng đất 2 lúa và triển khai mô hình canh tác theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng diện tích, không gian sinh thái cho cáy, rươi và các loại thủy sản khác phát triển, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào phục vụ nhu cầu chế biến ngày càng tăng của làng nghề trong thời gian tới.

Mỗi năm người dân xã Hồng Tiến thu hoạch hơn 100 tấn cáy cho giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày