Thứ 7, 23/11/2024, 03:10[GMT+7]

Nước mênh mang, nguồn dài mãi

Thứ 2, 04/07/2022 | 08:49:34
2,738 lượt xem
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, làng xã truyền thống nước ta chứa đựng nhiều giá trị di sản quý báu, tuy nhiên việc bảo tồn di sản văn hóa làng còn nhiều bất cập và có phần phiến diện, thiếu tính linh hoạt. Nhiều di sản văn hóa làng trên địa bàn tỉnh ta đang nằm trong tình trạng bị mai một. Có những nhóm di sản như bia đá, cổng làng, cổng nhà, giếng, cầu đá, quán hàng, ao làng, lũy tre... có hoặc chưa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cần được bảo tồn.

Không gian đền thờ Quan Trạng với bia ký ghi công lao Tam nguyên Phạm Đôn Lễ được suy tôn là ông tổ nghề dệt chiếu Hới, Hải Triều, xã Tân Lễ (Hưng Hà).

Việc tạo lập môi trường sống bền vững của làng xã, tạo nên giá trị tích hợp sinh thái nhân văn của làng xã truyền thống là hết sức quan trọng. Đây cũng là nhóm các di sản dễ bị tổn thương và đang mất dần với tốc độ rất nhanh trong quá trình phát triển của nông thôn, tác động đô thị hóa. Các giá trị di sản đặc trưng về kiến trúc và quy hoạch của làng quê Thái Bình như cấu trúc không gian làng (theo hình dáng những linh vật độc đáo như rồng, mã (ngựa), lươn, chạch, cá chép...), hệ thống cây xanh mặt nước và sông ngòi, nguyên tắc hoạt động tiên tiến của hệ thống hạ tầng trong làng, các yếu tố kiến trúc cảnh quan nổi bật như cổng làng, cổng chùa, chùa Keo, công trình kiến trúc như giếng nước, tường rào đắp đất, ốp bằng vỏ ốc, hàu... nổi bật những độc đáo tiến bộ trong các giải pháp kiến trúc và quy hoạch của làng xưa và nay, đồng thời “lộ” ra những kiến giải ban đầu về nguyên nhân hình thành và phát triển không gian làng. Làng quê Thái Bình ven sông Hồng là ví dụ tiêu biểu cho thành tựu kiến tạo môi trường sống thích ứng với điều kiện tự nhiên và xã hội ở khu vực đồng bằng cuối sông Hồng, bắt đầu cho thời kỳ khai khẩn vùng biển Tiền Châu của ông cha ta. Câu hỏi, làm sao để hạn chế tối đa sự biến đổi cấu trúc hình thái truyền thống, không gian cảnh quan của làng trước những nhu cầu phát triển của làng xã.

Lấy ví dụ ở huyện Vũ Thư, kết quả điền dã cho thấy, nhiều xã còn lưu giữ được những di sản văn hóa làng Việt, đáng chú ý là những bia đá ghi công lao, sự tích... của con người và cảnh quan làng cổ. 34 bia với 41 mặt chạm khắc chữ Hán còn đọc được, trong đó cụm di tích Viên Quang tự có nhiều bia nhất. Cụm di tích chùa Keo cũng còn khá nhiều mặt bia. Số bia, chuông chủ yếu tập trung tại các chùa, một ít tại đình và các nơi khác như nhà thờ họ, bia mộ... Điển hình là bia “Ông Lâu Phúc Minh tự bi” đặt tại chùa An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư do Triều Thỉnh Đại phu Hàn lâm viện học sĩ tri chế thượng kỵ, Đô úy Đỗ Nguyên soạn vào thượng tuần tháng Giêng năm Đại Trị 12 (1369) đời Trần Dụ Tông và vào năm Long Khánh 5 (1377) Thư lại Nguyễn Đa phụng... Nội dung ghi về công lao của Linh Nhân Thái hậu là người đã kiến tạo chùa Ông Lâu, tức Phúc Minh. Bia mộ tả vị trí của chùa, nói về giáo pháp nhà Phật là “Khi sống làm điều thiện thì khi chết được phúc báo. Khi sống làm điều ác, lúc chết bị báo tội”. Lời nói ngọt thì thấm sâu vào lòng người và mọi người vui vẻ nghe theo vì thế mà huy động được tiền của đóng góp vào chùa. Bia có bài minh 16 tứ tuyệt. Cùng ở cụm di tích tại chùa An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư còn có một số bia khác được tạo dựng vào thời Lê Trung Hưng, như Phúc Minh Ông Lâu tự bi do con trai Văn Lộc là Lương Linh tự Phúc Long soạn. Niên đại tạo dựng vào tháng 3 năm Hoằng Định 19 (1618). Bia Phúc Minh Ông Lâu tự bi do con trai Tú lâm cục Nho sinh Văn Phái và Lương Vi Thuần Phủ soạn, được tạo dựng vào ngày 27 tháng 3 năm Vĩnh Tộ 8 (1626). Nội dung 2 tấm bia này đều nói về việc đóng góp xây dựng chùa Phúc Minh do Linh Nhân thái hậu kiến tạo. Ba tấm bia chùa Phúc Minh cùng ở một cụm di tích ghi 3 niên đại khác nhau, trong đó bia đầu tiên ghi rõ năm soạn và năm “phụng...” đều thuộc niên hiệu đời Trần Dụ Tông và Trần Duệ Tông. Bia Gia Thục công chúa mộ chí đặt tại xã Song An, huyện Vũ Thư do Hiển Cung đại phu Hàn lâm viện Thị thư kiêm Sùng Văn Quán Tú Lâm cục ty huấn thần Lương Thế Vinh phụng soạn vào ngày 11 tháng 10 năm Hồng Đức 14 (1483), viết về tiểu sử Gia Thục công chúa, húy Thanh Trục con gái trưởng của vua vì mẹ mất sớm nên được Đông triều Hoàng thái hậu nuôi dưỡng sau gả cho con Thái bảo Kiến Dương hầu Lê Cảnh Huy vào năm Hồng Đức 5 (1474) sinh được 1 người con trai, 1 người con gái nhưng đều bị chết sớm. Bà cũng mất vào năm Hồng Đức 14, an táng tại Ô Cách, An Lão, Thư Trì (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư) nguyên là quê ngoại của Hoàng thái hậu. Bia ca ngợi đức độ công chúa. Bà tuy là con vua nhưng rất quan tâm đến người cùng khốn. Ngày bà mất mọi người tiếc thương than khóc...

Với số lượng mặt bia, chuông có chạm khắc chữ Hán còn đọc được, nội dung gồm: bia hậu thần, hậu Phật, bia trùng tu, bia ở từ đường và các dòng họ, bia ghi sự tích các danh thần, bia ghi tục lệ khế ước, bia mộ, bia tu tạo cầu đường, đình miếu... phong phú về cách thể hiện rất cần được đăng ký bảo vệ. Ngoài giá trị di sản phi vật thể, các nhà nghiên cứu kiến trúc đưa ra những đánh giá về cấu trúc làng truyền thống mang tính vật thể như các thành tố của làng cổ tạo nên cấu trúc của một làng truyền thống, tiêu biểu cho cấu trúc của làng xã vùng đồng bằng sông Hồng, tạo nên một môi trường cư trú của cộng đồng dân cư nông nghiệp, có bề dày lịch sử (bao gồm cả yếu tố trong làng và đồng ruộng ngoài làng). Sơ đồ cấu trúc làng truyền thống, các công trình kiến trúc cổ, các thành tố truyền thống còn lại. Nhà ở truyền thống trong đó kiến trúc nhà ở (công trình chính và phụ), tổ chức không gian ở, sinh hoạt sản xuất trong ngôi nhà. Nhà ở, khuôn viên, cổng nhà. Đánh giá giá trị các công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng và phục vụ cộng đồng. Đình, chùa, miếu, quán, văn chỉ, võ chỉ, thọ từ, nhà thờ họ, cổng làng, ao làng, giếng làng, cầu, lũy tre, chợ... Công trình kiến trúc cổ tạo dựng không gian làng truyền thống với 2 ý nghĩa: ý nghĩa tự thân về chức năng sử dụng, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ; ý nghĩa lịch sử, tinh thần của công trình và ý nghĩa của công trình trong quan hệ với cộng đồng dân cư, cảnh quan làng xã. Các tổ hợp không gian như cổng làng, ngõ xóm, không gian trước đình, chùa, ao làng, đồng ruộng, sông, ngòi... và các không gian đặc trưng khác... Nhà được xây bằng gạch nung, đất, đá ong, nhà gỗ, nhà tre. Xây dựng công trình hạ tầng như đường, rãnh, ao, giếng... Chất lượng môi trường sống được thể hiện qua hệ sinh thái truyền thống, cách giữ gìn hệ sinh thái. Các hệ sinh thái tổng thể trong, ngoài làng, hệ sinh thái vườn, ao, chuồng của hộ gia đình, các cách sử dụng nước, tái sử dụng nước thải, bón phân, thu gom nước mưa, bảo vệ cây xanh, môi trường... đồng thời với những đánh giá về các giá trị phi vật thể như văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực, truyền thuyết, tổ chức xã hội...

Trong 146 bia, chuông của Thái Bình còn đọc được chữ, chủ yếu là bia được tạo dựng vào triều Nguyễn, có 31 bia được dựng từ thời Lê trở về trước. Đây là 5 câu thơ trong bài minh khắc trên bia tại đền thờ “Tam nguyên Phạm Đôn Lễ” ở làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tạo nên điểm nhấn kiến trúc văn hóa, lịch sử của làng nghề dệt chiếu: “Phúc của thần chừ, đầy đặn thay/Mộc mạc đẹp đẽ chừ, đất thiêng thay/Từng bước đi thong dong chừ, như bậc tiên/Phong tục tốt đẹp chừ, xứng bậc thánh minh/Đời đời thờ thần chừ, mãi mãi hòa bình”, đại ý: “Gặp thịnh triều sự nghiệp làm quan, có công với dân còn ghi trong sử sách. Ông chọn đất này, nơi đây chợ phố đông đúc, thuyền bè tấp nập thật là một nơi đất yên vui. Dân thì buôn bán kinh doanh trở nên giàu có, cho nên nói rằng từ khi có phủ quân đến đây thì mới được như vậy và ông có công với dân nơi đây vậy. Sau khi ông mất, dân ấp lập đền thờ phụng làm Phúc thần, cầu đảo rất linh ứng”.


Quang Viện